Nguyễn Đình Thi và những vần thơ xuân

NDO - Thấm thoắt đã mười năm nhà thơ Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003) xa chúng ta và không ai có thể phủ nhận tên tuổi của ông trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài, đủ cả “cầm kì thi họa”. Riêng trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, tài năng của ông chia đều cho thơ, kịch, tiểu thuyết, lý luận - phê bình.
Nguyễn Đình Thi và những vần thơ xuân

Năm 2009 Nhà xuất bản Văn học ấn hành Nguyễn Đình Thi toàn tập (gồm 4 tập) với xấp xỉ 4.000 trang in. Phần sáng tác thơ của Nguyễn Đình Thi được in ở tập II (gồm 232 trang) với sáu tập thơ Người chiến sĩ (1956), Bài thơ Hắc Hải (1959), Dòng sông trong xanh (1974), Tia nắng (1988), Trong cát bụi (1992) và Sóng reo (2001).

Phải nói rằng thi liệu và thi hứng thì mùa thu chiếm vị thế lớn hơn so với mùa xuân trong thơ Nguyễn Đình Thi. Nhưng những bài thơ xuân của thi sĩ vẫn đủ sức gieo vào lòng độc giả ngọn lửa ấm của tình yêu đời, yêu người. Ngày đầu năm tìm lại vẻ đẹp bốn mùa - trong đó có mùa xuân - mà tạo hóa ban tặng cho con người, thiết nghĩ cũng là một nhã thú văn chương. Những bài thơ từ cảm hứng mùa xuân của Nguyễn Đình Thi thường ngắn gọn, hàm chứa lượng thông tin thẩm mỹ cao như Về nhà (1948), Chim én (1959), Đóa hoa nghệ (1954), Mùa xuân (1977), Buổi chiều cuối năm, Hoa đào, Tóc bạc, Giao thừa (bốn bài thơ sau không ghi chú năm sáng tác).

Mùa xuân (1977) là một bài thơ có thể nói tiêu biểu nhất cho cảm xúc về mùa mở đầu một năm trong thơ Nguyễn Đình Thi. Nếu chú ý đến thời điểm sáng tác, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn cái nhiệt hứng của thi sĩ khi viết bài thơ này. Đó là những ngày: tháng mà niềm vui đến say người, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, giang sơn gấm vóc thu về một mối, đó là những ngày: Tất cả lại bắt đầu - tất cả/Những ngày tháng những đời người/Giữa nghìn vất vả những niềm vui/Tất cả lại nẩy chồi tươi biếc. Ngắm những chồi biếc của mùa xuân thiên nhiên và mùa xuân cuộc đời, những con người có lương tri sẽ không thể quên những Bùn bết máu trên mặt người tử sĩ. Nhưng rồi vượt lên trên tất cả gian khổ hy sinh, một sớm mai nào ta ngỡ ngàng trước cảnh: Lá non đã xanh rờn mặt đất/Mùa xuân đang nói về hạnh phúc/Cánh chim bay trên sông núi lạ lùng/Giữa ngàn cây/Gội sương giá tình yêu đến. Thơ Nguyễn Đình Thi không nhiều “vần vè” vì thế chỉ có thể cảm nhận bằng cả sự run bật cảm xúc mà thi sĩ truyền đến độc giả với tinh thần “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”.

Bài thơ Chim én (1959) mang ý nghĩa biểu tượng vì chim én gắn với mùa xuân, báo hiệu mùa xuân về, và mùa xuân sẽ khiếm khuyết, sẽ thiếu hương sắc nếu vắng những cánh én! Bài thơ thể lục ngôn này rất lạ về hình thức, nhưng ngẫm ngợi sẽ thấy những câu thơ sáu chữ trải rộng không gian và thời gian, trải rộng cảm xúc của con người trước một trong bốn mùa của tạo hóa: Ngô xanh ngắt bãi phù sa/Gió mát rượi sóng Hồng Hà/Mùa xuân đến rồi - chim én/ Bay về từ những núi xa/Buổi chiều trên sông dịu êm/Cánh chim rợp cả bến thuyền/Mưa bay ướt đầu em gái/ Dưới sông gánh nước đi lên. Bài thơ Đóa hoa nghệ, nếu căn cứ vào nhan đề thì không có vẻ gì gắn với mùa xuân. Nhưng đọc xong bài thơ chỉ có tám dòng lại thấy hiển hiện một mùa xuân chiến trận: Sáng nay giữa Điện Biên dữ dội/Những chiến hào bỗng thấy mùa xuân/Ô lạ khắp mặt đồi đen trụi/Hoa nghệ xôn xao nở tím hồng.

Cũng có khi cái cảm xúc nghẹn ngào trong thơ Nguyễn Đình Thi đã lan truyền sang độc giả cùng chung lòng căm thù quân xâm lược đã tước đoạt niềm vui sum họp khi mùa xuân về, Tết đến của người Việt Nam: Về nhà chiều ba mươi/Áo ướt đầm hai vai/Giữa trời mưa đứng sững/Nhìn quanh không một ai (Về nhà). Bài thơ này viết năm 1948 khi cuộc chiến tranh đang vào hồi ác liệt. Ở đây có một chút riêng tư của người lính khi trông thấy cảnh: Cỏ dại leo lên thềm/Hàng cau đứng lặng yên/Bếp từ lâu đã lạnh/Vại nước còn đầy nguyên. Đêm hôm đó - đêm ba mươi, cái thời khắc năm hết Tết đến - người lính ngồi một mình bên đống lửa trầm tư: Đêm khuya ngồi đốt lửa/Ngoài hiên mưa rào rào/Thương vợ suốt đời khổ/Hai hàng nước mắt dào. Suốt cả đêm nghe súng nổ lòng người lính dội lên bao lo âu, khắc khoải: Em nuôi đàn con nhỏ/Trăm nghìn nỗi gian lao/Suốt đêm trường súng nổ/Em gánh con đi đâu. Thơ Nguyễn Đình Thi giàu tính chất tâm tình, tâm sự là vậy, cái chung, cái riêng hòa quyện thấu đáo nên mỗi câu mỗi chữ đều chinh phục được độc giả.

Nguyễn Đình Thi đã viết những bài thơ văn xuôi như Buổi chiều cuối năm. Dĩ nhiên buổi chiều cuối năm thì vẫn là mùa đông, nhưng trong cái tê buốt ấy đã ló rạng hơi ấm của mùa xuân: Buổi chiều cuối năm, mùa đông mải miết rải mưa phùn lên mặt đất giá buốt (...)/ Và mùa đông lại quạt gió bấc ào ào. Nhưng mùa đông rồi phải qua vì: Bên kia chân trời, phía xa, mùa xuân bay thấp thoáng, môi chúm chím nụ cười không thể giữ lại được. Và mặc dù: Mùa đông mở to đôi mắt ướt đầm sương thì cũng không thể nào ngăn nổi: Khắp mặt đất đã lấm tấm xanh. Muôn nghìn đốm vàng nghiêng ngả. Phép nhân hóa sử dụng đắc địa khiến cho tạo vật thiên nhiên như một cơ thể sống có linh hồn, sinh động và gần gũi với con người. Trong Những chiếc lá, một bài thơ văn xuôi khác Nguyễn Đình Thi đã quan sát những chiếc lá trên cây, đã mượn lời của lá để đoán định bốn mùa: Này đây khi xuân về thì: Đâu những ngày xuân, chúng ta xòe biếc đón về ríu rít những đàn chim; này đây những ngày hè nồng nàn thì: Những buổi trưa hè, chúng ta um tùm che mát cho người đi đường mồ hôi nhễ nhại; này đây mùa thu thì: Những chiều thu nhẹ trong, chúng ta thắp vàng trên đầu bao đôi người yêu; và cho đến mùa đông thì: Đến hôm nay, gió bấc đã rứt chúng ta, ném xuống đất bụi.

Trong những sắc mầu của Tết có sắc mầu của Hoa đào - nhan đề một bài thơ của Nguyễn Đình Thi - tượng trưng cho vẻ đẹp của mùa xuân. Đây là một bài thơ tứ tuyệt nên có sự dồn nén tối đa nhờ vào tứ thơ hay: mùa xuân hội tụ đầy đủ vẻ đẹp của đất trời và con người. Nguyễn Đình Thi rất ít viết thơ tứ tuyệt nhưng trong lần thử bút này thi sĩ đã thành công: Hoa đào nở hồng lối vào xóm nhỏ/Chim én bay về nghiêng cánh buồn vui/Sông lạnh tỏa sương mờ bến cũ/Ai trên đê cao đôi mắt bồi hồi.

Tại thời khắc Giao thừa, nhan đề một bài thơ gần cuối đời của thi sĩ, độc giả thấm thía hơn ý nghĩa tượng trưng của quy luật vận động của tự nhiên và con người, khi vượt qua được những thử thách để chiếm lĩnh một thế giới: Nguyên sơ và trong sạch hơn/ Như nước như lửa...

Hà Nội 12-2012