Trong khi đó, một loạt CTCK lại tiến hành tăng vốn điều lệ (VĐL) lên mức chục nghìn tỷ đồng và dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của quý III/2024 lại tăng so với quý trước. Liệu có mối liên quan nào giữa việc tăng VĐL, tăng margin với lãi giảm hay không?
Giám đốc chi nhánh một CTCK tầm trung cho biết, đây là một giai đoạn khó của ngành chứng khoán khi công ty ông có hai quý lỗ liên tiếp và ông cũng phải chịu áp lực không nhỏ trong công việc hằng ngày. Quý III/2024 có thể xem là giai đoạn khốc liệt bậc nhất trong lịch sử dù thị trường khá bình lặng, VN Index cũng không giảm sâu. Nhưng biến động khó lường của thị trường chung cùng với giá CP đã khiến cho nhiều nhà đầu tư (NĐT) cả cá nhân lẫn tổ chức cùng các CTCK bắt đầu… thấm mệt. Thanh khoản thị trường trong một số phiên gần đây chỉ ở ngưỡng hơn 10.000 tỷ đồng, tất yếu sẽ khiến phí môi giới và cả lãi margin bị ảnh hưởng theo. Những NĐT có thâm niên từ 15 năm trở lên trên TTCK cho biết, họ không bất ngờ với giai đoạn hiện nay và một trong những giải pháp khả dĩ nhất là chờ đợi. Cũng có những NĐT mệt mỏi hoặc chán đến mức “tắt app” hẹn “vài tháng quay trở lại”. Khi càng nhiều NĐT chờ thì thường giao dịch cũng sẽ hạn chế.
Ngay ở hiện tại, thanh khoản thấp, thị trường khó lường lại có thể khiến một số CTCK lực mỏng chịu áp lực kép. Vốn dĩ các CTCK tốp dưới sẽ không có cơ số khách hàng ổn định như nhóm trên, nên giai đoạn này khách hàng có thể giảm giao dịch hoặc mất khách và tác động trực tiếp đến nguồn thu. Thị trường khó lường cũng dẫn đến khả năng thắng bằng nghiệp vụ tự doanh giảm đi. Như vậy, CTCK phải đối mặt với sự suy giảm từ cả hai mảng quan trọng.
Tuy nhiên, lo ngại sụt giảm lợi nhuận của CTCK dù được thấy rõ nhưng cũng chỉ mang tính ngắn hạn. Chẳng hạn, việc margin gia tăng nghĩa là các CTCK đã bổ sung nhiều vốn cho hoạt động này, nhưng đồng thời cũng phải chọn mức lãi suất tốt nhất để thu hút NĐT sử dụng. Điều này có thể đẩy mặt bằng lãi margin trong trung và dài hạn trở nên hấp dẫn hơn. CTCK tăng VĐL nhưng lợi nhuận giảm có thể khiến lợi ích của cổ đông bị ảnh hưởng vì áp lực pha loãng CP là hiện hữu. Nhưng cũng nên biết rằng, việc tăng VĐL còn là sự chuẩn bị cho các nghiệp vụ khi TTCK Việt Nam được nâng hạng.
Có thể ví đợt sụt giảm lợi nhuận hiện tại giống như một cú rung lắc ngắn hạn trong hoạt động của các CTCK. Qua đó, các CTCK cũng sẽ phải tìm những cách thức làm sao để tối ưu hóa hoạt động, đồng thời chuẩn bị những bước đi cụ thể cho giai đoạn 2025 sắp tới.