Có khá nhiều thay đổi ở mùa giải này. Đầu tiên có thể kể đến là những thay đổi về cán cân lực lượng giữa các đội khiến cuộc đua trở nên khó lường khi có khá nhiều đội đã gia cố và tăng cường sức mạnh qua kỳ chuyển nhượng cầu thủ. Ngoài đương kim vô địch Nam Định mua sắm tới 7 ngoại binh, những cái tên khác được liệt kê trong danh sách ứng cử viên vô địch gồm Công an Hà Nội, Hà Nội FC, Bình Dương và Thể Công Viettel, trong đó đáng chú ý là Công an Hà Nội với dàn sao tuyển quốc gia như Quang Hải, Việt Anh, Văn Thanh, Philip Nguyễn... cùng một số ngoại binh chất lượng cao. Hà Nội FC cũng có lực lượng mạnh không kém và vị trí thứ 3 ở mùa trước có nguyên nhân từ sự bất ổn trên băng ghế huấn luyện chứ không phải do thực lực kém. Cũng liên quan tới vấn đề lực lượng, một điểm đáng chú ý năm nay là các đội sẽ được đăng ký nhiều nhất 2 suất cầu thủ nước ngoài gốc Việt Nam, đồng nghĩa với cơ hội được ra sân nhiều hơn cho các cầu thủ Việt kiều, vốn đang tăng lên theo từng năm cả về số lượng lẫn chất lượng. Thông tin đáng mừng ngay từ đầu mùa giải là việc các đội bắt đầu sử dụng rộng rãi cầu thủ trẻ, đơn cử như Hà Nội FC đăng ký tới 10 cầu thủ trẻ có độ tuổi từ 21 đến 24 tuổi. Thật ra đây cũng là thời điểm chín muồi để “lên sân khấu” của thế hệ kế tiếp lớp đàn anh ở tuyển quốc gia. Trong khâu tổ chức, với việc có đủ 4 xe VAR thì V.League giờ đây sẽ có 6 trên 7 trận đấu được áp dụng VAR, giúp trọng tài có những quyết định ít gây tranh cãi hơn.
Với bối cảnh về lực lượng năm nay, nhiều khả năng tình hình cũng sẽ không khác trước, nghĩa là sẽ khó có đội chiếm ưu thế rõ ràng cho đến tận cuối mùa giải. Điều đó tạo sức hấp dẫn và hứa hẹn có nhiều trận đấu nảy lửa thu hút khán giả cả nước.