Những mùa xuân trên A Dơi Đớ

Ngày 23/11/2018 không chỉ có ý nghĩa lịch sử đối với 119 người được nhập quốc tịch Việt Nam trên địa bàn thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) mà nó còn là dấu ấn trong việc thực hiện chính sách giữa hai nước Việt - Lào.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân chia sẻ về những thay đổi từ khi được nhập quốc tịch Việt Nam.
Người dân chia sẻ về những thay đổi từ khi được nhập quốc tịch Việt Nam.

Thôn A Dơi Đớ cách trung tâm huyện Hướng Hóa tầm 50km. Từ tỉnh lộ 586 rẽ vào thôn là con đường bê-tông rộng đẹp. Con đường này được đầu tư vào năm 2019 như một món quà cho cư dân miền biên viễn. Chúng tôi cảm nhận được sự thanh bình của đồng bào nơi đây, cảm nhận được sự háo hức của đám trẻ con khi đi học về. Chiều xuống nhưng bản làng râm ran kỳ lạ, ông Kỉa bảo “có người lạ đến, có người cho trẻ con kẹo bánh, lát nữa chúng sẽ kéo nhau tới đây...”.

Ông Hồ Văn Kỉa, một trong những người được nhập quốc tịch Việt Nam vào năm 2018 và được bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn A Dơi Đớ vào cuối năm 2021, được công nhận năm 2022. Những chuyện cũ trở về trong câu chuyện của ông Kỉa “ngày xưa tổ tiên của bố (tức ông Kỉa -Tg) là người Việt Nam, trú ngụ ở vùng biên giới. Câu chuyện A Dơi Đớ, A Dơi Cô nó bắt nguồn từ một tuồng tích. Bố nghe kể lại rằng: Người lập hai bản này là hai anh em ruột, sinh con đẻ cái đông đúc nên tách ra ở riêng, chia bản, chia làng. Người anh ưu ái cho người em được chọn lựa. Người em nói: Em thích ăn cá, cho em ở phía sông, anh thích ăn thú rừng cho anh ở phía núi. Hai anh em chia tay nhau để tiếp tục lập bản, mở mang đất đai từ đó có hai bản A Dơi Cô và A Dơi Đớ trên cùng một đơn vị hành chính là xã A Dơi. Theo tiếng Vân Kiều “Đớ” là nước, “Cô” là núi. Ông Kỉa kể chuyện về đời mình, về nửa cuộc đời trên đất Lào ở bên kia sông Sê Pôn. A Dơi Đớ trải dọc hai bờ sông Sê Pôn - chảy ngược từ Việt Nam sang Lào. Năm 1977, Chính phủ hai nước lấy sông Sê Pôn làm biên giới, bản A Dơi Đớ được chia làm hai và người dân được chọn lựa quốc tịch. Anh chị em của ông Kỉa ở bên kia sông Sê Pôn nên thuộc về quốc tịch Lào, số còn lại ở phía Việt Nam.

Năm 1998-2000, nhiều gia đình vượt sông về Việt Nam định cư. Ông Hồ Văn Kỉa trở về khoảnh đất của tổ tiên mình để làm lúa nước, nơi ngày còn nhỏ ông chăn trâu cắt cỏ. Dựng căn nhà tạm, hai vợ chồng cùng ba người con mang từ Lào sang, ông Kỉa mừng vì cuộc sống đổi mới. Đường sá thuận tiện, điện chiếu sáng trưng, đau ốm có thuốc men chữa trị. Con cái cũng được học cái chữ, được nói tiếng Việt. Tuy nhiên, thời mới về sống ở đây phải đối mặt với nhiều thứ. Niềm vui đi cùng với nỗi lo toan. Ông Kỉa nhớ lại: Những đứa con của bố dựng vợ gả chồng, sinh thêm 10 đứa cháu. Cả 10 đứa không đứa nào có giấy khai sinh. Về quê, cái ăn được giải quyết khi được anh em, dòng họ đùm bọc. Người nhường đất, người cho củ sắn, người cho lúa... nên cũng vượt qua khó khăn.

Ngày 23/11/2018, họ chính thức trở thành người Việt Nam khi có quyết định nhập quốc tịch của Chủ tịch nước. 119 người dân được hưởng tất cả chế độ chính sách của Nhà nước. Có được hộ khẩu, có được căn cước công dân như mở ra một chân trời mới, họ như được khai sinh thêm một lần nữa. Gia đình ông Hồ Văn Then, một trong những hộ dân di cư từ Lào về được nhập tịch đợt vừa rồi, cho biết: “Các con tôi được vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế. Hiện tôi đang kinh doanh cửa hàng tạp hóa phục vụ bà con trong thôn. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã đem lại sự đủ đầy có được như ngày hôm nay”.

Trưởng thôn A Dơi Đớ, ông Hồ Văn Đanh vui mừng chia sẻ: Các hộ di cư từ Lào về A Dơi Đớ chiếm khoảng 30% người dân thôn. Từ ngày chính thức trở thành người Việt, họ đã tích cực tham gia công tác xã hội. Tiêu biểu như anh Hồ Văn Ku Pỏa làm Phó thôn, chị Hồ Thị Yên làm Chi hội trưởng Phụ nữ thôn A Dơi Đớ... Năm nay là lần thứ năm các hộ nhập cư được đón Tết cổ truyền bằng tâm thế của một người Việt. Tuy nhiên, vẫn còn 10 người ở A Dơi Đớ chưa được nhập quốc tịch trong đợt vừa qua do khi đoàn công tác lên danh sách làm hồ sơ thì những người này “đi khách” bên Lào (thăm bà con - Tg).

Vẫn còn những khó khăn, vẫn còn những nhọc nhằn nhưng tâm lý “sống bất hợp pháp” của bà con đã được cởi bỏ. Nói như ông Hồ Văn Kỉa, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn A Dơi Đớ, thì “được công nhận công dân rồi, có quốc tịch, có khai sinh, có hộ khẩu, có bảo hiểm y tế... trẻ con được đi học, người già được chăm lo sức khỏe, người lớn tự do đi làm và được vay vốn sản xuất, phát triển… thì không gì hạnh phúc hơn…”.