Người trông đền liệt sĩ Hàng Gai

Sáng Hà Nội mưa lất phất, chúng tôi ngang qua con phố Tô Tịch, tìm đến ngôi nhà số 18 của bà Nguyễn Thị Bình, nép trong con ngõ nhỏ, sâu hút và khó nhận ra nếu không nhờ chỉ dẫn của mấy cô hàng xóm gần đó. Nghe tiếng mấy cô gọi vọng vào khi biết có người muốn gặp, bà chầm chậm đi ra.
0:00 / 0:00
0:00

Bà Bình là vợ của liệt sĩ Vũ Văn Chung (sinh năm 1936). Năm nay, bà bước sang tuổi 87. Ở cái tuổi an dưỡng này, bà vẫn miệt mài với trông nom, chăm sóc nhà tưởng niệm liệt sĩ ở số 4 phố Hàng Quạt, Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Buổi sáng yên bình, ngồi trước gian nhà xưa vốn là đình làng nhưng nay được cải tạo và trở thành nhà tưởng niệm, trốn khỏi những cơn mưa bóng mây, chúng tôi vừa thưởng thức cốc nước vối ấm nóng vừa trò chuyện với bà về những câu chuyện ngày xưa cũ.

Bà đã gắn bó cùng nơi này rất lâu rồi. Một phần vì ngôi nhà xưa ông và bà chung sống cách đó chỉ vài bước chân, phần vì bà muốn ngày nào cũng có thể đến bầu bạn cùng ông, các đồng đội của ông và muốn chăm nom hương khói giúp các gia đình liệt sĩ để họ yên lòng. Đây còn là nơi tổ chức sinh hoạt của các cựu chiến binh hay cuộc họp thường niên của phường Hàng Gai.

Bình thường, ngày nào cũng như ngày nào, bà Bình đều đặn đến mở cửa quét dọn và thắp hương. Cứ mỗi dịp mồng 1, rằm và ngày lễ đặc biệt như 27/7, lãnh đạo phường Hàng Gai sẽ qua bàn bạc với bà về việc sắm đồ lễ. Nhắc đến đây, gương mặt bà Bình ánh lên nét mặt rạng rỡ, bà còn kể đến chuyện ngay cả người dân quanh đây cũng dành tình cảm đặc biệt cho nhà tưởng niệm. Khi có ngày lễ, công việc của bà sẽ nhiều hơn, các cô, bác luôn giúp đỡ bà nhiệt tình lắm, đúng tinh thần “tình làng nghĩa xóm” của Việt Nam ta. Các bạn thanh niên còn thường xuyên phụ bà quét tước những chỗ khó dọn như trần, cột nhà...

Nhắc đến chế độ đãi ngộ, bà Bình hóm hỉnh đùa: “Bà được nhiều lắm, nhận được của phường, của quận này, đôi khi là của Hội Chữ thập đỏ, rồi nào là chế độ cho thân nhân liệt sĩ nữa...”. Thế nhưng bà chẳng giữ làm của riêng cho mình mà trích ra vài phần để lo quán xuyến, lo cho công việc thờ cúng, sửa sang nhà tưởng niệm, sao cho các liệt sĩ “cảm thấy” thoải mái, ấm cúng nhất như ở nhà. Có những ông, bà liệt sĩ còn gia đình vẫn ở đây thì thỉnh thoảng còn có con cháu ghé thắp nén nhang, nhưng cũng có gia đình đã chuyển tới nơi khác, đến ngày lễ, cúng thì họ mới về rồi lại vội đi, cũng không ở lại lâu.

Nói đoạn, dù tuổi tác đã cao từng này rồi, bà Bình lại chắp tay thầm cảm ơn bề trên vì vẫn cho bà được khỏe mạnh, ít ốm đau bệnh tật, đầu óc minh mẫn. Dường như bà chỉ cần vậy đã là quý lắm rồi, không mong cầu gì hơn nữa. Đối với bà, đây không phải công việc cao siêu rộng lớn gì, chỉ hương khói, bao sái ban thờ, trông nom nhà tưởng niệm đã là việc bà muốn gắn bó suốt phần đời còn lại của mình.