Nhà văn Văn Thành Lê:

Người trẻ đang góp mặt với văn chương

Giữa những tập truyện ngắn, truyện dài xuất bản liên tục, nhiều cuốn tái bản, nhà văn 8X Văn Thành Lê (đang làm việc tại NXB Kim Đồng chi nhánh TP Hồ Chí Minh) gây ngạc nhiên khi tiếp tục ấn hành tập chân dung văn học “Lần đường theo bóng” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh). Trước đó, là tập chân dung văn học “Như cánh chim trong mắt của chân trời” (NXB Kim Đồng, 2017). Việc quan tâm, đọc và ghi nhận người viết cùng thế hệ được anh chia sẻ với Thời Nay.  

Người trẻ đang góp mặt với văn chương
Người trẻ đang góp mặt với văn chương -0
 

Phóng viên (PV): Qua những gương mặt được thể hiện trong cuốn chân dung mới và cuốn trước nữa, có thể thấy anh rất quan tâm đọc các tác giả đang góp mặt, có đóng góp vào đời sống văn học hôm nay. Anh chia sẻ gì về mối quan tâm này của mình?

Nhà văn Văn Thành Lê (VTL): Có ý kiến cho rằng, các nhà văn không đọc tác phẩm của nhau. Một số chỉ đọc sách được tặng, số khác chỉ đọc văn học dịch, vì cho rằng văn chương trong nước chả có gì. Tôi không nghĩ đến mức thế, người đọc nhiều có thể không sáng tác, nhưng tôi không tin người viết thật sự, xác định đi đường dài với văn chương mà lại không đọc. Có ngoại ngữ để đọc bản gốc thì quá tốt, không thì đọc qua bản dịch, để xem thế giới đã và đang viết gì, viết như thế nào. Cả văn chương trong nước nữa. Trước khi vươn tới đâu đó thì cũng phải hiểu bầu khí quyển văn chương nơi mình đang đứng. 

So nhiều bạn viết, sức đọc của tôi ở mức bình bình. Khác là, các bạn đọc trong lặng im hoặc chọn cách “tiêu hóa” khác, không trình ra “lộ liễu” như cách của tôi, là viết chân dung văn học. Tôi hướng đến các tác giả đang dự phần vào đời sống văn học hôm nay, thích cái mới, nóng hổi hơi thở đương thời.

PV: Thường với người sáng tác, khi đến độ tuổi nhất định mới viết phê bình, chân dung, anh có nghĩ mình thử sức hơi sớm với thể loại này? 

VTL: Quả thật hai cuốn chân dung văn học nằm ngoài hình dung ban đầu của tôi khi bước vào đường chữ. Còn nhớ, chân dung đầu tiên tôi viết là “điền vào chỗ trống” giúp anh bạn nhà báo. Sau lần chạy đà đó, trước gợi ý viết tiếp, tôi đã phân vân, mình sáng tác còn chưa đến đâu, đã là gì mà bày đặt về người khác. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, mình không xếp hạng bất kỳ ai. Viết chân dung văn học, bên cạnh việc cố gắng làm sáng rõ các tác giả theo cách cảm và góc nhìn của mình, để người đọc thêm hình dung, đến gần với nhân vật hơn, thì theo từng bài viết, chính tôi đang ghi lại hành trình tự học của mình, từ sáng tác của nhân vật. Thêm nữa, đâu đó còn là nơi để tôi có thể giãi bày những quan điểm, nghĩ suy, nhận định cá nhân về những chuyển động trong đời sống văn chương. Như vậy, với mỗi chân dung còn là cơ hội để tôi nhìn lại và trình bày mình, thấp thoáng sau nhân vật. Nghĩ vậy, tôi thấy cũng nhẹ nhàng. 

PV: Nếu như ở cuốn trước, bên cạnh số ít tác giả thế hệ 5X và một số 6X, anh thể hiện nhiều hơn vào thế hệ 7X; thì sang cuốn sách mới này, ngoài một số tác giả thế hệ trước, các gương mặt chủ yếu là 8X. Có gì tâm đắc hơn chăng, với những người cùng thế hệ mình?

VTL: Từ năm 1942 “Thi nhân Việt Nam” đã gọi tên rất nhiều nhà thơ có tuổi đời ngoài 20 hoặc trên dưới 30. Và không phải ai được Hoài Thanh - Hoài Chân “chọn mặt gửi vàng” cũng thành tác giả, trụ vững được trên văn đàn. Nói thế để thấy việc viết về người trẻ là điều không mới. 

Vậy nên bên cạnh việc nhìn lên, học hỏi từ các thế hệ đi trước, tôi cũng học và muốn đồng hành với những cây viết thuộc thế hệ mình, trẻ hơn mình. Từ lâu là đọc, và giờ là viết về các bạn. So thế hệ 7X có những cá nhân, hội nhóm, sự phá cách trong sáng tác, tạo sóng trên văn đàn một thời thì 8X trầm lắng hơn. Nhưng sau những ồn ào thì trầm lắng không có nghĩa là không có gì. Tôi mong có thể gọi tên những người đã “có gì” ra theo cách nhìn của mình. Đường văn còn dài, chẳng ai nói trước được ngày mai, nhưng với những chân dung đã dựng, tôi có niềm tin các bạn ấy còn bước tiếp và làm được hơn. Chính thế hệ 8X và 9X đang góp phần vào bộ mặt của văn chương hôm nay một cách đàng hoàng.

PV: Có thể phỏng đoán rằng cả hai cuốn chân dung văn học này cũng chưa kể hết được về những tác giả anh muốn viết, những suy tư của anh về những người viết trẻ. Mong anh chia sẻ thêm với bạn đọc?

VTL: Với tôi, thế hệ 8X vẫn còn những gương mặt ấn tượng khác. Rồi thế hệ 9X tôi mới chạm đến hai tác giả. Chưa kể, trong khi tôi đang đọc và ngẫm nghĩ thì các bạn vẫn đang viết tiếp, xác lập thêm những thành quả mới. Dĩ nhiên, tôi không có mộng và không đủ sức để ôm hết. Dựng chân dung ai đó, ngoài việc thẩm thấu tác phẩm còn là cái duyên. Chưa đủ duyên thì chưa thành. Mong rằng trong thời gian tới, ngoài những cây bút phê bình trẻ trung như Phan Tuấn Anh, Đoàn Ánh Dương, Nguyễn Thanh Tâm, Nguyễn Văn Hùng, Phan Trọng Hoàng Linh, Vũ Thị Trang, Nguyễn Đình Minh Khuê… sẽ có thêm nhiều người viết, bên cạnh việc sáng tác thì không ngần ngại trong việc đọc vị bạn văn và sự vận động của đời sống văn chương. Giờ người trẻ tự tin, tự biết nhìn vào thế hệ mình, với những cái được và chưa được, mặt mạnh và hạn chế, góp phần làm nên dòng chảy văn chương bằng sáng tác và bằng cả việc “phát biểu cảm tưởng” của mình.

PV: Đường văn của anh hẳn cũng đã qua không ít nhọc nhằn. Nhưng có thể thấy anh còn “gặt hái” được những điều kiện thuận lợi hơn không ít đồng nghiệp. Anh có gì chia sẻ với các bạn viết?

VTL: Trước khi làm xuất bản, truyền thông ở TP Hồ Chí Minh, tôi có gần 10 năm dạy học và biên tập tạp chí văn nghệ ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhắc lại để thấy trước khi thuận lợi hơn tôi cũng gặp không ít “cách ngăn” kiểu đời sống văn nghệ tỉnh lẻ. Tuy nhiên, hiện nay các diễn đàn, mạng xã hội đã san phẳng rất nhiều khó khăn, lực cản do yếu tố địa lý tạo ra. Nhưng thời nào thì quan trọng nhất với người viết vẫn là nỗ lực vượt thoát. Phải tự biết nhìn sâu và bình tĩnh trước con chữ của mình.

Đã qua lâu rồi thời lên ngôi của chữ, nhưng lực hút từ văn chương vẫn lớn, sự xuất hiện đều đặn của các tác giả trẻ minh chứng cho điều này. Và người trẻ hiện nay ít chờ đợi những gì từ ngoài mình, họ tin vào chính mình và tin vào sự tiếp nhận của người đọc. Những cái tên như Đinh Hằng, Hiền Trang, Cao Nguyệt Nguyên, Huỳnh Trọng Khang, Nguyễn Dương Quỳnh, Lê Quang Trạng… cho tôi tin như vậy.

PV: Xin cảm ơn anh!