Ngẫm từ Paris

Olympic Paris 2024 đang đi vào những ngày thi đấu cuối cùng và nhiều khả năng Đoàn thể thao Việt Nam sẽ trắng tay lần thứ 2 liên tiếp tại Thế vận hội. Điều này càng đáng suy ngẫm, khi nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã vượt qua chúng ta trên bảng tổng sắp huy chương (HC).
0:00 / 0:00
0:00
Xạ thủ Trịnh Thu Vinh.
Xạ thủ Trịnh Thu Vinh.

Đến lúc này, thể thao Việt Nam đã tham dự 10 kỳ Olympic, giành tổng cộng 5 HC. Trong đó, thành tích chói lọi nhất thuộc về xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, với HCV nội dung bắn súng hơi 10m tại Olympic Rio 2016. Điểm lại lịch sử để thấy việc giành một tấm HC, bất kể mầu nào, ở một giải đấu thể thao có quy mô lớn nhất hành tinh như Olympic, là vô cùng khó.

Tại Paris 2024, chúng ta đã có lúc tiến gần mục tiêu giành HC, với hy vọng đặt lên xạ thủ Trịnh Thu Vinh. Đáng tiếc, cô chỉ xếp thứ 4 chung cuộc ở nội dung 10m súng ngắn hơi sở trường. Thu Vinh, cũng như Phạm Thị Huệ (rowing) hay Võ Thị Mỹ Tiên (bơi) đều đã cố hết sức nhưng rõ ràng, trình độ của chúng ta còn cách đẳng cấp thể thao thế giới những khoảng rất xa.

Bây giờ, Việt Nam chỉ còn 2 cái tên thi đấu ở Olympic là Trịnh Văn Vinh (cử tạ) và Nguyễn Thị Hương (canoeing). Một cách thành thật, hy vọng giành HC của họ là vô cùng mong manh.

Chẳng dám so đâu xa, nhìn sang các nước “láng giềng” trong khu vực, hẳn nhiều người cảm thấy chạnh lòng. Philippines giành tới 2 HCV, Thailand có 1 HCB, Malaysia 2 HCĐ và Indonesia 1 HCĐ. Nếu Singapore có HC trong vài ngày tới, chúng ta sẽ tụt lại sau hầu hết các quốc gia được xem là “đối trọng” về thể thao ở Đông Nam Á.

Nhiều năm qua, thể thao Việt Nam xác định mục tiêu vươn tầm, đầu tư trọng điểm cho các môn dự thi Olympic. Tuy nhiên, thành tích chưa được cải thiện nhiều. Nhìn vào hành trình đầy gian nan của các vận động viên giành “vé” đến Paris, có thể thấy chúng ta chưa có sự chuẩn bị dài hơi, hiệu quả hướng đến Thế vận hội. Trong lúc ấy, đâu đó lại xôn xao thông tin về chuyện cầu thủ bị nợ lương, vận động viên bị “chặn” tiền thưởng…

Paris 2024 để lại kỷ niệm buồn với thể thao Việt Nam. Nhưng từ dấu mốc thất bại đó, chúng ta phải quyết liệt hơn trong hoạch định chiến lược đầu tư, vận hành bộ máy quản lý, đào tạo vận động viên. Nếu không, nguy cơ tụt hậu đã hiển hiện ngay trước mắt.