Với kết quả này, ĐTVN đã thua cả 2 trận ở giải giao hữu trong tháng 9, song điều đáng quan tâm hơn cả là hình hài và lối chơi của ĐTVN ra sao dưới thời của tân HLV Kim Sang-sik.
Khác với tuyển Nga có đẳng cấp quá cao, ở giải giao hữu này, Thailand cất một loạt ngôi sao như Bumathan, Chanathip, Supachok ở nhà, thay vào đó là những cầu thủ trẻ có thể coi như đội hình dự bị, gồm cả một số lần đầu tiên khoác áo tuyển quốc gia. Thế nhưng những thiếu hụt ấy không ngăn cản tuyển Thái có được thế trận kiểm soát bóng chủ động trong suốt cả hai hiệp đấu. Diễn biến thực tế trên sân cho thấy các cầu thủ Việt Nam thua trong các pha tranh chấp tay đôi, hàng thủ đã không còn vững chắc và thường xuyên rối loạn mỗi khi Thailand tấn công, các cựu binh trụ cột đã không còn giữ được phong độ như 5 năm trước với những bước chạy thiếu độ rướn và nhiều đường chuyền hỏng. Cần nhắc lại rằng một trong những nguyên nhân khiến HLV Troussier bị sa thải là do không sử dụng những cựu binh nói trên, những cầu thủ mà mọi người cho rằng còn có thể thi đấu với hiệu quả cao. Thế nhưng thực tế cho thấy kinh nghiệm không đủ để bù đắp những mất mát về phong độ (và có thể là cả khát khao thi đấu) của lứa cầu thủ trụ cột từ thời HLV Park Hang-seo. Hay nói cách khác, việc HLV Kim Sang-sik gọi lại những cựu binh trụ cột chỉ nên là giải pháp tạm thời khi chưa có đủ thời gian tìm và thử nghiệm các gương mặt mới. Hãy nhìn chính đối thủ Thailand, trong suốt 5 năm qua họ vẫn đều đặn đôn cầu thủ trẻ lên tuyển quốc gia chứ không chỉ dùng mãi một lứa cầu thủ và hiệu quả ra sao thì chỉ cần nhìn trận giao hữu vừa qua là rõ.
Như chúng tôi đã đề cập ở những bài báo trước, với cách lựa chọn lực lượng hiện tại thì AFF Cup chỉ nên coi là một giải tập dượt với ĐTVN. Về lâu về dài HLV Kim Sang-sik phải tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ lên tuyển dù thành tích trước mắt có thể chưa như ý. Phát triển bền vững không thể dựa trên cách làm bóng đá theo kiểu “ăn xổi" được.