Nhận diện "kẻ thù" mới

Ngày 18/4, Ủy ban châu Âu (European Commission-EC) đã thông qua đề xuất về quy định "Đoàn kết mạng", trong đó có việc tạo ra một dạng "lá chắn mạng châu Âu", nhằm phát hiện và chống lại các mối đe dọa có thể xảy ra từ mạng ảo.
0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban châu Âu thông qua đề xuất về quy định "Đoàn kết mạng".
Ủy ban châu Âu thông qua đề xuất về quy định "Đoàn kết mạng".

NHƯ đánh giá của Ủy viên châu Âu Thierry Breton (cũng là một kết luận đã được giới chuyên môn đưa ra từ trước), ước tính, kể từ khi một phần mềm độc hại nào đó bắt đầu phát tán đến thời điểm được phát hiện, thời gian trung bình là khoảng 190 ngày. Trong quãng thời gian đó, có thể đã có rất nhiều hành vi phạm tội được hoàn tất, và cũng sẽ có những hậu quả xảy ra không thể được vãn hồi.

Do đó, Liên minh châu Âu (EU) muốn "giảm đáng kể thời gian này xuống còn vài giờ", dựa trên dự thảo Đạo luật đoàn kết mạng (EU Cyber Solidarity Act) đang được đề xuất.

Nội dung chính của dự thảo này là việc thiết lập một "lá chắn mạng châu Âu" (European cyber security shield), được tạo thành từ các trung tâm điều hành an ninh quốc gia và xuyên biên giới (SOC) trên toàn EU. Các trung tâm này sẽ chịu trách nhiệm phát hiện và chống lại các mối đe dọa mạng, sử dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), hoặc phân tích dữ liệu nâng cao.

MỘT cách ngắn gọn, cũng như cơ chế chia sẻ thông tin tình báo hay phối hợp phòng, chống tội phạm của tổ chức Interpol, hoặc các thông tin về khí tượng-thủy văn, thiên tai, dịch bệnh… vẫn đang được trao đổi giữa các quốc gia, "lá chắn mạng châu Âu" chú trọng vào việc tất cả mọi quốc gia thành viên cùng chung tay xây dựng một giải pháp đa phương cho vấn đề phòng, chống tội phạm mạng.

Với ngân sách 1,1 tỷ euro, trong đó phần lớn được chương trình "Vì một châu Âu kỹ thuật số" cấp ngân sách, "Lá chắn mạng châu Âu" dự kiến sẽ được thực thi vào đầu năm 2024.

Theo kế hoạch, sẽ có sáu hoặc bảy trung tâm điều hành an ninh mạng được thành lập, và ba trong số đó sẽ được triển khai trong năm nay. Được trang bị siêu máy tính và hệ thống AI, các trung tâm này sẽ trải rộng khắp EU và hoạt động cộng sinh để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng có thể xảy đến.

Thực tế, từ năm 2022, EC đã khuyến nghị các thành viên đưa ra một khuôn khổ chung để quản lý rủi ro an ninh mạng, trong bối cảnh lo ngại về các cuộc tấn công mạng gia tăng có thể làm gián đoạn các hoạt động chủ chốt, cũng như đánh cắp những thông tin nhạy cảm.

Và ở tầm nhìn xa hơn, khi xác định rõ: "Chỉ cần xảy ra một sự cố an ninh mạng đơn lẻ, cả hệ thống sẽ bị ảnh hưởng", EU cũng đang hướng tới hình thành một bộ Quy chế An ninh mạng chung.

Thậm chí, từ đầu tháng 4/2023, EU cũng đã kêu gọi thành lập quỹ ứng phó khẩn cấp về an ninh mạng, nhằm bảo đảm khả năng phản ứng kịp thời với các cuộc tấn công mạng quy mô lớn.

KHÔNG phải ngẫu nhiên, EU hành động gấp gáp như vậy. Cũng không phải ngẫu nhiên, trái ngược với tâm trạng hào hứng của phần đông nhân loại khi phần mềm trí tuệ nhân tạo mang tên ChatGPT chính thức ra mắt hồi đầu năm, hàng loạt quốc gia phát triển đã có những động thái hạn chế thành tựu công nghệ AI đó.

Đơn cử, Italy đã cấm ChatGPT suốt ba tháng qua, do các cáo buộc liên quan đến thu thập dữ liệu và phát tán thông tin. Đến 18/4, EU cũng đã thành lập một "lực lượng đặc biệt", để giúp các quốc gia thành viên kiểm soát phần mềm ấy.

AI nói riêng và các thành tựu công nghệ nói chung đều không có lỗi. Chúng đều được tạo ra để khiến cuộc sống của con người trở nên dễ dàng hơn. Song, nếu bị thao túng và sử dụng với những mục đích đen tối, chúng lại sẽ trở thành những "kẻ tử thù" với nền văn minh nhân loại.

Khi việc "đuổi theo" các hình thức tội phạm công nghệ (vốn luôn được "sáng tác" đa dạng thêm mỗi ngày) là vô nghĩa, thì một khuôn khổ kiểm soát chặt chẽ và mang tính phổ quát, cuối cùng, vẫn là giải pháp tối thượng. Và cũng như thiên tai hay dịch bệnh, chẳng quốc gia nào có thể đơn lẻ xử lý được vấn đề này…