Giải pháp mạnh

Việc Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) xử lý một số doanh nghiệp (DN) niêm yết không công bố báo cáo tài chính (BCTC) bán niên đúng thời hạn bằng cách đưa cổ phiếu (CP) vào danh sách không được giao dịch ký quỹ (margin) là một giải pháp đúng đắn và nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà đầu tư (NĐT) cũng như các chuyên gia chứng khoán.

Ngay lập tức, CP của các DN này bị bán tháo rất mạnh bởi lẽ, từ chỗ được sử dụng margin chuyển sang không được sử dụng margin đồng nghĩa với việc nhà đầu tư (NĐT) phải bán ra còn công ty chứng khoán (CTCK) sẽ thu hồi phần vốn cho vay để mua CP. Phiên giao dịch 11/9 ghi nhận CP của một công ty bất động sản thuộc loại được quan tâm nhiều trên sàn đã phải “nằm sàn” vì điều này.

Có thể nói, động thái quyết liệt của cơ quan quản lý không gì khác ngoài việc bảo vệ quyền lợi cho NĐT, tiếp tục tăng cường tính minh bạch cho thị trường chứng khoán (TTCK), đồng thời có tác dụng răn đe với các DN coi thường quyền lợi của cổ đông cũng như chưa ý thức được trách nhiệm của mình. Từ lâu đã có những ý kiến chỉ ra rằng, DN thường xuyên công bố có hệ thống quản trị hiện đại, sổ sách kế toán chặt chẽ, tối ưu, nên việc chậm trễ BCTC là rất phi lý. Các biện pháp xử lý mạnh tay sẽ tạo ra những hệ quả tích cực và thay đổi cả mối tương quan giữa cổ đông và DN, giữa NĐT và CP.

Điều dễ thấy đầu tiên, khi thông tin CP bị cắt margin xuất hiện và làm CP giảm mạnh nghĩa là tài sản của cổ đông bị “bốc hơi” và ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông. Về lâu dài, tại các cuộc họp của cổ đông, các ý kiến chất vấn về công tác lập BCTC sẽ trở nên gay gắt hơn và lãnh đạo DN sẽ buộc phải giải trình cụ thể. Ngoài ra, lãnh đạo DN nếu còn muốn giữ chân cổ đông sẽ phải cam kết không lặp lại những sự chậm trễ về sổ sách kế toán, để CP bị biến động tiêu cực.

Một điều có thể kỳ vọng là những DN có lịch sử thường chậm nộp BCTC sẽ bị các NĐT “soi” kỹ hơn. Theo một chuyên gia chứng khoán, bản thân mỗi NĐT cần có sự dè chừng nhất định với CP của những DN dạng này. Điểm đầu tiên có thể làm là phải xác định chậm công bố BCTC là một loại rủi ro có thể ảnh hưởng đến giá CP, để nếu có ý định mua vào, NĐT phải cân nhắc và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Trường hợp nếu không chấp nhận được rủi ro thì kiên quyết nói không với CP, dù cho có tăng cũng không tiếc. Giải pháp về dài hạn là các NĐT, dù là NĐT cá nhân hoàn toàn có thể lên tiếng tại đại hội cổ đông đặt câu hỏi cụ thể, vì sao DN chậm nộp BCTC, giải pháp khắc phục và lãnh đạo DN có sẵn sàng cam kết cải thiện tình trạng này hay không. Nếu đồng loạt nhiều cổ đông cùng thực hiện những điều như vậy, nghĩa là NĐT đã chung tay thật sự với các cơ quan quản lý, để phát huy tốt nhất những giải pháp mạnh, buộc DN phải thật sự có trách nhiệm với công tác sổ sách kế toán, nhằm bảo vệ lợi ích cho cổ đông.