Xây dựng bóng đá từ gốc

Thời gian gần đây có một số ý kiến được đăng tải trên các phương tiện truyền thông liên quan đến việc đội tuyển bóng đá quốc gia (ĐTVN) nên sử dụng cầu thủ nhập tịch.
Chọn lọc, bồi dưỡng và tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ là hướng đi dài hơi của các nền bóng đá tiên tiến. Ảnh: MINH LÊ
Chọn lọc, bồi dưỡng và tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ là hướng đi dài hơi của các nền bóng đá tiên tiến. Ảnh: MINH LÊ

Nếu theo dõi thời sự về bóng đá nước nhà, dễ thấy những ý kiến nói trên bắt nguồn từ việc ĐTVN liên tiếp thất bại trên nhiều đấu trường trước Indonesia, đội tuyển có đến hơn một nửa đội hình là cầu thủ nhập tịch.

Thẳng thắn mà nói, thất bại của ĐTVN trước Indonesia có nguyên nhân chủ yếu từ việc sa sút phong độ của các cầu thủ trụ cột sau thời gian 5 năm thành công dưới thời HLV Park Hang-seo. Một nguyên nhân khác là lối chơi của ĐTVN cũng đã bị các đối thủ bắt bài và có giải pháp đối phó. Nhận diện những nguyên nhân ấy để thấy rằng, sử dụng cầu thủ nhập tịch không hẳn đã là chìa khóa để dẫn tới thành công. Trước Indonesia, từng có Singapore cũng đã ồ ạt sử dụng và gần như dựa hoàn toàn vào cầu thủ nhập tịch. Tuy nhiên sau thời gian ngắn thu được vài thành tích trước mắt, bóng đá Singapore giờ đây chỉ ở hạng trung bình yếu trong khu vực bởi những lỗ hổng không thể bù đắp do không quan tâm đúng mức công tác đào tạo lực lượng ở trong nước.

Ở đẳng cấp CLB, một cầu thủ nước ngoài có thể nay chơi cho đội này mai chơi cho đội khác, song khoác áo đội tuyển quốc gia là câu chuyện khác. Đó không chỉ là chuyện đòi hỏi cầu thủ nhập tịch phải biết hát quốc ca hay nói được dăm ba câu tiếng Việt mà khi đặt tay lên ngực, tuyển thủ quốc gia sẽ luôn có niềm tự hào và hạnh phúc được đại diện cho quốc gia đi thi đấu ở các đấu trường. Niềm tự hào và hạnh phúc ấy phải là quá trình rất lâu dài để thẩm thấu một cách sâu sắc văn hóa, con người, đất nước.

Cần làm rõ rằng, chúng ta cần cầu thủ nhập tịch để làm gì, để thắng một đối thủ nào đó trong ASEAN, để vô địch AFF Cup hay để vươn tới những cái đích xa xôi hơn? Vậy nên, dù trong trường hợp nào, nếu không chú trọng tới xây dựng nền móng là các thế hệ cầu thủ trẻ kế cận thì có thể nhận thấy rất nhiều bài học xương máu từ các đội bóng trong khu vực khi nhập tịch cầu thủ nước ngoài ồ ạt nhưng kết quả cuối cùng lại không được như mong muốn. Dĩ nhiên việc để cầu thủ nhập tịch có mặt trong đội hình ĐTVN sẽ phụ thuộc vào nhiều cơ quan chức năng nhưng rất cần nhớ rằng, phải xây dựng bóng đá “từ gốc” thay vì “ăn xổi”.