Má Thị Di, nhân vật phim “Những đứa trẻ trong sương”:

Nếu tiếp tục có kéo vợ, tôi sẽ đứng ra tuyên truyền

Bộ phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” (tựa tiếng Anh Children of the Mist) của đạo diễn Hà Lệ Diễm tiếp tục được chú ý rộng rãi, được chiếu ở nhiều rạp trong nước. Phim nổi tiếng khiến cuộc sống của nhân vật nữ chính Má Thị Di (sinh năm 2004) nhận được nhiều sự quan tâm, tìm hiểu. Chị đã có cuộc trò chuyện với Thời Nay.
0:00 / 0:00
0:00
Ba mẹ con, bà cháu Di.
Ba mẹ con, bà cháu Di.
Nếu tiếp tục có kéo vợ, tôi sẽ đứng ra tuyên truyền ảnh 1

Phóng viên (PV): Cảm giác của chị và những người chung quanh khi được đạo diễn Hà Lệ Diễm ghi hình trong những quãng thời gian suốt ba năm như thế nào?

Má Thị Di: Thực ra lúc đầu chị Diễm nói quay để làm kỷ niệm nên tôi và những nhân vật trong phim không hề diễn một chút nào, tất cả đều rất tự nhiên như cuộc sống vốn có. Tất nhiên, với tôi, lúc đầu được quay thì cũng hơi ngại. Chị Diễm thỉnh thoảng mới lên nhà tôi và thường ở lại vài ngày, khi nào có hứng thì chị ấy lại mang máy ra quay. Cứ như thế công việc quay diễn ra trong suốt ba năm trời, khi tôi là đứa trẻ 14 tuổi đến khi là thiếu nữ 16 tuổi. Năm tôi lên lớp 10, tôi trở nên trầm tính, không thích nói chuyện, thậm chí còn hay cáu gắt và tôi cũng nói với chị là tôi không thích được quay nữa. Có lẽ nghĩ tôi đã trưởng thành nên chị ấy dừng công việc quay lại.

Còn với mọi người chung quanh tôi thì họ tỏ ra rất hào hứng, phấn khởi khi được quay. Ở chỗ tôi mọi người thường nghĩ khách du lịch chụp ảnh hay quay phim mình tức là sẽ mang đi “bán” hình ảnh và khi đó họ sẽ đòi tiền khách, riêng với chị Diễm thì không. Có những hôm chị ấy không lên, mọi người cứ hỏi tôi là khi nào chị lên? Khi nào thì được quay tiếp? Có hôm chị ấy lên và đi lễ hội, đi ăn cưới cùng tôi, mọi người cứ thắc mắc: “Hôm nay Diễm không mang máy quay đi à?”.

Có một chi tiết mà người xem cảm thấy thú vị là cảnh đám trẻ chúng tôi trêu đùa ném bùn đất vào nhau và vô tình tôi đã ném bùn đất vào ống kính máy quay. Khi ấy tất cả chúng tôi đều rất lo sợ máy quay sẽ bị hỏng, sợ chị Diễm giận và sẽ không quay cho chúng tôi nữa. Nhưng rồi chị ấy không giận mà còn cho rằng, đó là một chi tiết độc đáo, thể hiện sự chân thực, sinh động của bộ phim tài liệu.

PV: Trong bộ phim, Di là cô học sinh ngây thơ, có cả sự ương bướng và rất quyết liệt phản đối bạn trai khi bị “kéo vợ” còn hiện tại thì…?

Má Thị Di: Năm ngoái, khi học hết học kỳ 1 của năm lớp 12, tôi đã xin bảo lưu để lấy chồng. Có thể nhiều người thắc mắc về quyết định này của tôi và cho rằng có gì đó mâu thuẫn với ước mơ của tôi ở trong phim là được đi học. Nhưng không phải.

Nhà chồng tôi ở cùng địa bàn tại Sa Pa, Lào Cai, cách nhà tôi khoảng 3km. Anh ấy hơn tôi 7 tuổi và từng tốt nghiệp Trường đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên. Trong một lần đi làm, anh ấy bị tai nạn và tôi thường xuyên qua nhà để chăm sóc anh. Tình cảm nảy nở và chúng tôi quyết định kết hôn sau ba tháng hẹn hò, khi đó tôi đã đủ 18 tuổi. Khác với trong phim là tôi bị “kéo vợ” còn cuộc hôn nhân này hoàn toàn là tự nguyện, là nếp cưới văn minh. Trong năm học tới, tôi sẽ thu xếp để hoàn thành nốt chương trình THPT và trong tương lai khi con lớn, tôi mơ ước có thể theo học một trường đại học nào đó. Còn hiện tại tôi, mẹ tôi và chồng tôi đều sản xuất mặt hàng thổ cẩm và bán online.

PV: Chồng của Di có phản ứng gì khi xem bộ phim và biết được vợ mình đã từng bị “kéo vợ”?

Má Thị Di: Trong buổi chiếu phim đầu tiên ở Hà Nội, chồng tôi có xuống xem cùng tôi. Nói thật lúc đầu tôi vừa ngại, vừa sợ vì những câu chuyện trong phim tôi chưa kể với anh. Thế nhưng, trái lại với cảm giác của tôi, sau khi xem phim anh càng thương tôi hơn. Anh ấy khóc khi xem đoạn tôi và bạn tôi hát karaoke ở đám cưới vì khiến anh nhớ về cuộc sống nghèo khó của những đứa trẻ vùng cao mà anh từng trải qua. Rồi khi xem đoạn tôi trách móc bạn trai khi bị “kéo vợ” thì anh lại cười bảo: “Sao em có thể “ác” như thế?”.

PV: Từ câu chuyện quay để làm kỷ niệm đến hiện tại bộ phim đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng và nhiều người trong phim được biết đến. Điều này có làm bố mẹ chị và những người chung quanh bất ngờ?

Má Thị Di: Mọi người đều rất bất ngờ vì sự lan tỏa của bộ phim. Khi phim được chiếu ra nước ngoài, những người chung quanh đều nghĩ gia đình tôi sẽ được nhiều tiền mang về, nhưng không phải vậy. Tôi, mẹ tôi thấy áp lực và đôi khi thấy khó chịu khi không biết phải giải thích thế nào. Còn bố tôi thì biết tiếng Việt, lại chơi Facebook nên ông không hài lòng khi mọi người bình luận trên mạng là bố tôi vũ phu, là con ma nghiện rượu. Nói chung là cuộc sống gia đình tôi có rất nhiều thay đổi. Tôi được quan tâm nhiều hơn, bận rộn hơn, tôi phải dành thời gian nói chuyện với nhiều người, kể cả những người chưa hề quen biết.

PV: Có khi nào chị nghĩ mình nên tận dụng sự “nổi tiếng” đó để bán hàng thổ cẩm online?

Má Thị Di: Thực ra thì khi bộ phim lên sóng, nhiều người tìm đến tôi vì tò mò và khi biết tôi bán hàng thổ cẩm thì muốn mua ủng hộ tôi. Hiện nay gia đình tôi đang làm quần áo, khăn, túi, ví nhưng sau này tôi muốn làm khăn trải bàn, làm trang phục cho nhân viên nhà hàng với số lượng lớn. Vừa rồi, những chiếc áo chàm của gia đình tôi đã được khách hàng bên Paris (Pháp) đặt mua. Khách nhận được và nói đồ rất đẹp khiến tôi rất vui mừng. Và tôi nghĩ rằng từ sự “ủng hộ”, mọi người sẽ đặt mua vì mặt hàng gia đình tôi làm là hàng chất lượng và được làm rất công phu, tỉ mỉ.

PV: Sau khi bộ phim được phát sóng, theo chị quan sát thì tục “kéo vợ” của người H’Mông có còn tiếp diễn tại địa phương?

Má Thị Di: Tục “kéo vợ” vẫn đang tồn tại trong cộng đồng người H’Mông nhưng nó lại diễn ra theo một hình thức khác. Nếu như trước đây người con trai thích người con gái nào đó sẽ nói với bố mẹ, bạn bè của mình để cùng đi giúp đỡ. Còn hiện nay, các bạn trai chỉ rủ bạn bè của mình đi “kéo” và mang tính trêu đùa là chính. Như Tết vừa rồi, có một bạn nam rủ bạn bè của mình đi “kéo” một bạn nữ cho lên xe ô-tô nhưng đi được nửa đường thì bạn trai nói chỉ là “kéo”… đùa.

Điều đáng phê phán ở đây là mọi người chung quanh lại chỉ giơ điện thoại ra quay xem hành động của bạn nữ thế nào mà không hề ngăn cản. Năm tới nếu có vụ “kéo vợ”, tôi sẽ đứng ra tuyên truyền để mọi người có suy nghĩ, thái độ về một phong tục đã không còn phù hợp với đời sống mới.

PV: Hiện nay đạo diễn Hà Lệ Diễm và gia đình chị có thường xuyên giữ mối liên lạc?

Má Thị Di: Chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi, liên lạc thân tình. Bố mẹ tôi coi chị Diễm như người con gái trong nhà còn chị ấy thì coi bố mẹ tôi như bố mẹ của mình. Còn chúng tôi thì coi nhau như chị em ruột. Hiện nay, những người chung quanh tôi vẫn thường hỏi khi nào chị Diễm lên? Do bận rộn công việc, một năm chị ấy lên được mấy lần và mỗi lần chị ấy lên bố mẹ tôi thường chuẩn bị nhiều mâm cơm rồi gọi điện thoại cho họ hàng, hàng xóm đến chung vui.

PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!