Những khấc trên cán dao

Người Đan Lai gọi ông là Y Thành, còn họ tên đầy đủ của ông là La Văn Thành.
0:00 / 0:00
0:00
Bản mới Thạch Sơn của người Đan Lai tại khu tái định cư xã Thạch Ngàn (Con Cuông).
Bản mới Thạch Sơn của người Đan Lai tại khu tái định cư xã Thạch Ngàn (Con Cuông).

Vừa bước qua cổng bản mới Cửa Rào giáp với bản Tân Sơn của người Thái xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) đã gặp ngay ông Thành cùng vợ đang hì hục vun nốt luống lạc trồng xen mía ngọn đã cao quá đầu gối ngút ngát tận chân núi Pha Hòm. Nghe chào bằng tiếng Đan Lai, ngó tận mặt một lúc lâu, ông mới nhận ra người quen. Ông kêu lên: “ái mầy (anh)! Ngọn gió nào đưa “ái mầy” về thăm bản mới Đan Lai mình?”. Vẫn tấm lưng trần mầu đồng hun, mái tóc xoăn đã bạc nhưng nom ông chắc mập và tươi tắn hơn trước.

Tôi còn nhớ mãi dáng ngồi của ông 15 năm về trước. Lưng tựa vào vách nứa ám khói lưa thưa, cạnh bếp dưới căn nhà sàn xiêu vẹo ở bản Cò Phạt. Môi ông lập bập tẩu thuốc, đôi mắt nheo nheo dõi lên dãy núi xa mờ trước mặt. Đêm đầu nguồn Huồi Khẳng trong đại ngàn Pù Mát thật buồn. Âm thanh chỉ thác nước ầm ào và tiếng muông thú gọi bầy. Đêm ấy, bưng bát nước chè rừng tu gọn một ngụm, Y Thành từ từ đứng lên rút trên chái nhà xuống đưa cho tôi một con dao lưỡi cùn vẹt, cán làm bằng sừng nai đã lên nước nhẵn bóng. Ông chỉ những vết khắc hằn chi chít trên cán, rồi cất giọng trầm đục bằng tiếng Đan Lai (tôi đã từng sống với người Đan Lai nên không cần phiên dịch): “Con dao ni của ông cha mình để lại không biết đã qua bao nhiêu “chum” (năm). Chỉ biết đến đời con cháu thì không dùng được nữa. Anh xem, đời “Pú, nhạ, y, mệ” (ông, bà, cha, mẹ) làm ăn sinh sống trên ngọn Huồi Khẳng này, mỗi khấc trên cán dao là đánh dấu một lần dời bản đó!”.

Những vết khấc trên cán dao, nhiều vết đã mờ. Rồi ông như nói một mình: “Vậy là đời ông cha, bây giờ đến đời con mà cuộc đời người Đan Lai mình vẫn như “tô cụn, tô mong, tô quang...” (lợn rừng, hươu, nai...), sáng đi ăn lộc ở ngọn Khe Choăng, tối lại về Huồi Khẳng”. Dưới ánh sáng của bếp lửa, Y Thành xoay lưng, vạch cho tôi thấy những vết sẹo dọc ngang rồi cho biết, đó là vết thương tích những lần vật hổ, tranh mật ong với gấu trên ngọn Khe Bê, Khe Tàng trong rừng Pù Mát.

Đêm ấy, Y Thành còn kể cho tôi nghe nhiều chuyện kiếm sống cực nhọc của người Đan Lai ở đầu ngọn “ông Giăng: “Theo dấu chân nai/Bỏ vào hạt lúa/Theo dấu chân cọp/Cắm vào hạt ngô/Lang thang đầu suối/Đìu hiu lưng đèo/Sống đời nghèo khổ/Như dòng suối nhỏ/Như gió rừng chiều...”.

Ngôi nhà mới xây của Y Thành cùng 20 hộ nằm ở lô 2 cách 16 hộ lô 1 khu định cư không xa. Những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi theo hàng lối, nổi bật giữa gam mầu xanh của rừng núi và bạt ngàn mía, ngô... Vào nhà, gian giữa có bàn ghế, kế bên là buồng ngủ, sát nách gian ngoài kê một giường rộng. Bên bàn, lũ trẻ, cháu Y Thành, đang hý hoáy tập viết, thấy khách, đứng dậy khoanh tay chào rất lễ phép. Y Thành khoe: “Ra ngoài ni, lũ con cháu được đi học gần, không ngờ đến đời con cháu mình được ở nhà xây, lợp ngói đẹp, được coi tivi, có điện thắp sáng, cái bụng không còn đói cơm, lạt muối, sướng lắm “ái mầy” à!”.

Nhìn những căn hộ xây khang trang nằm dưới thung núi bằng phẳng, thấy rõ ánh mắt rạng ngời sướng vui của Y Thành...