Một hồn thơ tươi mới

(Đọc “Hoa đời mùa sau” của Nguyễn Hồng Vinh, NXB Hội Nhà văn 2023)
0:00 / 0:00
0:00
Một hồn thơ tươi mới

Đọc tập thơ thứ 12 vừa ra mắt độc giả qua NXB Hội Nhà văn mới đây mang tên: “Hoa đời mùa sau”, có thể khẳng định: Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh là một hồn thơ tươi mới, đáng quý, đáng trân trọng. Càng đáng quý và đáng trân trọng hơn khi giữa đời sống hiện đại này, con người ta nhìn chung ngày càng ít lãng mạn hơn, sống thực tế hơn và thực dụng hơn. Và trong một khoảng thời gian không dài, Nguyễn Hồng Vinh đã đến với thơ và thơ đã đến với Nguyễn Hồng Vinh đều đặn, thường xuyên như một lẽ tất yếu.

Cõi thơ vốn vô cùng. Đường thơ vốn không có lối. Trong cái vô cùng và không có lối ấy, người thơ phải tìm ra mình, tìm ra hướng đi cho mình. Cây nào thì rừng ấy. Nước nào thì sông ấy. Có phúc thì có phần. Có duyên thì có phận... Và tôi càng ngộ thêm điều này sau khi đọc nhiều bài thơ, nhiều tập thơ của Nguyễn Hồng Vinh.

“Hoa đời mùa sau” là tên một bài thơ và cũng là tên của cả tập thơ. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Hồng Vinh lại đặt tên đứa con tinh thần của mình như vậy! Tôi đã đọc kỹ, đọc chậm để cảm nhận được sức nặng của sự hàm ý sau một cách nói thật dung dị của bài thơ này.

Đời - cuốn sách nhiều trang

Chứa vui - buồn năm tháng

Văn là hồn gắn kết

Dòng suối mát gặp sông...

. . .

Trang sách đời chưa kết

Thơ vang khúc dạo đầu

Hạt ủ lâu trong đất

Nở hoa đời mùa sau...

Nếu lướt qua ở phần bề mặt (hiện tượng), ta có thể diễn xuôi: Đời là một cuốn sách nhiều trang chứa những năm tháng vui - buồn, còn văn là sự gắn kết, liền mạch và hanh thông. Nhưng nếu nhìn vào bề sâu (bản chất) thì sẽ là vậy, mà không hẳn vậy. Tất cả chưa kết thúc, mà mới chỉ là bắt đầu, khởi đầu. Vấn đề là “trang sách đời” vẫn còn lưu giữ trong lòng nó như hạt trong lòng đất và hứa hẹn “nở hoa đời” ở “mùa sau”. Hạt ở đây, có thể hiểu là hạt giống của tâm hồn, hạt giống của yêu thương, hạt giống của niềm tin. Rồi đương nhiên, từ hạt giống, sẽ phải liên hệ và mường tượng ra mầm cây, cái cây, hoa lá và quả chín sau đó. Nói một cách khác: Hạt chính là hiện tại, nhưng lại là tương lai của những đời cây sau này và những vòng chuyển hóa lại tiếp diễn không ngừng, không nghỉ... Nhìn vào hiện tại có thể hình dung ra tương lai. Những câu thơ không thể nói là không sâu sắc từ cách nghĩ, cách cảm của tác giả.

Sau “trang sách đời”, tác giả lại tiếp tục cái mạch nghĩ, mạch suy tưởng của mình: “Đời là chuỗi cộng trừ/ Với bao điều được mất” trong “Có bao giờ trọn vẹn”; còn trong “Tình ta mãi ấm” lại có hai câu: “Đời là vui - buồn nối nhau, hỡi em/Khi phượng tàn thì hoa ban nở”. Vui - buồn nối nhau, các mùa nối nhau, như khi hoa phượng tàn thì hoa ban nở. Riêng tình yêu thì lại khác và chỉ có tình yêu mới làm được điều ngược lại: “Dù giá lạnh mùa đông/Riêng tình ta mãi mãi ấm nồng”...

Cùng với “mãi mãi ấm nồng”, người đọc còn bắt gặp “hơi ấm bàn tay” trong “Phận người bên một dòng sông”. Chuyện này xảy ra trong những năm đất nước đang chiến tranh, một người lính vào Trường Sơn trận mạc. Kỷ niệm anh mang theo duy nhất là “Hơi ấm bàn tay trước lúc lên đường”. Vậy là sự ấm nồng nói chung và hơi ấm bàn tay nói riêng đã trở thành hành trang và sức mạnh tinh thần trong con người Nguyễn Hồng Vinh một thuở.

Trong “Hoa đời mùa sau”, ta bắt gặp những khoảnh khắc thơ của Nguyễn Hồng Vinh đầy băn khoăn, ngẫm ngợi, tiếc nuối đến xót xa. Đọc những câu thơ dưới đây trong “Tiết thanh minh, nhớ lại...”, ta không thể không động tâm và đồng cảm với ông: “Một thời bùi ngùi sống lại trong tôi/Cả thời hoa niên/Bao buồn vui, đắng đót/ Đã trôi theo con nước Châu Thành” và cả những kỷ niệm về mẹ, tấm gương sống, bản lĩnh sống từ mẹ qua lời dạy của mẹ trong “Tẽ ngô - đời mẹ”: “Vững bước đi con, chớ bao giờ gục ngã”. Lời dạy ấy cô đọng và cũng khúc chiết tựa như dao chém đá vậy!

Là người bao dung, nhân bản..., Nguyễn Hồng Vinh luôn nghiêng về những phận người đơn lẻ, không may mắn. Đó là phẩm chất hàng đầu của mỗi nhà thơ. Đó là con đường của trái tim đến với trái tim. Con đường này chắc chắn là con đường ngắn nhất từ trong tâm cảm. Bởi thế trong “Tiếng đời”, ông mới viết và đặt ra câu hỏi: “Em đã đếm bao tràng hạt/Đọc nghìn trang sách thánh kinh/Sân chùa mênh mang trầm mặc/Mà sao chẳng thoát bụi trần?”.

Ôm trùm lên tất cả trong “Hoa đời mùa sau” vẫn là thơ viết về tình yêu, cho tình yêu. Có thể kể tên: “Trò chuyện cùng hoa”, “Khi xa em”, “Vẫn vẹn nguyên...”, “Có thể thế chăng?”... Nhìn chung, mỗi bài thơ có một xuất phát khác nhau, mang một tâm trạng khác nhau, gửi gắm những thông điệp khác nhau ở nhiều cung bậc.

Đây là nỗi đằng đẵng, nỗi khắc khoải đợi chờ, nhớ mong không dứt: “Xa em mới hơn tuần/Đêm dài như trăm năm/Gió lùa qua khe cửa/Nửa chăn vẫn dành em...”. Câu “nửa chăn vẫn dành em”, một lần nữa khẳng định cái nỗi nhớ, đợi chờ là một; là sự gắn bó hữu cơ trong tình yêu.

Rồi sự xa cách của tình yêu cũng nhuốm màu bi lụy, khiến mọi cảm nhận chủ quan cũng thay đổi theo, kiểu “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”: “Bằng lăng như bớt tím/Cánh lan trắng chuyển màu/Một con chim lẻ bóng/Nháo nhác bay qua đầu...”. Có lúc, tình yêu trong thơ Nguyễn Hồng Vinh mang một vẻ đẹp mong manh. Hình như trong tình yêu, càng đẹp thì càng đáng nhớ và càng đẹp thì càng mong manh: “Nhìn hoa đơm trắng tán cây/Hoa ơi, còn nở những ngày năm sau?”. Có lúc, tình yêu trong thơ Nguyễn Hồng Vinh như để gửi gắm, như để nối dài sự đồng điệu và hết mình vì nhau: “Hạnh phúc là sẻ chia/Những nỗi niềm nhân thế/Sống dâng hiến vì nhau/Trái tim không sứt mẻ”. Có lúc, tình yêu phải trải qua thử thách. Nếu “đời mỗi người như sông”, trong khi cái vạn biến là “Lúc ầm ào cuộn sóng/Khi lững lờ nước cạn” thì cái bất biến vẫn là “Giữ cho tâm cân bằng”. Viết về tình yêu như thế cũng là viết đến cái cốt lõi của nó một cách chân thành nhất, gan ruột nhất.

Triết lý về tình yêu, cũng là cái hay của Nguyễn Hồng Vinh. Đây là những câu thơ khác lạ, rất rành mạch, rõ ràng, mà không khô khan và cũng không dễ viết, ngỡ không em thì không còn gì nữa. Rồi như hồn nhiên mà có thơ, cứ như thơ tự tìm đến người viết:

Cái hữu hạn đã thành vô hạn

Cái vô hạn như lại bị đóng khung

Bao giấc mơ nâng giấc đời anh

Bỗng tan vụn vì bóng em xa ngái...

Trong bài thơ “Mạn thuật 8” (“Quốc âm thi tập”) của Nguyễn Trãi có câu: “Thân đà hết lụy thân nên nhẹ”. Như vậy, có thể hiểu: Sống ở đời, phụ thuộc vào bất kỳ ai, bất cứ cái gì, đều rất dễ bị dính vào vòng hệ lụy thì đều bị cương tỏa và tất cả trở nên nặng nề. Tốt nhất là nên thoát khỏi nó, không vướng bận vào nó. Ở cõi đời cũng thế, mà ở cõi thơ cũng thế! Đáng mừng là qua “Hoa đời mùa sau”, khi làm thơ, Nguyễn Hồng Vinh đã không lụy vào hình thức. Chính nội dung mới đẻ ra hình thức. Ông muốn viết một cách tự nhiên, chân thành và biến chúng thành thế mạnh và sở trường của mình. Vì lẽ ấy mà thơ ông ngày một thanh thoát hơn, bay bổng hơn.

Nồng nhiệt chúc mừng tập thơ “Hoa đời mùa sau” kết tinh sự lao động nghệ thuật bền bỉ, sáng tạo không ngưng nghỉ; và theo hướng đó, chúng ta hy vọng Nguyễn Hồng Vinh sẽ tiếp tục cho ra mắt những mùa “hoa đời” rực rỡ sắc màu!

Hà Nội, tháng 10/2023