1/Nghe tin cơn bão số 3 tràn qua gây thiệt hại nặng nề ở mấy xã vùng sâu, vùng xa của huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, một đồng nghiệp của chúng tôi đã kịp thời kêu gọi được một số lượng lớn thuốc tiêu độc, khử trùng, trị bệnh phát sinh sau lũ lụt. Mục tiêu của chúng tôi là đưa số thuốc này đến tay những người dân trong vùng cơn lũ vừa quét qua để những loại thuốc này thật sự phát huy hiệu quả. Cũng phải nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi đi thiện nguyện nên công tác tổ chức diễn ra rất nhanh chóng, buổi tối tập kết hàng, thuê xe, sáng hôm sau là lên đường. Vì là đi vào vùng lũ nên chúng tôi cũng rất cần sức khỏe của thanh niên để vận chuyển lượng hàng khá lớn vào vùng trung tâm lũ lụt. Một dòng tin nhắn đưa lên mạng xã hội liền có hàng chục người đáp ứng. Như vậy, về lực lượng vận chuyển có thể nói là rất ổn.
Điều băn khoăn lớn nhất của chúng tôi chính là “đầu cầu” đón tiếp của phía những người cần cứu trợ. Từ Hà Nội lên Chiêm Hóa khoảng cách không quá xa nhưng nghe nói nhiều xã, nhiều thôn, bản trên đó đã bị chia cắt, cô lập, chính quyền xã, huyện cũng đã căng sức cử người giúp đỡ nhân dân, nếu hàng chuyển đến không đúng người, đúng chỗ thì ý nghĩa và hiệu quả của số lượng lớn thuốc tiêu độc, khử trùng này sẽ giảm đi đáng kể. Tôi nảy ra một ý, rà sát các đầu mối chi bộ Đảng từng quen biết bởi tôi tin rằng, trong điều kiện hoàn cảnh như hiện tại, đảng viên sẽ là người nắm chắc tình hình cơ sở nhất. Qua một vài liên hệ, chúng tôi được giới thiệu tới đồng chí Hà Văn Phương là Bí thư chi bộ tổ dân phố Vĩnh Hưng, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa. Đồng chí Phương cho biết, hiện tại vợ anh là Phạm Kim Cúc cũng là một đảng viên trong chi bộ đang tổ chức một đội “phản ứng nhanh” giúp đỡ người dân gặp nạn sau lũ. Đội phản ứng nhanh này trong 3 ngày trước đó đã cung cấp khoảng 4.000 suất ăn cho các đoàn thiện nguyện, đồng thời tổ chức hàng chục lượt hàng cứu trợ đi khắp các cụm dân cư, thôn, làng quanh huyện…
2/Vậy là vừa trên đường đi, vừa liên lạc, tới 10 giờ sáng ngày 13/9 chúng tôi đã đến thị trấn Vĩnh Lộc và được chị Phạm Kim Cúc tổ chức đón tiếp. Nói chuyện chừng 10 phút, chị Cúc giao cho cô giáo Lục Thị Hà, giáo viên Trường tiểu học Vĩnh Lộc, dẫn chúng tôi vào vùng lũ quét. Chúng tôi ngược Suối Trinh (một nhánh của dòng sông Lô) lên xã Tri Phú nơi nước vừa rút nhưng vẫn còn nhiều bản làng bị chia cắt. Trên đường đi chứng kiến ngấn nước còn in dấu trên ngọn cây nhiều người trong đoàn không khỏi thảng thốt. Con đường uốn khúc theo triền núi, nhiều đoạn đường từng bị nhấn chìm bên dưới 10 m nước. Cô giáo Lục Thị Hà chia sẻ nghe người già kể lại chưa từng khi nào thấy con nước trên dòng sông Lô hung dữ đến vậy.
Ở xã Tri Phú chúng tôi gặp một số hộ dân bị vẫn bị cô lập, chia cắt. Anh Hứa Văn Hải, một người dân ở thôn Bản Tát cho biết, có 6 hộ dân ở bên suối hiện giờ đang lâm vào tình trạng thiếu lương thực. Mặc dù UBND xã đã kịp thời cứu trợ song nỗi lo thiếu cái ăn, cái mặc vẫn hiện hữu. Nhìn bộ đồ ướt sũng trên người anh Hải, chúng tôi không khỏi ái ngại. Anh phân trần hiện tại trong cụm dân cư này chỉ có mỗi anh đủ sức bơi qua con suối đến nhận sự giúp đỡ của mọi người. Thực tế thì có rất nhiều đoàn xe từ các tỉnh cứu trợ thiên tai của nhân dân các tỉnh lân cận kéo về giúp đỡ đồng bào, vấn đề là phải có người túc trực để kịp thời kết nối. Một lần nữa chúng tôi nhận thấy vai trò kết nối rất quan trọng của các đảng viên trong các chi bộ, nếu không có sự kết nối của đồng chí Phạm Kim Cúc thì chúng tôi không thể biết tới những xóm nhỏ đang mắc kẹt giữa những vùng chia cắt.
Trong suốt một ngày, theo sự kết nối của các đảng viên chi bộ tổ dân phố Vĩnh Hưng, chúng tôi đã đi rất nhiều cụm dân cư, thôn, bản của nhiều xã trong bán kính khoảng 30 km. Chập tối chúng tôi mới về đến một thôn thuộc vùng sâu, vùng xa của xã Yên Lập có cái tên rất ám ảnh đó là: Làng 135. Trưởng thôn là một đồng chí đảng viên tên là Phùng Xuân Nhất làm bí thư chi bộ thôn 30 năm, từ 1993 đến 2023. Đồng chí thông tin: Ngay nắm được thông tin trên đài, báo và nhất là thông tin từ hệ thống tuyên truyền địa phương biết được có khả năng nước suối sẽ dâng cao, đồng chí đã cùng 16 đảng viên trong làng vận động người dân sơ tán tài sản giá trị lên cao nên khi cơn lũ dữ quét qua trong làng chỉ bị thiệt hại về hoa màu, không có thiệt hại về người hay tài sản. Con đường vào thôn bị chia cắt chi bộ cũng kịp thời vận động người dân san ủi, thông đường. Nhờ vậy mà xe chúng tôi mới vào được thôn kịp thời phát số thuốc tiêu độc, khử trùng rất quý giá sau khi môi trường bị ô nhiễm.
3/Chúng tôi trở về trung tâm thị trấn Vĩnh Lộc khi trời đã tối đen. Khu đô thị này mặc dù không bị ảnh hưởng quá lớn bởi nước lũ song vẫn nhuốm mầu ảm đạm. Người dân vẫn tất bật lo quét dọn nhà cửa. Nhiều nhà dân trở thành nơi tá túc tạm thời của bạn bè, người thân trong vùng bị chia cắt. Giám đốc Trung tâm y tế huyện Chiêm Hóa Hà Văn Linh mời chúng tôi về nhà ở tạm. Anh đánh giá số thuốc chúng tôi mang tới giúp đỡ người dân vào thời điểm này rất có tác dụng. Anh chia sẻ: Thực tế ở những vùng bị ngập lụt nhiều ngày tình trạng dịch bệnh thường nảy sinh rất nghiêm trọng, nhất là những loại bệnh nhiễm trùng. Số thuốc chúng tôi mang vào gồm có nhóm vệ sinh đường mắt, đường ruột, trị bệnh ngoài da, dung dịch trị nấm còn có các loại vitamin, tiêu độc khử trùng làm sạch môi trường… thuốc không cần kê đơn nhưng lại rất cần thiết vào thời điểm hiện tại.
Chúng tôi cũng biết thêm, ngay ở Trung tâm y tế huyện vẫn còn 10 trường hợp là bệnh nhân đã được xuất viện, nhưng xem xét tình hình nhiều địa phương vẫn còn bị chia cắt, người nhà bệnh nhân không có khả năng lên trung tâm huyện tiếp nhận Đảng ủy Trung tâm y tế đã chủ động đề xuất phương án giúp đỡ bệnh nhân tạm trú ngay tại phòng bệnh. Cán bộ, đảng viên, nhân viên người lao động đều nhất trí với chủ trương này cũng đã chủ động ủng hộ về lương thực thực phẩm giúp đỡ bệnh nhân.
4/Vào chiều 9/9 nhận được thông tin có một nạn nhân bị đất đá vùi lấp trên đường, các bác sĩ đã lập tức xuất phát cùng các lực lượng chức năng đi vào cấp cứu. Giữa cơn mưa to, nước suối lên nhanh, xe cứu thương không thể tiếp cận được nạn nhân, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn của Khoa Ngoại-Tổng hợp đã chỉ huy các nhân viên hỗ trợ trưng dụng một thuyền của người dân tiếp cận mục tiêu. Sau nhiều giờ băng lũ, có những lúc phải nắm vào dây điện để kéo thuyền, đoàn cứu hộ đã kịp thời tiếp cứu bệnh nhân. Qua khám bước đầu, bác sĩ Tuấn phát hiện bệnh nhân đã bị gãy xương sườn, hở phổi, mất máu nhiều, anh đã nhanh chóng dùng các biện pháp cấp cứu tại chỗ, kịp thời đưa bệnh nhân về Trung tâm y tế huyện và trực tiếp đứng mổ. Đến thời điểm chúng tôi được nghe câu chuyện này thì nạn nhân qua cơn nguy kịch và đang trong giai đoạn phục hồi sức khỏe.
“Động lực nào giúp cho bác sĩ Tuấn trong thời điểm nguy cấp đã có những hành động quyết liệt như vậy?”, chúng tôi hỏi. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn nói: “Thú thật tôi không nghĩ được nhiều trong thời điểm, chỉ biết nếu đội cứu hộ đến chậm một phút thì sinh mạng bệnh nhân sẽ thêm một phần nguy hiểm”. Bác sĩ Hà Văn Linh vui vẻ thông tin: “Là Bí thư Đảng ủy Trung tâm y tế huyện Chiêm Hóa tôi rất yên tâm với đội ngũ kế cận như đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn. Đồng chí là quần chúng ưu tú đang trong quá trình bồi dưỡng nhận thức về Đảng, luôn có tinh thần phấn đấu vươn lên trong công tác chuyên môn và bản lĩnh chính trị. Tôi tin rằng, đồng chí sẽ sớm có vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng”.
Chuyến thiện nguyện đã để lại cho chúng tôi rất nhiều suy nghĩ về vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên nhất là trong những thời điểm đặc biệt mang tính sống còn. Phải chăng như thế hệ đi trước từng nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, qua những thời điểm khắc nghiệt, tinh thần của người đảng viên mới thêm ngời sáng, những quần chúng tốt như ngọc trong đá mới xuất hiện, rạng ngời.
Trong quá trình xảy ra lũ lụt, các bác sĩ, nhân viên y tế cũng căng sức ra trên nhiều tuyến đường công tác. Vào thời điểm mưa lũ kéo dài, nguy cơ chia cắt cao, bác sĩ Hà Văn Linh đã chủ động thành lập đội phản ứng nhanh của đơn vị.