Những thời khắc hào hùng cùng Thủ đô yêu dấu

Nhiều người trào nước mắt khi xem những hình ảnh, tài liệu về Ngày Giải phóng Thủ đô 70 năm trước: Người dân rạng rỡ đón đoàn quân trở về; người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội, lễ chào cờ thiêng liêng chiều 10/10/1954…
Chiến sĩ Trần Thành ôm bom ba càng, sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch trên đường phố Thủ đô Hà Nội ngày 23/12/1946. Ảnh: NGUYỄN BÁ KHOẢN
Chiến sĩ Trần Thành ôm bom ba càng, sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch trên đường phố Thủ đô Hà Nội ngày 23/12/1946. Ảnh: NGUYỄN BÁ KHOẢN

“Tương lai sẽ tốt”

Trong 13 km giá tài liệu mà Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đang bảo quản, có một số lượng lớn tài liệu gốc về ngày tiếp quản, Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, bao gồm các loại hình tài liệu ảnh và tài liệu giấy, từ Quốc hội, Phủ Thủ tướng, Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nông Lâm, và Bộ Giao thông Công chính, Bộ Canh nông, từ các nguồn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, nhà sưu tầm ảnh Đặng Tích, GS Hoàng Minh Giám, các nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Đức Toàn, Huy Du…

Theo TS Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm, có thể kể đến tài liệu về Chiến thắng Điện Biên Phủ, về Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định về việc quân Pháp sẽ rút khỏi Hà Nội trong 80 ngày và sự chuẩn bị của Chính phủ đối với việc thi hành Hiệp định; các tài liệu về quá trình chuẩn bị tiếp quản Hà Nội như: Chương trình, kế hoạch và nhân sự cho việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội, thành lập Ủy ban Hành chính Hà Nội…

Bên cạnh đó, là các báo cáo, hình ảnh tiêu biểu về tình hình tiếp quản Hà Nội. Báo cáo của BCH thành phố Hà Nội về cuộc đón tiếp bộ đội, chính quyền ta vào ngày 10/10/1954 có đoạn: “Nhân dân các cửa ô kéo ra đón bộ đội, hai bên hè đường chật ních người đứng, từ phía ô cầu Dền lên tới rạp Majestic đông hơn… Nhiều cán bộ ước lượng có tới hơn 20 vạn người trở lên. Có những người từ trước tới giờ không đi đón ai bao giờ cả nay cũng đi đón bộ đội như giáo sư Vinh (cha Vinh), bác sĩ Chinh, cả xóm Công giáo Hàm Long đi hết. Một cụ già có 5 con nói: Đời tôi hôm nay mới thấy có ánh sáng, sau này sẽ sung sướng, tương lai của các con tôi sẽ tốt… Tại các công sở, trường học thì công chức, học sinh tập trung đi đón bộ đội, sinh viên đứng vào hàng ngũ 200 người, số công chức đi tới 70-80%, các xóm lao động tới 2/3, nhân dân ngoại thành khoảng 4, 5 vạn người…”.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, Trung tâm đã và sẽ tổ chức giới thiệu tài liệu lưu trữ về Tiếp quản Thủ đô; trưng bày tại Triển lãm “Hà Nội - Ký ức những ngày tiếp quản”, khai mạc vào 2/10 tại Nhà Triển lãm 61 Tràng Tiền…

Những thời khắc hào hùng cùng Thủ đô yêu dấu ảnh 1

Trung đoàn Thủ đô đi đầu, về đến phố Hàng Gai, ngày 10/10/1954 khi tiếp quản Thủ đô. Ảnh: NGUYỄN BÁ KHOẢN

Từ những người vừa đi qua thảm họa…

TS Trần Việt Hoa còn cho biết, các bức ảnh của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản là một trong số khối tài liệu ảnh đồ sộ nhất mà Trung tâm đang quản lý, đặc biệt là số ảnh về Ngày Giải phóng Thủ đô. Trung tâm đã chọn hơn 20 bức ảnh gốc trong số hàng trăm bức ảnh về Hà Nội để giới thiệu đến công chúng.

Trong suốt 60 ngày đêm chiến đấu tại Thủ đô (19/12/1946 đến 17/2/1947), trong vai trò là phóng viên báo Cứu quốc, Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản (1917-1993) đã xông pha khắp các mặt trận, cùng vào sinh ra tử cùng các chiến sĩ vệ quốc đoàn, ghi lại hình ảnh chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trước kẻ địch hùng mạnh. Một trong những bức ảnh nổi tiếng ông chụp được trong thời gian này là bức hình người chiến sĩ cảm tử quân Trần Thành, đoàn viên Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu đang ôm bom ba càng sẵn sàng lao vào xe tăng địch tại trận địa Liên khu I. Bức ảnh đã trở thành một biểu tượng của Thủ đô kháng chiến. Nhà báo Diệu Ân, trưởng nữ của cụ Nguyễn Bá Khoản rưng rưng xúc động, đó là những người vừa đi qua thảm họa hơn 2 triệu người chết vì đói, là những người nông dân, công nhân nghèo khổ nhưng có tinh thần quyết tâm để giải phóng dân tộc bởi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chính vì vậy, họ sẵn sàng cảm tử, thà chết chứ không chịu làm nô lệ. Đó là bức ảnh khiến hàng triệu người xúc động của cha tôi. Để rồi, hình dáng người chiến sĩ cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh trong bức ảnh đó đã được tạo hình trên nhiều tác phẩm điêu khắc sau này.

Qua những hình ảnh ông chụp, ta có thấy các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô sẵn sàng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, chấp nhận hy sinh cùng bộc phá, lựu đạn lao vào quân địch. Còn người dân đào hào trong nhà, huy động hết tất cả mọi thứ có thể làm chiến lũy trên từng con phố, tiếp tế lương thực, đạn dược, cứu thương…, và còn cầm súng, gươm chiến đấu cùng bộ đội…

Những tài liệu, hình ảnh về quá trình quân và dân ta giải phóng, tiếp quản Thủ đô góp phần giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng và lịch sử dân tộc để các thế hệ hôm nay thêm tự hào, góp sức xây dựng Hà Nội ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Giữ được những bức ảnh đó, một phần nhờ công rất lớn của người vợ ông, bác sĩ Cao Minh Thu - nữ cứu thương của Trung đoàn Thủ đô, người mua toàn bộ phim, lưu giữ và cũng trực tiếp phóng các bức ảnh cho ông. Sau khi rút khỏi Hà Nội, bà đã gánh toàn bộ phim ảnh của ông về quê - thôn Trà Lai (Gia Viễn, Ninh Bình) và bảo quản hàng trăm cuộn phim giá trị trong suốt kháng chiến chống Pháp bằng cách để phim vào các hũ sành có lót là chuối khô, phía dưới là các cục đá vôi chống ẩm.