Nhìn một cách tổng thể, việc ứng phó với tin đồn, tin xấu của DN đã liên tục cải thiện theo thời gian. Ngoài ra, việc các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc với hành vi tung tin đồn, thông tin thiếu kiểm chứng cũng góp phần củng cố niềm tin cho nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường chứng khoán (TTCK). Càng ngày sẽ càng thấy DN nắm bắt và xử lý tin đồn nhanh hơn và chủ động hơn. Đến đây cũng cần đặt câu hỏi, quy trình xử lý tin đồn, đã tương đối hiệu quả, liệu có còn giải pháp nào để hiệu quả hơn nữa hay không?
Tương tự như “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, việc xử lý tin đồn cũng cần tính đến việc theo dõi, nắm bắt trước và có những giải pháp dập tắt một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp thay vì để lan rộng. Đây là cách giải quyết hiệu quả nhất, nhưng cũng tinh tế nhất. Quy trình ở đây có thể là bộ phận quan hệ NĐT, quan hệ cổ đông của DN sẽ có trách nhiệm theo dõi, nghe ngóng các thông tin liên quan đến DN trên thị trường, kể cả những tin đồn, chỉ trích nếu có và sau đó liệt kê, lượng hóa, thậm chí “chấm điểm” rủi ro và đưa ra các dự báo về khả năng xuất hiện.
Chẳng hạn, nếu có tin đồn về khả năng DN công bố kết quả kinh doanh giảm và điều này có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu (CP) thì DN có thể tính đến phương án lên tiếng trước công chúng về hoạt động của mình vẫn ổn định. Thông qua những thông điệp như “… hiện nay có một số tin đồn… nhưng phía DN khẳng định vẫn hoạt động ổn định, tình hình sản xuất kinh doanh đúng như kế hoạch…” vừa cho thấy sự nhanh nhạy trong việc theo dõi thông tin, vừa khẳng định năng lực hoạt động cũng như sự minh bạch của DN.
Có thể thấy “phòng tin đồn” trước khi lan rộng là giải pháp lý tưởng nhất, nhưng trong trường hợp dù DN chuẩn bị quy trình chặt, nhưng tin đồn thất thiệt vẫn lan ra ngoài, thì cần tiếp những giải pháp “dập lửa” một cách nhanh chóng nhất có thể. Mấu chốt của vấn đề chính là tốc độ xử lý mà muốn nhanh, không bối rối, cần có quy trình. Dưới góc độ là cổ đông, hoàn toàn có thể đặt vấn đề để lãnh đạo DN chuẩn bị sẵn những giải pháp ứng phó với tin đồn. DN không cần công bố chi tiết giải pháp, nhưng lãnh đạo phải cam kết có những kế hoạch A, B hay C để khi tin đồn thất thiệt lan ra sẽ làm thế nào để bảo đảm báo cáo với cơ quan quản lý, trấn an cổ đông, NĐT… Nếu làm tốt những việc này, tin đồn sẽ chuyển từ “nguy” thành “cơ”, nghĩa là cơ hội thể hiện sự theo dõi chặt chẽ của DN với lợi ích cổ đông, qua đó làm tăng giá trị, hình ảnh DN trên TTCK.