Mong sớm phát huy giá trị Đồi Văn hóa kháng chiến

Đồi Văn hóa kháng chiến (tức Đồi cháy) thuộc thôn Cầu Đen, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang từ lâu đã được biết đến là nơi nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng về hoạt động, sáng tác phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp. Trung tâm Quy hoạch xây dựng Bắc Giang từng được UBND tỉnh Bắc Giang giao lập Quy hoạch chi tiết xây dựng khu di tích Đồi Văn hóa kháng chiến xã Quang Tiến, huyện Tân Yên (tỷ lệ 1/500), đồ án quy hoạch đã được giải khuyến khích Giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia. Kiến trúc sư Hoàng Oanh Trường, Phó giám đốc trung tâm, người phụ trách việc lập đồ án chia sẻ với Thời Nay.
0:00 / 0:00
0:00
Phối cảnh, hiện trạng và thiết kế một số công trình tại khu di tích Đồi Văn hóa kháng chiến (Bắc Giang).
Phối cảnh, hiện trạng và thiết kế một số công trình tại khu di tích Đồi Văn hóa kháng chiến (Bắc Giang).
Mong sớm phát huy giá trị Đồi Văn hóa kháng chiến ảnh 1

Phóng viên (PV): Thưa kiến trúc sư Hoàng Oanh Trường, những lý do nào thôi thúc việc lập quy hoạch cho địa chỉ Đồi Văn hóa kháng chiến?

Kiến trúc sư Hoàng Oanh Trường: Nhắc đến cụm từ “Đồi Văn hóa kháng chiến”, đủ để chúng ta thấy ý nghĩa của địa chỉ, địa danh đặc biệt này. Theo các nguồn tư liệu đã được công bố rộng rãi, thì sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, các cơ quan văn hóa, văn nghệ cùng nhiều đoàn thể tản cư vào vùng núi phía bắc. Ấp Cầu Đen là một trong những địa điểm đón các văn nghệ sĩ. Lúc đầu có Kim Lân, Đỗ Nhuận, Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng. Về sau có thêm các họa sĩ Tạ Thúc Bình, Trần Văn Cẩn. Sau này, các văn nghệ sĩ như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Tú Mỡ, Nam Cao, Vân Đài cũng thường xuyên qua lại. Năm 1954 hòa bình, các văn nghệ sĩ ở làng văn nghệ kháng chiến về Thủ đô. Bốn năm sau, nhà văn Nguyên Hồng lại đưa cả gia đình quay lại định cư.

Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, đáng lưu nhớ trong lịch sử văn nghệ đất nước, là nơi thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, nơi một số nhà văn được kết nạp Đảng. Đây cũng là nơi nhà văn Ngô Tất Tố đã qua đời. Tại khu đồi này, hàng loạt tác phẩm văn học bất hủ phục vụ kháng chiến đã ra đời. Đây cũng là nơi khởi thảo cho số báo Văn nghệ ra đời năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc... Khu di tích Đồi Văn hóa kháng chiến đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích.

PV: Di tích này đang và sẽ được phát huy giá trị như thế nào?

Kiến trúc sư Hoàng Oanh Trường: Theo chúng tôi khảo sát, hiện khu di tích chỉ còn lại khu lưu niệm nhà văn Nguyên Hồng do gia đình người con trai thứ hai của nhà văn trông nom và khu mộ của ông bên vạt suối Cầu Đen.

Khu vực lập quy hoạch khu di tích Đồi Văn hóa kháng chiến gồm quần thể khu đồi, suối Cầu Đen, đồng ruộng, làng mạc tạo nét sơn thủy hữu tình, có hệ thống cây xanh bóng mát, cảnh quan hài hòa. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn nhất định như toàn bộ khu vực Đồi Văn hóa kháng chiến hiện chưa được lập dự án đầu tư; cơ sở hạ tầng, các dịch vụ, hệ thống giao thông chưa đáp ứng yêu cầu. Đáng lo là quần thể di tích trong khu vực và vùng phụ cận phần lớn đã thành đất ở của dân...

PV: Theo anh, đâu là những thuận lợi và đòi hỏi trong việc phát huy giá trị khu di tích?

Kiến trúc sư Hoàng Oanh Trường: Cùng với mục đích bảo tồn, giáo dục truyền thống ở một địa chỉ văn hóa rất quan trọng trong kháng chiến, thì việc giữ gìn, khai thác một cách khoa học sẽ góp phần tạo dựng hình ảnh khu du lịch sinh thái hướng tới phát triển bền vững; trở thành trung tâm kết nối các không gian khác trong khu vực. Cùng với đó, không thể không nhắc đến khả năng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương, nâng cao hệ thống hạ tầng kỹ thuật và cải tạo cảnh quan.

Để làm tốt những việc trên, chúng tôi cho rằng, cần phải có nguồn lực đầu tư lớn và đa dạng; tạo dựng được không gian văn hóa, bản sắc kiến trúc và lối sống có đặc trưng gắn với sự phát triển của địa phương. Cùng với đó, phải dự báo và giải quyết được khả năng xung đột giữa lựa chọn phát triển bền vững và phát triển kinh tế với nguy cơ ảnh hưởng môi trường. Ngoài ra, cần phải xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp mật độ dân số, cũng như kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật với khu vực hiện hữu và các dự án lân cận.

PV: Anh có mong muốn gì về việc xúc tiến các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn lâu dài khu vực này?

Kiến trúc sư Hoàng Oanh Trường: Khu di tích đã được đưa vào định hướng phát triển du lịch của tỉnh Bắc Giang tầm nhìn đến năm 2030. Đồi Văn hóa kháng chiến còn có vị trí đặc biệt, kết nối với các di tích quan trọng khác khi cách đình Tỉnh Đạo 1km, cách Khu di tích Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân 2,5km, cách Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế 8km... Cảnh quan và môi trường nơi đây được gắn kết hài hòa, là nơi có tiềm năng để tổ chức các hoạt động về nguồn và sinh hoạt nghệ thuật của giới văn nghệ sĩ; phát triển du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái cho công chúng. Rất mong thời gian tới, việc triển khai quy hoạch cùng các công tác phục vụ cho mục đích nhân văn trên sẽ được thúc đẩy.

PV: Xin cảm ơn anh!