Họa sĩ Trịnh Tú:

Người đi, khuyết một mảnh hồn phố

Thành phố nào cũng có những chứng nhân đồng thời là người viết nên những trang-không-chính-danh của mình. Như những Gavrochet của Paris, những gã du ca của Roma, "người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường" trong thơ Phan Vũ có tới 90% hình bóng Trịnh Tú, người anh trai của chủ nhân "tiếng dương cầm trong căn nhà đổ"... Trịnh Tú đi rồi, trong một đêm mưa tầm tã tháng Bảy ngâu. Người Hà Nội bỗng giật mình: hình như một mảnh hồn phố đã khuyết cùng hình bóng liêu xiêu khẽ khàng của người lãng tử ấy...
0:00 / 0:00
0:00
Ký họa chân dung họa sĩ Trịnh Tú của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường
Ký họa chân dung họa sĩ Trịnh Tú của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường

"ẤU THƠ TAO" VÀ MỘT HÀ NỘI XUYÊN KHÔNG

Trịnh Tú hay "lạc đề" trong một câu chuyện thời sự, một cuộc vui bằng câu nói rất "cậu ấm": "ấu thơ tao". Người mới gặp hẳn là ngạc nhiên và có khi nghĩ người đàn ông này "trẻ" hơi quá lâu. Còn bạn bè hẳn là đã quá quen với những hành ngôn xóa mờ tuổi tác, thời gian, nơi chốn của Trịnh Tú để sống với một bầu không khí thật tự nhiên mà khi vắng Trịnh Tú người ta mới nhận ra: khí quyển bạn bè kiểu "underground Hà Nội".

Là con trai út trong một gia đình đậm đặc chất nghệ sĩ, người cha là họa sĩ - thiền sư Trịnh Hữu Ngọc, được biết đến trong giới hội họa như một Claude Monet Việt Nam, người anh trai là dịch giả - họa sĩ Trịnh Lữ, người dịch Đại gia Gasby, Rừng Nauy và mới nhất vừa cho ra mắt cuốn Vẽ gì cũng là tự họa, người em gái là tay dương cầm lừng danh Trịnh Thị Nhàn, từng lấp lánh trong 24 phím cầm chiều của Dương Tường và là người làm vang lên "tiếng dương cầm trong căn nhà đổ" trong thơ Phan Vũ - cả hai đều được Phú Quang phổ nhạc , Trịnh Tú đương nhiên hưởng trọn nguồn gene yêu nghệ thuật và được đào tạo để thành một nghệ sĩ đích thực theo tiêu chuẩn cổ điển phương Tây từ nhỏ.

Ông học giỏi tiếng Pháp, đọc và nói ngôn ngữ này như tiếng Việt, ông chơi dương cầm hay như tất cả những người anh chị em của mình. Và ông thành sinh viên trường mỹ thuật như một chuyện đương nhiên. "Ấu thơ tao" trong ký ức Trịnh Tú là ngôi nhà rất rộng và đẹp giữa phố Hàng Bông Nhuộm, là những buổi sớm "trôi trong sương hồ Tây" khi lên Nghi Tàm thăm ngôi nhà cụ Ngọc ngồi vẽ, là những bà vú chiều mấy anh em cậu Tú như con, là những thức quà mẹ mua về từ ngoài phố, những buổi học tiếng Pháp, học đàn mà các con cụ Ngọc đều răm rắp ngồi vào bàn đúng giờ...

Nhưng cuộc đời có nhiều ngã rẽ bất ngờ. Sau một "tai ương" của tuổi trẻ bồng bột, chàng sinh viên Trịnh Tú trở thành người vẽ giải phẫu của Bệnh viện Việt Đức. GS Tôn Thất Tùng, Giám đốc bệnh viện, một người bạn thân của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã thu xếp cho người con trai của bạn mình công việc ấy, vẫn liên quan đến tay nghề của một sinh viên mỹ thuật, lại đủ sống và "giúp đỡ" bạn bè.

TRỊNH TÚ, NGƯỜI BẠN ẤM ÁP KHẼ KHÀNG

Là người vẽ giải phẫu và sau đó trở thành trợ lý của GS Tôn Thất Tùng. Lại là người đông bạn, ham vui và chiều bạn vào bậc nhất Hà Nội, trong suốt 20 năm trời, Trịnh Tú đã trở thành "cò bệnh viện", "kho thuốc" và "hầm rượu" của giới văn nghệ sĩ và báo chí đất Hà thành. Ai ốm đau bệnh tật, cha già mẹ héo, vợ đẻ, con đi cấp cứu... gọi cho Trịnh Tú, có ngay cách liên hệ bác sĩ nào, khoa nào, thuốc khó mua mấy nhờ Tú là có.

Và rượu, thời người Việt Nam ra nước ngoài còn đếm trên đầu ngón tay, GS Tôn Thất Tùng đi hội thảo, đi mổ , đi dạy ở đâu, được biếu tặng hay mua được chai rượu nào đều về giao cho Trịnh Tú. Để rồi sau đó, nó làm thăng hoa thêm bao cuộc vui của giới tài tử đất này, những người vốn đã chỉ sống bằng khí trời và mơ mộng.

Hai thập kỷ sau đó, bọn hậu sinh chân ướt chân ráo vào nghề, vẫn còn được truyền tai những giai thoại về những cuộc vui có rượu ông Tùng do Trịnh Tú mở tủ tuồn ra, cũng như những ân tình ngày một đầy thêm về những bệnh nhân thập tử nhất sinh được Trịnh Tú mang danh "trợ lý cụ Tùng" chuyển thẳng đến bệnh viện cấp cứu trong gang tấc.

Bạn bè đều coi đó là lẽ đương nhiên. Trịnh Tú cũng coi đó là việc thường nhật như cơm ăn nước uống. Những ấm áp khẽ khàng ấy, vào thời mọi thứ đều là dịch vụ, đều tính đúng tính đủ này, nghe thật giống cổ tích. Đến tận 40 năm sau nữa, khi Trịnh Tú đã là một họa sĩ già về hưu chuyên vẽ minh họa của tờ Nông thôn ngày nay, vẫn có những cú điện thoại bất kể ngày đêm đến các đàn em đàn cháu của ông nay đã thành các bác sĩ đầu ngành của các bệnh viện lớn: "Q à, H à, Tú đây! Tú có người bạn..."...

TRỊNH TÚ, VẼ NHƯ THƠ

Tú sống lãng đãng, lúc nào cũng cần bạn, cần vui, cần chia sẻ cái gì thật đẹp thật hay vừa nghe, vừa đọc, vừa nhìn được. Nên có lẽ cũng vì thế mà tranh của ông cũng lãng đãng, nhẹ nhàng, nhiều thơ. 30 năm làm nghề "cận y", rồi làm báo (20 năm ông làm họa sĩ của báo Lao động), cuối cùng thì giấc mơ hội họa vẫn không ngừng đeo bám Trịnh Tú.

Chỉ kịp làm hai triển lãm, một ở Hà Nội năm 2014 với 18 bức sơn dầu kỷ niệm Nhí (họa sĩ Trịnh Cẩm Nhi - con gái ông) 18 tuổi và một ở TP Hồ Chí Minh năm 2016, Trịnh Tú thật sự không quyết liệt và ham hố một mục tiêu cụ thể nào trong con đường hội họa muôn nẻo hấp dẫn và gian truân. Ông vẽ nhẹ nhàng, đầy cảm xúc nhưng vẫn lại là cảm xúc của một chàng nghệ sĩ thiếu niên thơ ngây nhìn đời trong trẻo mộng mơ.

Say mê vẽ khỏa thân nhưng những người phụ nữ của ông thanh tân chẳng chút dục tính nào. Màu sắc trong tranh thì cứ bảng lảng tím nhạt, xanh nhạt, vàng nhạt, hồng nhạt. Thế giới của Trịnh Tú, dù ở tuổi 60 hay 70, cứ bềnh bồng lơ lửng thế, chẳng một chút vội vã, cũng không chịu ngả một sắc u sầu nào.

Đời, qua đôi mắt ông, qua nét cọ của ông, cứ như chưa từng buồn, chưa từng đau, chưa từng có mảnh bom phạt ngang ngôi nhà thời thơ ấu, chưa ăn đói mặc rét và không hề oan khuất. Đời, với Trịnh Tú, như chỉ có tiếng dương cầm và sương hồ Tây, chỉ có tình yêu và những cuộc vui bạn bè...

Câu thơ mà ông hay nói khi ngà ngà: "Những đám mây đã cùng ta uống rượu hôm ấy - giờ làm mưa rơi nơi nao?". Chẳng buồn, chẳng sợ khi nhìn về tuổi già và bệnh tật, vì Trịnh Tú luôn tin "thôi ta còn bạn bè"...

Một mảnh hồn phố nữa lại khuyết rồi...