Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó

Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV với khối lượng công việc lớn, hệ trọng, trong đó lấy phiếu tín nhiệm, phiên chất vấn và trả lời chất vấn, thảo luận về kinh tế xã hội thu hút được nhiều sự quan tâm của cử tri, nhân dân cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Ảnh | DUY LINH
Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Ảnh | DUY LINH

Thẳng thắn nhìn nhận tồn tại, hạn chế

Với tinh thần trách nhiệm cao, gần 500 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ chính kiến, đánh giá công tâm, khách quan trong lá phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả được công bố công khai vừa là áp lực vừa là động lực để người được lấy phiếu tín nhiệm nhìn nhận lại việc thực thi trách nhiệm công vụ, đồng thời là một “kênh” tham khảo cho công tác cán bộ. Những chức danh đạt nhiều phiếu “tín nhiệm cao” cho thấy sự động viên, khích lệ tiếp tục nỗ lực phát huy chức trách, những chức danh số phiếu “tín nhiệm thấp” còn nhiều đòi hỏi hành động quyết liệt, khắc phục tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực quản lý, điều hành, tạo bước chuyển tích cực hơn nữa.

Thêm một cuộc “sát hạch” quan trọng tại kỳ họp là Quốc hội thực hiện giám sát lại các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn thể hiện quyết tâm giám sát đến cùng những việc làm, lời hứa của các thành viên Chính phủ và các trưởng ngành. Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và 21 bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời chất vấn về 4 nhóm lĩnh vực: kinh tế tổng hợp-vĩ mô, kinh tế ngành, văn hóa-xã hội và tư pháp-nội chính-kiểm toán nhà nước. Với 152 lượt ĐBQH chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận, sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cùng tinh thần làm việc tập trung, quyết liệt, thẳng thắn, cầu thị, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đạt hiệu quả, mang tính xây dựng cao.

Câu hỏi ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm thể hiện đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng, phản ánh sinh động thực tiễn những vấn đề quốc kế dân sinh cử tri quan tâm như tái cơ cấu nền kinh tế, các chính sách đầu tư công, quản lý tài sản công; tiền tệ tín dụng ngân hàng, tiền lương và vị trí việc làm; tình trạng quy hoạch treo, dự án treo, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia, xử lý, thu gom chất thải rắn sinh hoạt... Các câu trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, phân tích, đánh giá thấu đáo thực trạng, nguyên nhân và đưa ra giải pháp và lộ trình khắc phục khả thi. Nội dung hỏi-đáp đi vào chiều sâu còn bởi sự điều hành khoa học, linh hoạt của chủ tọa; tranh luận sôi nổi, “đeo bám” đến cùng của các đại biểu dân cử để làm sáng tỏ căn nguyên tồn tại hạn chế, trách nhiệm, giải trình bổ sung, cầu thị tiếp thu của người trả lời chất vấn, từ đó có hướng tháo gỡ kịp thời.

Trước băn khoăn của ĐBQH Leo Thị Lịch (Bắc Giang) về giải pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa nhận ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thì việc thiếu lại nhiều hơn, nhất là bậc học mầm non, tiểu học và cần các giải pháp đồng bộ như sắp xếp, dồn dịch các điểm trường, chuẩn bị nguồn tuyển đầu vào, mặt khác các tỉnh khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên biên chế viên chức chủ yếu là giáo viên nên việc giảm biên 10% cần cân nhắc, không cào bằng một cách máy móc giống nhau ở các địa phương, một số vùng điều kiện kinh tế khá hơn, khả năng xã hội hóa tốt hơn cần chia sẻ với các tỉnh miền núi và khu vực khó khăn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của sắp xếp quy hoạch các trường, lớp và bố trí dân cư để đi kèm với đầu tư các hạ tầng xã hội, do đó tăng cường cơ chế, chính sách để huy động lực lượng giáo viên đào tạo tại chỗ cho vùng sâu, vùng xa. ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) và một số đại biểu đánh giá nội dung trả lời chất vấn đầy đủ, khoa học không né tránh, vòng vo và việc nhìn nhận thấu đáo căn nguyên tồn tại, có phương hướng, giải pháp khả thi phù hợp, khẩn trương đốc thúc, phát huy thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực góp phần hiện thực hóa lời hứa với cử tri.

Thấu hiểu, chia sẻ, ghi nhận những nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành, cử tri và nhân dân cũng kỳ vọng về những chuyển biến rõ nét của Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó ảnh 1
Đại biểu Quốc hội chất vấn tại nghị trường. Ảnh | DUY LINH

Kỳ vọng những chuyển biến tích cực

Năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, lĩnh vực xã hội, đời sống nhân dân cơ bản bảo đảm, an ninh, quốc phòng được giữ vững, công tác đối ngoại đạt nhiều thành tựu nổi bật, ước cả năm phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng còn không ít gam màu trầm. Thị trường bất động sản trầm lắng, số doanh nghiệp giải thể, phá sản nhiều, việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng được yêu cầu, nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, quy mô thu ngân sách có xu hướng thu hẹp so với giai đoạn trước, nhiều lao động mất việc làm, thu nhập sụt giảm, đời sống khó khăn...

Trăn trở với những khó khăn, thách thức, với tinh thần trách nhiệm cao, tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, các đại biểu cho rằng cần có giải pháp bứt phá, chú trọng tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trước mắt cũng như kiên định các mục tiêu dài hạn, nhất là trong bối cảnh tác động bất lợi từ bên ngoài và những yếu kém nội tại của nền kinh tế bộc lộ rõ nét hơn khi gặp khó khăn. Các ý kiến phong phú, toàn diện, sâu sắc, tâm huyết không chỉ đề cập, phân tích dưới góc nhìn đa chiều mà còn hiến kế, đề xuất ứng phó, tháo gỡ khó khăn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội như tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng hấp thụ của vốn, tiếp cận vốn tín dụng, cải thiện tình hình giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế phát triển, lưu ý các vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Đồng cảm với những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) kiến nghị tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa, tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp, ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) đề xuất Chính phủ thiết kế các gói tín dụng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh bởi doanh nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng còn ĐBQH Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho rằng cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế. Phản ánh nguyện vọng của cử tri tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đồng thời có cơ chế chi trả lại chi phí người dân tự bỏ tiền mua thuốc bên ngoài đối với những loại có trong danh mục được thanh toán bảo hiểm y tế. Ở khía cạnh khác, theo ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam),phải có chính sách đột phá, khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế đang là rào cản, nút thắt cản trở sự phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đòi hỏi đặt ra là cần tiếp tục thực hiện nhất quán tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ưu tiên bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), quan tâm thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các đầu tầu tăng trưởng của nền kinh tế. Hơn lúc nào hết cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, chung sức, đồng lòng, năng động đổi mới, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, tranh thủ và phát huy tối đa các cơ hội, tiềm năng phát triển, hạn chế thấp nhất những rủi ro, nguy cơ. Ý kiến của nhiều đại biểu còn cho thấy để thúc đẩy phát triển cần chú trọng hơn nữa vấn đề trách nhiệm và tinh thần đạo đức công vụ, đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.