Mồ hôi của người, nụ cười của lúa

Dẫu giá lúa vẫn còn bấp bênh, nhưng lão nông Bảy Quý (Hậu Giang), vẫn trân trọng nâng niu, chăm sóc các giống lúa OM (Ô Môn). Ông Bảy biết, các giống lúa, để đến được tay người nông dân, đều là tâm huyết của các nhà khoa học Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - những "bà đỡ" giúp người nông dân nơi đây tạo nên thế đứng của vựa lúa hôm nay.

Ông Danh Văn Dưỡng (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang) kiểm tra giống gieo sạ HNOE - "viên hồng ngọc" trên vùng đất Phù Nam xưa.
Ông Danh Văn Dưỡng (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang) kiểm tra giống gieo sạ HNOE - "viên hồng ngọc" trên vùng đất Phù Nam xưa.

Ngọt - đắng trên đồng

Nhà của lão nông Lâm Ngọc Quang (Bảy Quý) nằm cạnh kinh xáng Xà No. Lão nông Bảy Quý và các "chiến hữu" trong câu lạc bộ sản xuất lúa giống là @t Riềng, Năm Hạnh, Tám Tán, Tư Bốn, @t Lập... ngày đêm họp bàn tìm đầu ra cho các giống lúa OM 5930, OM 2517, OM 4498, OMCS 2000... (OM-viết tắt của chữ Ô Môn do Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu, sản xuất). Tất cả những giống lúa này là công sức của các nhà khoa học Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu, lai tạo, rồi được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công nhận và cung cấp cho nông dân trong vùng sản xuất.

Lão nông Bảy Quý năm nay 67 tuổi, với hơn 20 năm trong nghề sản xuất giống. Ông và các "chiến hữu" là những người hiểu được giá trị của vùng đất và cả những ngọt-đắng của nông dân trồng lúa ở ĐBSCL. Dấu ấn của Bảy Quý là sản xuất, cung ứng cho nông dân hơn 3.000 tấn lúa giống chất lượng cao, kháng sâu bệnh, chịu phèn... của các nhà khoa học ở Viện Lúa.

Ngược thời gian mấy chục năm về trước, khi còn làm lúa một vụ (lúa mùa), khi sa mưa (khoảng tháng tư) nông dân bắt đầu cày đất, gieo mạ, rồi cấy lúa... chờ đến Tết Nguyên đán mới thu hoạch.

Hồi ấy, nông dân chỉ làm lúa mùa, một vụ/năm. Nhiều nông gia rơi vào cảnh túng đói. "Nếu không có giống lúa OM và OMCS (Ô Môn cực sớm) do các nhà khoa học Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu thành công, tui chỉ sợ thời gian nông dân thiếu đói vẫn còn dài..." - lão nông Bảy Quý tâm sự.

Từ "ba giảm, ba tăng" đến "né lũ, né rầy"

Năm 2003, lão nông Bảy Quý là một trong những người đầu tiên thực hiện chương trình "ba giảm, ba tăng" ở huyện Vị Thủy. "Ba giảm" là: giảm lượng giống gieo sạ; giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh; giảm lượng phân đạm. Còn "ba tăng": tăng năng suất lúa; tăng chất lượng lúa gạo; tăng hiệu quả kinh tế.

Nói nghe đơn giản, nhưng để có được "bốn chữ vàng" đó là cả một công trình nghiên cứu, xuất phát từ những trăn trở của các nhà khoa học. TS Phạm Văn Dư, Cục Phó Cục Trồng trọt, được mệnh danh là "cha đẻ" của nhiều tiến bộ KH-KT. Sau nhiều năm lăn lộn với ruộng đồng và tìm hiểu thói quen canh tác của nông dân trồng lúa, TS Dư nhận ra: Nông dân sạ lúa rất dày (họ nghĩ sạ càng nhiều càng tốt), bón phân cỡ nào cũng được... Đó là một sai lầm nghiêm trọng, vừa lãng phí vừa không hiệu quả.

Từ đó, TS Dư và các nhà khoa học ở Viện Lúa đề xuất với Viện lúa Quốc tế (IRRI) để họ đồng ý hợp tác triển khai chương trình "ba giảm, ba tăng". "Nông dân chỉ cần câu "sờ-lâu-gần" (sologan, khẩu hiệu) ngắn gọn, nếu nói ba giảm thì khó thuyết phục, cần phải cho họ thấy tính hiệu quả, nên phải nói thêm ba tăng" - TS Phạm Văn Dư tâm sự.

Chương trình "ba giảm, ba tăng" nhanh chóng được Bộ NN&PTNT công nhận là một giải pháp công nghệ theo xu hướng chung của thế giới về việc nghiên cứu ứng dụng giảm thiểu sử dụng phân, thuốc nhằm hạn chế các tác động xấu đến môi trường, tăng lợi nhuận cho nông dân. Một phép tính đơn giản, năm 2009, ĐBSCL có hơn 780 nghìn ha, với hơn 600 nghìn nông dân tham gia chương trình "ba giảm, ba tăng", gần bằng 1/4 diện tích sản xuất lúa cả vùng trong năm. Nếu lấy con số này nhân với hơn 3,5 triệu ha đất sản xuất, nông dân ĐBSCL sẽ có thêm hơn 15 nghìn tỷ đồng/năm...

Cách đây gần tám năm (tháng 3-2006), dịch rầy nâu lan rộng và tấn công hầu hết trà lúa hè thu sớm ở ĐBSCL, gây thiệt hại gần một triệu tấn lúa. Đến tháng 10-2006, Bộ NN&PTNT phải công bố dịch bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá tại ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ.

Đồng cảm với khó khăn, dịch bệnh trên lúa, TS Phạm Văn Dư đã cùng các nhà khoa học hàng đầu ở Viện Lúa ĐBSCL và các tỉnh đã ngày đêm bắt tay bám đồng ruộng, bắt đầu "cuộc chiến" với rầy nâu. Và giải pháp gieo sạ đồng loạt để né rầy đã "giải vây" cho hàng triệu nông dân trồng lúa. Đây cũng là giai đoạn hệ thống bẫy đèn ở ĐBSCL được hình thành và hoạt động rất mạnh với hơn 250 bẫy đèn phân bố đều ở các tỉnh để theo dõi mật số rầy nâu...

Kết quả thu được khá hiệu quả. Tháng 3-2009, Cục Bảo vệ thực vật đã công nhận "giải pháp gieo sạ đồng loạt né rầy trên diện rộng để phòng bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá ở ĐBSCL" và "biện pháp mạ mùng né rầy trong sản xuất lúa giống các cấp" là tiến bộ kỹ thuật. Khó tính hết giá trị kinh tế của những biện pháp này, bởi không chỉ duy trì sản lượng gạo xuất khẩu, chúng còn góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước, trước mối đe dọa tràn lan của rầy nâu trên trà lúa ở nhiều quốc gia.

Từ việc "né rầy", những nông dân ở An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang... liên tưởng đến dấu ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong việc nêu ra ý tưởng giống lúa "né lũ"! Hơn 15 năm trước, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ra ý tưởng về giống lúa ngắn ngày - né lũ. Và các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL cũng đã "lãnh ấn tiên phong", cho ra đời một "xê-ri" giống lúa OMCS (Ô Môn cực sớm) để né lũ.

Mồ hôi và thương hiệu

Mồ hôi của các nhà khoa học hàng đầu ở Viện Lúa ĐBSCL như GS, TS Nguyễn Văn Luật, GS, TS Bùi Chí Bửu (nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL), GS, TS Nguyễn Thị Lang, TS Dương Văn Chín... đã tạo nên "thương hiệu" của các giống lúa ngắn ngày (90-100 ngày). Đây là dấu mốc để nông dân tăng vòng xoay đất (sản xuất từ hai đến ba vụ/năm) và tăng sản lượng, đưa Việt Nam từ một nước thiếu đói đến xuất khẩu gạo đứng nhất, nhì thế giới.

"Những giọt mồ hôi của các nhà khoa học đã không chỉ tạo nên các giống lúa ngắn ngày, mà còn tạo ra những quy trình trồng lúa thích nghi cho bảy vùng sinh thái khác nhau của ĐBSCL (các giống lúa chịu được độ mặn là 4%). Trong tương lai gần, Viện sẽ nâng mức độ chịu mặn lên 6%" - TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL tự tin khẳng định.

Gần đây, nhật báo hàng đầu của Thụy Sĩ "Le Temps" (Thời đại) đã có bài viết về những đóng góp của GS, TS Nguyễn Thị Lang (Viện Lúa ĐBSCL) vì những công trình nghiên cứu, tạo những giống lúa chống chọi với những điều kiện môi trường khắc nghiệt hay dịch bệnh. Bài báo dành nhiều lời khen ngợi cho tác giả tạo ra các giống lúa vừa có khả năng chịu mặn tốt, vừa cho năng suất cao. Đây là những tiến bộ khoa học cực kỳ quan trọng vì hiện ĐBSCL có hơn 700 nghìn ha đất trồng lúa bị nhiễm mặn.

Khi những ngày cuối cùng năm 2013 khép lại, ngành nông nghiệp Việt Nam đón thêm tin vui: Nông dân ĐBSCL tiếp tục tạo nên "kỳ tích", khi sản lượng lúa đạt ngưỡng 25 triệu tấn, tăng gấp sáu lần so với năm 1976 (bốn triệu tấn). Thế đứng vựa lúa ĐBSCL vẫn tiếp tục được củng cố, và càng lúc càng phát triển mạnh mẽ - niềm hạnh phúc chung của cả các nhà khoa học Viện Lúa lẫn những "lão nông tri điền".

Tờ "Le Temps" viết: "Viện Lúa ĐBSCL đã cho ra đời rất nhiều giống lúa lai tạo, như AS996, có khả năng chịu mặn cao hơn thông thường. Những giống lúa này được trồng ở nhiều khu vực duyên hải Việt Nam và thậm chí được thử nghiệm tại Băng-la-đét".

"Đến nay, hơn 140 giống lúa do các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu được Bộ NN&PTNT công nhận chính thức. Trong đó, có khoảng 70-80% giống lúa nông dân ĐBSCL đang sử dụng do Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu, cung cấp".