Nâng tầm đối ngoại đa phương

Lần thứ hai được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam ghi dấu ấn đối ngoại quan trọng, khẳng định nỗ lực và trách nhiệm trên hành trình cùng cộng đồng quốc tế bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Với nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam khởi đầu chặng đường mới, tiếp tục thể hiện vai trò và đóng góp tích cực tại diễn đàn Liên hợp quốc, xứng với niềm tin và mong đợi của cộng đồng quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam thực hiện tốt cơ chế rà soát định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền.
Việt Nam thực hiện tốt cơ chế rà soát định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền.

ĐƯỢC thành lập ngay sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, Liên hợp quốc ra đời phản ánh khát vọng cao nhất của nhân loại là hòa bình. Cùng với an ninh, hòa bình và phát triển, vấn đề bảo đảm và thúc đẩy quyền con người cũng là một trong những trụ cột của Liên hợp quốc. Trong đó, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là cơ chế quan trọng nhất, là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy quyền con người ở các quốc gia trên thế giới; hoạt động trên cơ sở khách quan, tinh thần xây dựng, không thiên vị hay chọn lọc, không chính trị hóa hay đặt tiêu chuẩn kép.

Trong nhiệm kỳ đầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc giai đoạn 2014-2016, Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm và đóng góp có hiệu quả, thúc đẩy nhiều sáng kiến thể hiện dấu ấn quốc gia, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là tham gia Nhóm Nòng cốt tại Hội đồng Nhân quyền về biến đổi khí hậu và quyền con người, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua. Mối quan tâm và ưu tiên của Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xóa bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người...

Trong một loạt vấn đề còn có quan điểm khác biệt, Việt Nam đã đóng góp, kết nối hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người. Việt Nam cũng thúc đẩy đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền, giữa các nước, các tổ chức khu vực và các cơ chế của Liên hợp quốc nhằm giải quyết các mối quan tâm về các vấn đề liên quan nhân quyền, nhân đạo, bảo đảm Hội đồng hoạt động đúng nguyên tắc, không can thiệp công việc nội bộ các nước.

Kết quả tham gia, đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền, cùng thành tựu nổi bật trong nỗ lực bảo đảm và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam là cơ sở để Đại Hội đồng Liên hợp quốc tiếp tục bầu Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Theo Bộ Ngoại giao, những nội dung, quan tâm của Việt Nam trong nhiệm kỳ đầu tiếp tục là ưu tiên, định hướng hoạt động tham gia, đóng góp của Việt Nam trong nhiệm kỳ tới.

Với thông điệp "Tôn trọng và Hiểu biết - Đối thoại và Hợp tác", trong nhiệm kỳ ba năm tới, Việt Nam sẽ trực tiếp đóng góp vào hoạt động bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới. Cũng như tại các diễn đàn đa phương về quyền con người, tại Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam trên tinh thần đề cao các nguyên tắc, tôn chỉ, mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc, chức năng, nhiệm vụ và các cơ chế của Hội đồng Nhân quyền. Qua đó, tăng cường bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, đấu tranh chống bạo lực và phân biệt đối xử, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo đảm quyền con người trong ứng phó biến đổi khí hậu, trong thời đại chuyển đổi số. Đóng góp vào nỗ lực chung thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ thúc đẩy và bảo đảm quyền của người dân có việc làm thỏa đáng, được hưởng thụ giáo dục có chất lượng cao...

Việc trúng cử và đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 đã khẳng định chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là đặc biệt coi trọng và phát huy nhân tố con người trong tiến trình phát triển, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người và bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Đây cũng là bước tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII về nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò quốc gia tại các cơ chế đa phương, qua đó nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước.

NĂM 2023 đánh dấu mốc mới sau chặng đường 45 năm hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, đồng thời khởi đầu chặng đường mới để Việt Nam tham gia, đóng góp cho công việc chung của cộng đồng quốc tế. Với vị thế mới, mục tiêu và khát vọng phát triển mới, Việt Nam được bạn bè quốc tế đặt nhiều kỳ vọng, như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định "Việt Nam là một trong những thành viên không thể thiếu của Liên hợp quốc".