Nhà thơ Hữu Việt (HV): Cho đến bây giờ, nhắc tới Nguyễn Việt Hà, gần như ngay lập tức người ta vẫn nhớ tới Cơ hội của Chúa. Có gì khác trong quãng thời gian hơn 20 năm, từ Cơ hội của Chúa tới Thị dân tiểu thuyết?
Nhà văn Nguyễn Việt Hà (NVH): Tôi viết Cơ hội của Chúa trong khoảng 10 năm. Nó từng trôi nổi qua vài nhà xuất bản trước khi được NXB Văn học ấn hành. Chủ đề của cuốn sách xuyên suốt cho đến những gì tôi viết hiện nay: tuổi trẻ, đô thị và tôn giáo. Đô thị tức là Hà Nội, vì ngoài Hà Nội ra tôi cũng chẳng viết được về cái gì khác. Giống như đa số các nhà văn, tôi viết những thứ gần mình thôi. Cũng may Hà Nội là vùng đất có rất nhiều chuyện để nói. Khác là, từ Cơ hội của Chúa đến Thị dân tiểu thuyết, càng ngày tôi càng thu hẹp Hà Nội lại. Trước kia nó ở mức quận thì bây giờ chỉ còn là một con phố. Nhân vật chính của Thị dân tiểu thuyết chính là một con phố. Đầu phố có một nhà thờ to, giữa phố có chùa và cuối phố có ngôi đền, vậy là gồm đủ Thiên Chúa giáo, Phật giáo và Lão giáo. Trong cuốn tiểu thuyết này, tôi có tham vọng liên thông giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo nhưng hình như chưa được, vì rất khó.
HV: Người trong giới nói, viết về Hà Nội, Nguyễn Việt Hà đã gọi ra được chất “thị dân” một cách thị dân nhất. Phải chăng các sáng tác của anh đều nhằm lý giải chất thị dân của người Tràng An?
NVH: Hiện nay thị dân là một khái niệm hay được hiểu theo nghĩa negative (tiêu cực), kiểu như tiểu thị dân. Thực ra thị dân chỉ là những người sống ở đô thị, cũng như nông dân là người sống ở nông thôn, nó không liên quan gì đến chuyện tốt, xấu cả. Làm nên Hà Nội có rất nhiều loại người. Nhưng tôi cho rằng tầng lớp trung lưu có chữ vẫn là căn cốt để hình thành nên tầng lớp thị dân. Không phải ngẫu nhiên mà trong một chương bản lề của cuốn sách tôi lại chọn nhân vật Ấm Bình để viết về vụ Hà Thành đầu độc. Ấm Bình có thể coi là điển hình của lớp người làm nên một Hà Nội đương đại, họ vừa có chất kẻ sĩ tiếp nhận được tinh hoa của phương Tây nhưng lại vẫn giữ được cốt cách phương Đông.
HV: Thị dân tiểu thuyết được viết trong vòng bao lâu? Ý tưởng tác phẩm bắt đầu như thế nào?
NVH: Ba năm. Về mặt cấu trúc, đầu tiên tôi định viết sáu chương, sau rút lại còn năm chương: Phố ngõ, vẫn là phố; Chân thư, nguỵ thư, toàn thư; Chân tình, nguỵ tình, tuyệt tình; Từ đâu đến, đi về đâu và cuối cùng là Không đâu. Trong đó, quan trọng nhất là chương Từ đâu đến, vì khi trả lời được câu hỏi này thì gần như sẽ biết lớp thị dân Hà Nội sẽ đi về đâu.
HV: Đọc Thị dân tiểu thuyết giống như khám phá những mảnh ghép độc lập, thoạt tiên có vẻ như không liên quan đến nhau, nhưng khi gấp cuốn sách lại mới thấy nó nhất quán, xuyên suốt, đầy chủ ý. Có thể gọi thủ pháp “ghép mảnh” này là thi pháp tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà?
NVH: Cấu trúc mảng miếng anh vừa nói gọi là thi pháp cũng được, nhưng tôi thì cứ nôm na đây là một cách kể của nhà văn. Milan Kundera từng nói đại ý: Một tác phẩm không bắt chước người khác mà chỉ lặp lại chính mình thôi đã là vô đạo đức rồi. Kể theo kiểu cũ đã có nhiều người giỏi rồi nên tôi phải tìm cho mình một cách kể mới. Trong Thị dân tiểu thuyết, có rất nhiều câu hỏi đưa ra ở trang này, nhưng 5, 6 trang sau mới được trả lời; hoặc có chi tiết xuất hiện ở trang 3 thì phải đến trang 300 mới xuất hiện trở lại. Tôi vẫn nói rằng, nếu có một cốt truyện thật hay, viết ra bằng một giọng văn thật hay thì đấy là kiệt tác. Nhưng bây giờ lấy đâu ra một cốt truyện kiểu như Rô-bin-xơn Cru-xô? Những thứ như thế nhân loại đều đã mò mẫm ra hết rồi. Người viết hôm nay phải kể lại những câu chuyện ai cũng nhìn thấy cho nên hình thức của tiểu thuyết rất quan trọng.
HV: Một đặc điểm dễ nhận trong văn Nguyễn Việt Hà là sử dụng rất nhiều từ Hán – Việt, đảo lên đảo xuống linh hoạt, biến hóa… Trong Thị dân tiểu thuyết cũng vậy.
NVH: Vì tôi luôn coi đấy là chữ Việt, hay nói cách khác là chữ Hán của người Việt, tương tự như người ta nói chữ Hán của người Nhật hay người Hàn… Bởi chữ đó chỉ có người Việt dùng và chứa bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của nhiều thế hệ trí thức người Việt tạo nên. Tôi rất thích điển về cụ Á Nam Trần Tuấn Khải. Khi dịch cuốn Thủy hử cụ đã chọn được hai chữ cực hay là Rìa nước. Thủy là nước, hử là vỉa hè, là rìa. Nhưng sau hai đêm suy nghĩ, cụ lấy lại nguyên chữ Thủy hử. Như anh đã biết, chữ Thủy hử đi vào trong tiếng Việt đã có nghĩa khác. Thí dụ nói, anh kia, ông kia trông mặt rất thủy hử thì ai cũng hiểu, thế là đủ.
HV: Một nét độc đáo nữa là lối nói giễu nhại, hài hước thâm thúy rất đặc trưng, mà ai đó chỉ cần “khẽ bắt chước” anh thôi là lộ ra ngay…
NVH: Tôi là cái anh thị dân, mà đặc trưng của thị dân là dĩ ngoa truyền ngoa, tức là chuyện gì đều nói quá lên một chút. Trong cái lộng ngôn, ngoa ngôn ấy bao giờ cũng phảng phất độ giễu cợt. Giễu nhại là gọi theo cách của phương Tây, còn với tôi thì cái sự đanh đá, ngoa ngôn là một trong những phẩm chất đặc thị dân.
HV: Tiểu thuyết có rất nhiều thể loại: nào non-fiction (phi hư cấu), fiction (hư cấu); trong fiction lại chia ra literary fiction (hư cấu văn học), genre fiction (hư cấu thể loại)… Là người viết nhiều thể loại văn xuôi, anh thấy mình thuộc dòng nào?
NVH: Một người chỉ viết dăm, bảy cái truyện ngắn thì còn có thể nói là hồn nhiên, không quan tâm tới thể loại. Nhưng đã viết đến tiểu thuyết dày cỡ 300 trang thì không thể có chuyện vô thức nữa. Những lý thuyết thể loại rất quan trọng, tuy nhiên với người sáng tác cũng chỉ để tham chiếu chứ không phải để gán ghép, trói buộc. Tôi thích chữ tiểu thuyết với nghĩa lời nói nhỏ, để phân biệt với đại thuyết - lời nói lớn. Tiểu thuyết với nhà văn là một đoạn đời, là những câu chuyện cá nhân mang tính tự sự được người viết kể lại, trong đó có những thể loại như anh vừa kể trên. Nhưng nói cho cùng, thể loại chỉ là phương tiện thôi. Claude Debussy, nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp nói: Tác phẩm nghệ thuật tạo nên nguyên tắc, chứ nguyên tắc không tạo nên tác phẩm nghệ thuật.
HV: Phẩm chất của người viết tiểu thuyết là gì?
NVH: Để viết tiểu thuyết, chẳng có cách nào khác ngoài đọc thật nhiều. Nhiều sinh viên thường hỏi tôi, làm thế nào để tìm được một quyển sách hay? Tôi bảo, trước hết bạn phải đọc và vượt qua rất nhiều cuốn sách dở, may ra mới gặp được. Một cuốn sách hay ảnh hưởng đến ta sâu hơn chính những điều ta viết ra. Sáng tác không thể làm thay đổi được cuộc đời anh, chỉ có những quyển sách hay mới làm được điều đó.
HV: Anh hiện không làm việc ở cơ quan nào, cũng không tham gia hội đoàn văn nghệ nào, nhưng vẫn được mặc định là nhà văn chuyên nghiệp. Anh có thấy thế không?
NVH: Về khái niệm này, tôi rất thích cách định nghĩa của Phật giáo: “chuyên nghiệp” tức là chuyên bị cái nghiệp ấy nó đè. Ai đi đến tận cùng của nghề thì mới tạo ra nghiệp. Khi đã là một nghệ sĩ chuyên nghiệp thì mọi chuyện yêu đương, bất hạnh, buồn vui, thành công, thất bại đều gắn với cái nghề ấy, có muốn sống khác đi cũng không được. Cao hơn thì có thể sống được bằng nghề, nhưng rất hiếm, vì nghệ thuật là cái nghề rất khó mưu sinh.
HV: Nhà văn viết báo hiện nay khá nhiều. Được biết, nhiều tờ báo tín nhiệm trao cho anh giữ chuyên mục. Viết báo, có phải là quãng nghỉ giữa kỳ thai nghén tác phẩm, hay là chuyện “nhặt tiền lẻ” mưu sinh?
NVH: Tôi vừa đọc một bài trả lời phỏng vấn rất xuất sắc của Gabriel Marquette do nhà văn Phan Triều Hải dịch, trong đó có nói về nghề văn và báo. Hiếm có người vừa viết văn hay và vừa viết báo giỏi như Marquette. Thường thì chỉ giỏi một trong hai thứ đã là quý rồi. Theo tôi, nhà văn viết báo cũng là một nghề, tương tự như nhiều người trước khi trở thành nhà văn từng làm đủ các thứ nghề khác nhau. Tuy nhiên, nếu anh tận tuỵ quá với nghề mưu sinh thì sẽ tạo ra một nghiệp chướng cản trở nghiệp văn của anh.
HV: Việc viết báo có “hại” cho văn không?
NVH: Bằng kinh nghiệm của tôi là: hại. Thậm chí nó làm anh bị bết chất tạp văn (chữ của Lỗ Tấn chỉ thể loại văn học này trên báo). Chưa kể chuyện trùng chữ, trùng ý là không thể tránh khỏi. Khi viết Thị dân tiểu thuyết, tôi đã nghĩ sẽ đoạn tuyệt với tạp văn. Trong tương lai, tôi sẽ không viết tạp văn nữa.
HV: Dự định sắp tới của anh là gì?
NVH: Tôi sẽ viết một cuốn tiểu thuyết mới, nhưng chưa thể nói ra ở đây.