Nhiều sáng tạo tri ân người lính

Trước thềm Tết Dương lịch hằng năm, từ lâu thường có một dấu mốc kỷ niệm vốn được gọi vui mang ý nghĩa ví von, tình cảm: “Tết bộ đội”. Đó chính là ngày 22/12, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và cũng là Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
0:00 / 0:00
0:00

Đã thành truyền thống, trong ngày kỷ niệm lịch sử này, nhiều hoạt động kỷ niệm, tôn vinh, tri ân được tổ chức nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, động viên mọi người dân và xã hội củng cố quốc phòng xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tri ân, trân trọng công lao của các thế hệ người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Và lớp lớp cựu chiến binh, cựu quân nhân cùng cán bộ, chiến sĩ đang tại ngũ cùng ôn lại truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ từ buổi đầu lập nước, tự hào khoác trên mình mầu áo lính để cống hiến nhiều hơn vì độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, vì hòa bình và phát triển.

Xã hội phát triển đa dạng, phong phú các loại hình văn hóa, các hoạt động cộng đồng với nhiều hình thức, không gian sinh hoạt nghệ thuật. Bên cạnh các chương trình kỷ niệm, hội nghị, hội thảo, dâng hương, thăm tặng quà, giao lưu, gặp mặt truyền thống… để ôn lại lịch sử, đền ơn đáp nghĩa, tăng cường khối đoàn kết quân - dân, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, chúng ta đang chứng kiến nhiều nét mới, những sáng tạo hay trong việc thể hiện tình cảm của xã hội, nhân dân, của thế hệ trẻ đối với người lính.

Dịp kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023), 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2023) năm nay, đang có hoạt động của các câu lạc bộ thanh niên phối hợp với các trường tổ chức cho học sinh viết thư, làm những món quà thủ công ngộ nghĩnh gửi tặng các chú hải quân ngoài đảo xa. Có phong trào vận động nhiều địa phương gửi tặng trà, bánh, hoa trái địa phương cho bộ đội dành vui “Tết 22/12”, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Cũng trong dịp này, nhiều đoàn học sinh, đoàn du khách đến tham quan các bảo tàng của nhà nước, quân đội, bảo tàng tư nhân để tìm hiểu về lịch sử quân sự Việt Nam, những chiến công vang dội của quân ta, và cả những hy sinh to lớn qua các hình ảnh, tư liệu về chiến sĩ ta từng bị tù đày, tra khảo. Trên mạng xã hội, nhiều người cũng khai thác cờ sao Tổ quốc, những hình ảnh tư liệu, biểu tượng truyền thống, lịch sử, hoặc sáng tạo nên những hình ảnh độc đáo và gần gũi để tôn vinh Ngày truyền thống 22/12, thể hiện tình cảm yêu quý chân thành với những người lính “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Khán giả, bạn đọc cũng đón nhận và thưởng thức nhiều hơn tác phẩm từ các cuộc thi, vận động sáng tác ca khúc, thơ, truyện, tác phẩm mỹ thuật… về đề tài chiến tranh cách mạng, hình tượng người lính trong đời sống hôm nay, được tổ chức từ cấp bộ, ngành, hội nghề cho đến các quy mô nhỏ hơn. Đó cũng là cách hay đóng góp thêm những món ăn tinh thần cho đông đảo bạn đọc trong quân đội.

Thêm sáng tạo mới, hình thức hay tôn vinh, tri ân quân đội và người lính. Điều đó cũng phản ánh xu thế chung, khi các giá trị thiêng liêng, những hình ảnh cao cả, đẹp đẽ của Anh bộ đội Cụ Hồ từ những trang vàng lịch sử tiếp tục cùng đất nước, nhân dân bước vào bối cảnh hội nhập, phát triển trong đời sống hiện đại hôm nay.