Cuộc chơi vốn điều lệ

Với việc một loạt công ty chứng khoán (CTCK) có vốn điều lệ (VĐL) tiệm cận hoặc vượt mốc 10.000 tỷ đồng, thời gian tới đây có thể sẽ ghi nhận hoạt động tăng VĐL đồng thời định hình lại vai trò, vị thế của một loạt đơn vị trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Ngày 2/11 tới đây, Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành, trong đó, nội dung nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài có thể mua cổ phiếu (CP) không yêu cầu có đủ tiền ngay tại thời điểm mua (non pre-funding solutions-NPS). Hiểu một cách đơn giản, nghĩa vụ lo tiền đối ứng tại thời điểm mua sẽ do CTCK bảo đảm cho đến thời điểm NĐT nước ngoài giải ngân vào các ngày sau. Mà muốn như vậy, CTCK phải đáp ứng nhiều tiêu chí, chắc chắn có tiêu chí vốn. NPS cũng chính là nội dung quan trọng trong lộ trình nâng hạng của TTCK Việt Nam và được hưởng ứng từ các CTCK thông qua hoạt động tăng VĐL.

Nhìn lại một chặng đường tăng vốn của các CTCK sẽ thấy một số điểm đáng chú ý. Nếu lấy từ giai đoạn 2010-2012, các CTCK bước vào một giai đoạn tái cấu trúc, chuẩn hóa hoạt động thì mức VĐL hầu như xoay quanh khoảng 1.000 tỷ đồng, thậm chí vào thời điểm đó VĐL 500 tỷ đồng là đủ nếu CTCK chỉ tập trung vào mảng môi giới. Từ khoảng năm 2012 đến 2022, kéo dài một thập kỷ, hoạt động tăng VĐL của CTCK vẫn diễn ra, nhưng đơn lẻ và không ồ ạt. Một trong những lý do quan trọng là vì thanh khoản của TTCK giai đoạn này dù có gia tăng nhưng không ấn tượng, nên thị phần hay vị thế của CTCK không cần quá liên quan mật thiết đến VĐL.

Nhưng kể từ năm 2020 đến nay, khi dịch Covid-19 xuất hiện, đồng thời đẩy thanh khoản của TTCK Việt Nam chạm và vượt mốc 20.000 tỷ đồng/phiên, nhu cầu về VĐL đương nhiên quay trở lại. Ban đầu, có thể thấy thanh khoản tăng dẫn đến trạng thái cả nhà cùng vui, nghĩa là CTCK lớn giữ vững vị thế, nhưng các CTCK ngoài tốp 10, thậm chí ngoài tốp 20 có thể “dễ thở” hơn để sống. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn của thị trường lại xuất hiện những “tay chơi mới” và đương nhiên cũng có thể thách thức vị thế của các "ông lớn", bằng hoạt động tăng VĐL. Hơn nữa, thanh khoản gia tăng cũng khiến CTCK có nhiều cơ hội hơn, chẳng hạn như thêm hoạt động tự doanh hay các dịch vụ khác. Vì vậy, các CTCK lớn như SSI, VN Direct, TCBS... đã tiến hành tăng VĐL vượt mốc 10.000 tỷ đồng, tiệm cận mốc 20.000 tỷ đồng. Điều đáng nói là không chỉ có SSI, VN Direct, TCBS… mà CTCK VIX cũng đã đưa VĐL của mình vượt mốc 10.000 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, thanh khoản lớn sẽ tạo ra nhiều phân khúc, sản phẩm, dịch vụ để tùy vào quy mô cũng như VĐL mà CTCK sẽ tìm ra cách thức hoạt động, phát triển khác nhau, như vậy, việc tăng vốn không phải là sức ép quá lớn trong ngắn hạn. Nhưng không lâu nữa, chắc chắn mốc 10.000 tỷ đồng cho VĐL của CTCK sẽ xuất hiện thêm nhiều cái tên. Tất nhiên, nhà đầu tư lúc này sẽ hưởng lợi khi có nhiều dịch vụ, sản phẩm mới có chất lượng.