Nhà cách mạng Lương Khánh Thiện trong lòng quê hương

Trong số những người con trung dũng của vùng đất văn hiến, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng Hà Nam có đồng chí Lương Khánh Thiện, người cán bộ tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam. Ông đã hy sinh cách đây gần 80 năm, nhưng tên tuổi và những cống hiến của ông với Đảng, với dân tộc vẫn mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu trân trọng và học tập.

Người dân xem trưng bày về sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện.
Người dân xem trưng bày về sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện.

Ký ức không phai

Một ngày cuối thu, nắng vàng óng ả, chúng tôi tìm về khu nhà lưu niệm liệt sĩ Lương Khánh Thiện tại Khu di tích lịch sử Đền thờ Liệt sĩ tỉnh Hà Nam, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, quê hương ông. Trong không khí trang trọng, cán bộ, nhân dân và những người con, người cháu của ông đang cùng hoàn tất những phần việc để chuẩn bị cho lễ khánh thành khu nhà lưu niệm và tổ chức Lễ kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của cố Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, liệt sĩ Lương Khánh Thiện. Tại đây, nhiều kỷ vật quý về cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu Lương Khánh Thiện đã được sưu tầm, chuẩn bị trưng bày giới thiệu cho các thế hệ con cháu được biết. Đây cũng là dịp để cán bộ và nhân dân tỏ lòng thành kính, tri ân đối với nhà cách mạng tiền bối, nhắc nhớ các thế hệ con cháu hôm nay về truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Có mặt từ rất sớm để tham gia công việc cùng các con, cháu, ông Lương Khánh Ninh, con trai của đồng chí Lương Khánh Thiện, năm nay đã ngoài 80 tuổi, rất vui và xúc động. Trong câu chuyện với ông đã giúp chúng tôi hiểu thêm phần nào về nhân cách, đạo đức của nhà cách mạng tiền bối Lương Khánh Thiện trong cuộc sống gia đình cũng như trong công tác, giáo dục các con. Hồi nhớ về những kỷ niệm của người cha, ông Ninh chia sẻ: Ba tôi là người hiền lành, thương vợ, thương con. Ba hy sinh lúc chúng tôi còn rất nhỏ. Tôi thì được 4 tuổi, em gái tôi mới được 2 tuổi. Má tôi kể rằng ngày đó, má được gặp ba rất ít vì yêu cầu của công việc là hoạt động bí mật. Nên chúng tôi chỉ được biết đến ba qua các câu chuyện kể lại từ những đồng chí cùng hoạt động với ông. Tôi nhớ đồng chí Trần Quốc Hoàn kể lại, thời còn hoạt động cùng thì ba thường xuyên phải thay đổi các nơi ở, khi thì ở trên Chèm, khi thì ở Hà Đông, lúc lại sang Gia Lâm. Mỗi lần má được gặp ba, tổ chức phải bố trí các địa điểm gặp, chứ không được gặp ở nhà. Nên những kỷ vật của ba tôi ở nhà hầu như không có một thứ gì kể cả quần áo. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, năm 1946, gia đình tôi phải rời Hà Nội, về quê Phủ Lý nên cũng không mang theo được thứ gì. Những kỷ vật mà gia đình có được cung cấp cho nhà lưu niệm của ba tôi ở đây là nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí công tác cùng ba ngày xưa giữ được và tặng lại. Nhiều đồng chí cùng hoạt động với ba tôi thời ấy như cố Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Tô Hiệu, bây giờ đã không còn nữa, nên việc tìm lại được kỷ vật của ba tôi là rất khó khăn.

Nhà cách mạng Lương Khánh Thiện trong lòng quê hương ảnh 1


Trong niềm tự hào, rưng rưng xúc động trước những hình ảnh và kỷ vật quý giá của ba mình, bà Lương Thúy Bình, con gái của liệt sĩ Lương Khánh Thiện nhớ lại: Chúng tôi sinh ra và lớn lên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhưng vì còn quá nhỏ nên chúng tôi không biết được nhiều về hoạt động cách mạng của ba má tôi. Vì lúc ấy tất cả đều phải hoạt động trong bí mật. Có một kỷ niệm còn in lại trong tâm trí tôi đó là hôm má đưa hai anh em chúng tôi vào thăm ba tôi ở nhà giam Hỏa Lò, má mang theo một rá xôi, bảo để cho tất cả các cô, chú các bác ở cùng ba tôi ăn. Đó là hình ảnh duy nhất mà tôi còn nhớ về ba tôi, vì lúc đó tôi chỉ mới được hai tuổi, còn quá nhỏ. Sau này, khi chúng tôi lớn lên, được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và tạo điều kiện cho anh em chúng tôi được đi học Trường Thiếu niên Việt Nam ở Trung Quốc, rồi tiếp tục được học tập ở nước ngoài và trở về nước công tác. Chúng tôi luôn ý thức rằng, tuy không có sự quan tâm dạy dỗ trực tiếp nhiều của ba má, vì ba tôi mất sớm, nhưng được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, chăm lo, vì vậy chúng tôi luôn biết ơn và nhắc nhở nhau, cố gắng phát huy truyền thống của gia đình mình, làm sao sống xứng đáng với ba má và sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Hiện nay, chúng tôi đã nghỉ hưu rồi, nhưng chúng tôi luôn giáo dục cho các con, các cháu phát huy tiếp nối truyền thống cách mạng, sống và làm việc tốt để xứng đáng với truyền thống gia đình.

Tiếp nối truyền thống tự hào

Đồng chí Lương Khánh Thiện tên thật là Trần Xuân Thành, sinh ngày 13 tháng 10 năm 1903; quê ở thôn Mễ Thượng, xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm, nay là tổ phố Mễ Thượng, phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Sinh ra trong gia đình nhà nho nghèo, yêu nước. Năm 1923, đồng chí rời quê hương ra thành phố Hải Phòng học Trường Kỹ nghệ thực hành và được giác ngộ cách mạng. Năm 1925, đồng chí Lương Khánh Thiện tham gia vận động học sinh bãi khóa, viết đơn đòi trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. Năm 1926, đồng chí về Nam Định làm thợ nguội Nhà máy Sợi. Năm 1927, đồng chí được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Định. Đầu năm 1928, đồng chí trở lại Hải Phòng làm việc ở Nhà máy Tơ, bắt mối liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hải Phòng. Tháng 4-1929, đồng chí được kếp nạp vào Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Hải Phòng. Tháng 8-1929, Tỉnh ủy lâm thời Hải Phòng thành lập, đồng chí Lương Khánh Thiện được phân công phụ trách xây dựng cơ sở, tổ chức Đảng ở Nhà máy Chai.

Tháng 5-1930, đồng chí Lương Khánh Thiện bị mật thám Pháp bắt, giam ở nhà tù Hải Phòng. Ngày 29-1-1931, thực dân Pháp kết án đồng chí tù khổ sai chung thân, đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Mùa hè năm 1931, đồng chí bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Tháng 9-1936, đồng chí được trả tự do và tiếp tục hoạt động tại Hà Nội. Tháng 3-1937, Xứ ủy Bắc Kỳ chính thức thành lập lại, đồng chí Lương Khánh Thiện được cử làm Bí thư Xứ ủy lâm thời (đến tháng 9-1937) và Bí thư Thành ủy Hà Nội (đến năm 1938). Ngày 29-12-1938, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt lần thứ hai tại Hà Nội, sau đó được thả vì không đủ căn cứ kết tội. Tháng 1-1939, đồng chí đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy, lãnh đạo phong trào cách mạng của Bắc Kỳ và Hà Nội đến tháng 9-1939.

Tháng 9-1939 đồng chí được cử đi chỉ đạo xây dựng căn cứ bí mật của Xứ ủy ở tỉnh Phú Thọ. Tháng 10-1940, đồng chí được phân công làm Bí thư Liên tỉnh B (gồm Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An) và trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Ngày 18-1-1941, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt tại Hải Phòng, sau đó, bị đưa về giam giữ tại Hỏa Lò (Hà Nội) và bị kết án tử hình khi mới 38 tuổi. Ngày 1-9-1941, đồng chí Lương Khánh Thiện bị xử bắn tại Kiến An, Hải Phòng. Cho đến phút cuối của cuộc đời, đồng chí vẫn giữ trọn lòng kiên trung, sắt son với Đảng, dân tộc, vững niềm tin tuyệt đối vào tương lai tất thắng của cách mạng. Cuộc đời liệt sĩ Lương Khánh Thiện trở thành biểu tượng cao đẹp về hình ảnh của người đảng viên, cách mạng của Đảng, mãi mãi được lưu danh.

Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, các con, các cháu của đồng chí Lương Khánh Thiện luôn sống gương mẫu, cống hiến hết mình cho đất nước. Gia đình và dòng họ đã khởi xướng, xây dựng, và duy trì Quỹ Khuyến học Lương Khánh Thiện. Đến nay, Quỹ đã trao hơn 300 suất học bổng với số tiền trên 300 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó ở các trường học mang tên Lương Khánh Thiện.

Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện, nhiều hoạt động thiết thực nhằm ghi nhớ, tri ân, tôn vinh tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng cùng những đóng góp to lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện cho sự nghiệp cách mạng đã được tổ chức. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã lựa chọn một phường và ba trường học được mang tên đồng chí Lương Khánh Thiện. Công trình Nhà lưu niệm Liệt sĩ Lương Khánh Thiện đã được dựng lên tại quần thể di tích lịch sử văn hóa tâm linh Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý.