Hệ lụy chuyện bỏ giải

Đoạt Cúp quốc gia mùa vừa rồi, CLB Đông Á Thanh Hóa (cùng Thép Xanh Nam Định, nhà vô địch V.League) giành quyền đại diện cho bóng đá Việt Nam tham dự AFC Champions League Two (ACL2).
0:00 / 0:00
0:00
CLB Đông Á Thanh Hóa (trái) đã xin rút khỏi giải AFC Champions League Two. Ảnh: MINH LÊ
CLB Đông Á Thanh Hóa (trái) đã xin rút khỏi giải AFC Champions League Two. Ảnh: MINH LÊ

Tuy nhiên, đội bóng xứ Thanh đã xin rút khỏi giải. Lý do được đưa ra là Thanh Hóa không đủ chiều sâu lực lượng để “cày ải” tới 4 đấu trường trong một mùa (gồm V.League, Cúp quốc gia, Giải vô địch các CLB Đông Nam Á và ACL2).

Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, chưa từng có đội bóng nào dự cùng lúc nhiều giải như thế. Với một CLB chỉ xếp thứ 8 chung cuộc ở V.League như Thanh Hóa, điều này càng khó. Thêm nữa, chi phí di chuyển, thi đấu, đầu tư sân bãi... cũng là rào cản lớn khiến họ quyết định xin rút.

Về chuyện này, ông Dương Nghiệp Khôi, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho rằng, nếu dự ACL2, lịch thi đấu của Thanh Hóa sẽ quá dày, nên “không ép họ tham gia được”. Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) chấp nhận đơn xin rút của Thanh Hóa, nhưng không cho phép VFF cử đội khác thay thế. Việt Nam sẽ chỉ còn một đại diện duy nhất tại ACL2 là Nam Định.

Quyết định của CLB Đông Á Thanh Hóa nếu nhìn từ góc độ chuyên môn có thể thông cảm. Tuy nhiên, nó tạo ra nhiều hệ lụy xấu ảnh hưởng uy tín bóng đá Việt Nam trên đấu trường châu lục, cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của một đội bóng có vinh dự đại diện cho quốc gia. Không loại trừ khả năng “suất” dự cúp châu Á của Việt Nam sẽ bị AFC cắt giảm trong tương lai.

Chuyện các CLB vô địch trong nước không mặn mà với cúp châu lục, thậm chí coi đó như “gánh nặng” chẳng có gì mới. Hàng chục năm qua, bóng đá Việt Nam không có bất kỳ thành tích đáng kể nào ở các sân chơi này. Hai mùa AFC Champions League gần nhất, Hà Nội và Hoàng Anh Gia Lai đều bị loại ngay từ vòng bảng. Tại AFC Cup (tiền thân của ACL2), Hải Phòng cũng chung cảnh ngộ. Vì thế, chuyện Thanh Hóa bỏ giải trở nên nặng nề.

Nhiều người còn cho rằng, việc này đã tạo tiền lệ xấu. Sẽ ra sao nếu trong tương lai, mỗi CLB được dự cúp châu Á cứ thấy khó là... bỏ? Đã đến lúc chúng ta cần giải pháp cụ thể để các CLB vô địch giải trong nước thật sự nhìn nhận được vai trò quan trọng khi đại diện cho quốc gia trên đấu trường quốc tế.