Để có được một giải vô địch quốc gia mạnh, các giải hạng Nhất, hạng Nhì thường có số lượng đội bóng đông đảo nhằm chọn ra những đội chất lượng cao cho giải đấu hạng cao nhất (ở Việt Nam gọi là V.League). Các nhà quản lý bóng đá Việt Nam biết rõ điều đó nên ngay từ thời mới chuyển sang chuyên nghiệp hồi đầu những năm 2000, giải hạng Nhất đã luôn có số lượng từ 12-14 đội. Thế nhưng do cách tính theo lối “ăn xổi”, chỉ quan tâm đến thành tích trước mắt, nên đến mùa giải 2013, hạng Nhất chỉ còn 8 đội, thậm chí còn 7 đội ở mùa 2017. Có những lý giải cho rằng, với mức kinh phí theo quy định là 25 tỷ đồng cho một mùa bóng ở hạng Nhất trong khi lợi ích thu được khá “lèo tèo”, sẽ khó động viên được tinh thần xã hội hóa và các ông chủ tư nhân sẽ chỉ tập trung đầu tư vào V.League. Tuy nhiên đã có những tấm gương và bài học hữu ích về đầu tư bóng đá một cách bền vững và hiệu quả. Đơn cử trường hợp CLB Hà Nội FC. Khởi đầu từ bóng đá hạng Nhì, đội bóng này từng bước đi lên tới hạng cao nhất V.League và trở thành đội bóng thành công nhất trong lịch sử giải đấu với 6 chức vô địch. Để có được thành tích như thế, đội bóng không chỉ đầu tư vào việc mua cầu thủ giỏi mà đã có kế hoạch căn cơ, xây dựng được nhiều lứa kế cận có chất lượng cao.
Trở lại với giải hạng Nhất, có thể thấy trừ PVF-CAND, các đội còn lại hầu như không có tuyến trẻ, kể cả Đồng Tháp từng là một trong những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ nổi tiếng. Với bối cảnh như thế, chuyện đội bóng nào đó bỏ giải là điều có thể lường trước chứ không hẳn vì vấn đề kinh phí. Đầu tư cho hạng Nhất không khó nhưng đầu tư như Hà Nội FC và vài đội bóng khác đã làm thì đòi hỏi nhà đầu tư phải có tâm theo đuổi cách làm bóng đá bền vững. Hạng Nhất vẫn đang chờ có những nhà đầu tư như vậy.