Đạo diễn Trần Hữu Tấn:

Những kinh nghiệm quý khi làm phim kinh dị

Đạo diễn trẻ Trần Hữu Tấn được biết đến qua các tác phẩm điện ảnh kinh dị như “Bắc Kim Thang”, “Rừng thế mạng”, “Chuyện ma gần nhà” và gần đây nhất là “Kẻ ăn hồn” cùng seriê phim truyền hình “Tết ở làng địa ngục”. Đối với anh, việc theo đuổi dòng phim kinh dị chỉ là cái cớ để tìm hiểu sâu sắc hơn các yếu tố văn hóa dân gian, bản địa. Và không chỉ dừng lại ở sự chiêm nghiệm cá nhân mà còn phải mang những câu chuyện riêng của đất nước mình tới đông đảo khán giả trong và ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Poster phim “Kẻ ăn hồn”.
Poster phim “Kẻ ăn hồn”.
Những kinh nghiệm quý khi làm phim kinh dị ảnh 1

Phóng viên (PV): Với serie phim truyền hình “Tết ở làng địa ngục” và mới đây là phim điện ảnh “Kẻ ăn hồn”, anh đã sử dụng chất liệu dân gian trong tác phẩm của mình khá đậm đặc. Bên cạnh kịch bản dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thảo Trang, anh và ekip sản xuất đã có thêm sự khai phá như thế nào khi tìm chất liệu văn hóa cho bộ phim này?

Đạo diễn Trần Hữu Tấn: “Kẻ ăn hồn” là một tiểu thuyết có hệ thống nhân vật và tình tiết rất phức tạp. Để gói gọn cả câu chuyện đó trong 109 phút điện ảnh là một thử thách lớn với chúng tôi. Vì vậy trong quá trình làm việc, tôi cùng tác giả đã có những chắt lọc nhất định về tình tiết, những chất liệu dân gian cụ thể để đưa vào phim, làm sao để sự chuyển tải ấy được mượt mà, phù hợp nhất, đậm dấu ấn văn hóa bản địa. Thí dụ: Cảnh mở đầu phim là đám cưới trong đêm, mọi người tham gia đều đeo mặt nạ chuột - một tập tục riêng của dân làng. Xây dựng cảnh đám cưới này mất khá nhiều thời gian. Chúng tôi không chỉ sử dụng văn hóa Việt như một “lớp áo” bên ngoài mà qua đó phải thể hiện các tầng lớp nghĩa, truyền tải được thông điệp về sự sáng tạo đến người xem, đặc biệt là khán giả trẻ. Vì vậy, khi lấy cảm hứng tranh dân gian Đông Hồ về đám cưới chuột, chúng tôi đã có những nghiên cứu cụ thể. Câu chuyện xảy ra tại ngôi làng này, khi có lễ cưới, họ thường đeo mặt nạ chuột, với mong muốn xua tan những điều không may mắn, đem lại điều tốt đẹp cho hỷ sự. Nhưng đồng thời, đám cưới chuột trong bộ phim cũng có tầng nghĩa khác: bởi vì nguồn gốc xa xưa của người dân làng địa ngục là một băng cướp. Vì vậy khi đeo mặt nạ chuột, cũng là cách họ nhắc nhở rằng, tổ tiên mình từng là một băng cướp, từng sống chui lủi như loài chuột. Đây cũng là cách họ răn đe bản thân mình đừng gây nên nghiệp ác nữa.

PV: Bên cạnh đó, trong bộ phim có những câu đồng dao được đưa vào những cảnh quay, tình huống truyện, vốn là của dân gian hay đã có sự biến đổi?

Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Những bài vè dường như gắn bó với chúng ta từ tuổi nhỏ hay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bài vè cũng được sử dụng trong phim nhưng được biến đổi nhiều hơn phù hợp với ngữ cảnh, không chỉ là câu thoại của diễn viên, những đứa trẻ trong làng mà còn chứa đựng tầng tầng lớp lớp ý nghĩa, cũng chính là nguyên do làm nên động cơ của nhân vật chính, từ đó gây nên những bi kịch cho chính ngôi làng. Chúng tôi dựa trên cách gieo vần trong những bài vè dân gian nhưng làm cho nó biến đổi, bao hàm ngụ ý. Thí dụ hai câu “Nghe vẻ nghe ve, nghe vè địa ngục/Cây cà chín rục, cây trúc trổ bông”, ý chỉ một điềm báo rất xấu, khi đọc lên có cảm giác hơi lấn cấn, nhưng cũng tạo nên sự hấp dẫn của bài vè.

PV: Từ những tác phẩm điện ảnh “Bắc Kim Thang”, “Chuyện ma gần nhà”, “Rừng thế mạng”, “Kẻ ăn hồn”, phải chăng anh đang ngày càng hiện thực hóa con đường đi riêng của mình: phim kinh dị?

Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Tôi và người bạn đồng hành của mình là nhà sản xuất Hoàng Quân đều yêu thích dòng phim kinh dị. Nhưng càng làm phim, chúng tôi càng thấy thể loại phim kinh dị chỉ là một lớp áo, để chúng tôi kể câu chuyện dựa trên bản sắc văn hóa Việt Nam, đồng thời qua đó chúng tôi cũng mong muốn truyền đạt những nét đẹp mà nếu chỉ để khán giả tự tìm hiểu thì có thể nhiều người chưa sẵn sàng. Những bộ phim của chúng tôi sẽ góp phần truyền tải những thông điệp nho nhỏ, để các bạn trẻ có thể hiểu thêm về văn hóa nước ta. Tôi tin rằng, càng đào sâu “mảnh đất” ấy, tôi còn nhiều điều bất ngờ trước sự rộng lớn, vô cùng và sâu sắc. Phim kinh dị nhưng sẽ lồng ghép trong đó những câu chuyện nhân văn, câu chuyện tình người, có thể quảng bá văn hóa bằng một góc nhìn khác.

PV: Anh từng chia sẻ khi bắt đầu với “mảnh đất” văn hóa dân gian, mình như là “trẻ nhỏ”. Những bước đi sắp tới sẽ như thế nào?

Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Khi bấm máy phim đầu tay “Bắc Kim Thang”, tôi và Hoàng Quân đã xác định con đường đi của mình là phim kinh dị dựa trên chất liệu văn hóa dân gian. Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai hai dự án. Dự án “Con Cám” là một câu chuyện khác, góc nhìn hoàn toàn khác biệt về nhân vật này. Bên cạnh đó, chúng tôi đã sẵn sàng cho “Tết ở làng địa ngục” phần hai, sau đó là phần ba. Dự kiến giữa tháng 3/2024 chúng tôi sẽ bấm máy phim “Con Cám” tại Quảng Trị. Còn “Tết ở làng địa ngục” phần hai sẽ không ở Hà Giang nữa mà ở một tỉnh thành khác. Chọn bối cảnh phim không chỉ là đẹp, phù hợp câu chuyện. Chúng tôi còn có những dự định, sau bộ phim, chúng tôi mong muốn có thể quảng bá cảnh đẹp hoặc ít ra có thể giúp được cho người dân địa phương- những người đã cưu mang chúng tôi.

PV: Trân trọng cảm ơn đạo diễn Trần Hữu Tấn!