Nan giải bảo vệ bản quyền sách trên mạng

Theo nghiên cứu năm 2022 của Media Partners Asia, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số. Tính theo đầu người thì Việt Nam đứng đầu danh sách này với khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp, làm thất thoát khoảng 348 triệu USD…
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà xuất bản, đơn vị làm sách mong chờ nhiều giải pháp bảo vệ bản quyền trên không gian mạng.
Các nhà xuất bản, đơn vị làm sách mong chờ nhiều giải pháp bảo vệ bản quyền trên không gian mạng.

Nhiều hình thức vi phạm

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành, vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng hiện có ba hình thức phổ biến. Nhiều nhất là bán sách in giả, sách lậu trên các nền tảng thương mại điện tử, các mạng xã hội phổ biến. Nhiều cá nhân, tổ chức còn sử dụng các trang web, ứng dụng OTT được cấp phép, các trang web đăng ký tên miền và đặt sever tại nước ngoài… để cung cấp sản phẩm sách số vi phạm bản quyền. Có bên còn lợi dụng công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo để tạo ra các tác phẩm phái sinh nhưng không thực hiện theo quy định về quyền tác giả, quyền liên quan.

Đến nay, Việt Nam đã có 5 đơn vị ứng dụng sách nói được cấp phép. Tính tới đầu năm 2023, cả nước đã có 19/57 nhà xuất bản được cấp phép sách điện tử. Năm 2020 có 2.000 xuất bản phẩm điện tử được đăng ký nhưng đến 2022 đã tăng lên 3.350 xuất bản phẩm với ước tính khoảng 32,5 triệu bản. Nhưng nạn xâm phạm bản quyền trên không gian mạng ngày càng tinh vi hơn. Chỉ cần gõ cụm từ “tải ebook miễn phí” trên Google đã có trên 5 triệu kết quả. Việc 5 nhà cung cấp sách điện tử có bản quyền phải cạnh tranh không lành mạnh với hàng nghìn trang web cung cấp sách điện tử không bản quyền đã thể hiện rõ những bất cập trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty sách Thái Hà ngậm ngùi: nếu năm 2011-2012, một số cuốn sách của Thaihabooks bị sao chép trên mạng bằng hình thức phát tán bản scan, file PDF thì đến nay hơn 70% sách điện tử của đơn vị vừa phát hành trên hệ thống đã bị các đơn vị khác làm “lậu”. Mỗi tháng, Thaihabooks nhận một báo cáo chi tiết về tình trạng bị vi phạm bản quyền từ đối tác là Ứng dụng sách nói Fonos. Theo đó, các đầu sách nói được đầu tư bài bản của đơn vị này nhanh chóng bị hàng chục kênh phát hành sách điện tử, sách nói không có bản quyền phát tán không xin phép để trục lợi bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhiều nơi bán sách giả còn lập page, mở web với thông tin giới thiệu sách được “copy” hoàn toàn từ các đơn vị xuất bản. Có nơi còn ngang nhiên sao chép nội dung giới thiệu, chương trình bán sách từ các đơn vị chính thống rồi chỉnh sửa thông tin, phục vụ cho hoạt động thương mại trái phép trên không gian mạng.

Cần tăng tính răn đe

Là cây bút nổi tiếng, rất nhiều sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bị phát tán không phép trên mạng, bị in giả, in lậu. Nhà văn kể, có lần đến giao lưu với sinh viên một trường đại học, ông ngỡ ngàng khi nhận ra trong số sách các em đem đến xin chữ ký có gần phân nửa là… sách lậu. Trong trường hợp này nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ tìm cách từ chối hoặc tặng thiệp cho độc giả vì với ông “ký tên vào một cuốn sách giả, sách lậu chẳng khác nào thừa nhận tính hợp pháp của nó, tự nhiên trở thành đồng lõa với những kẻ làm sách lậu”.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mong mỏi: “Tôi hy vọng các nhà thực thi luật pháp nghiêm minh hơn và các nhà làm luật cần phải rà soát lại hành lang pháp lý để điều chỉnh tội danh và khung hình phạt đối với các đơn vị làm sách giả, sách lậu sao cho đủ sức răn đe. Nếu chỉ phạt 30 triệu đồng cho hành vi bất chính thu lợi tới 300 triệu đồng hoặc nhiều hơn nữa, con số nhỏ nhoi này giống khuyến khích hơn là trừng phạt. Và đối tượng làm sách giả, sách lậu sẽ không bao giờ chùn tay”.

Bà Phan Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc NXB Trẻ cho rằng, cần bổ sung thêm nhiều giải pháp mang tính cập nhật để ngăn chặn nạn xâm phạm bản quyền đang ngày càng phức tạp. Cần một cơ chế phối hợp chung giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ, các nhà mạng với các đơn vị xử lý vấn đề vi phạm bản quyền. Bên cạnh đó, cần một quy định pháp luật yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, doanh nghiệp quản lý các trang mạng xã hội thiết lập cơ chế lưu thông tin người dùng bằng căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ liên hệ và bắt buộc phải cung cấp những thông tin này cho cơ quan nhà nước khi có yêu cầu. Ngoài ra, cần quy trách nhiệm cho sàn giao dịch điện tử trong việc bảo đảm chất lượng, nguồn gốc hàng hóa và độ tin cậy của nhà cung cấp. Hiện nay, việc báo cáo sai phạm một gian hàng sách giả trên các sàn giao dịch thương mại điện tử rất khó khăn.

Từ tháng 7/2020 đến nay, Ứng dụng sách nói Voiz FM đã tháo gỡ hơn 30 nghìn nội dung vi phạm. Con số này rất nhỏ so thực trạng vi phạm bản quyền trên mạng. Theo đại diện Voiz FM, cơ quan quản lý cần phối hợp các nền tảng lớn và cắt quảng cáo đối với các nội dung vi phạm trên các nền tảng trực tuyến để giải quyết tận gốc vấn đề thay vì chỉ báo cáo gỡ bỏ lẻ tẻ.