Lại thêm việc điện bị cắt luân phiên khiến nhu cầu “giải nhiệt” của người dân tăng cao. Với cư dân đô thị, việc bỏ tiền để đến bể bơi có lẽ là bình thường nhưng với người dân nông thôn điều này vẫn chưa phải là suy nghĩ của đa số. Việc tìm đến các hồ đập rộng rãi có làn nước tương đối sạch sẽ vẫn là lựa chọn của rất nhiều người.
Những ngày này, khu vực đập Quán Trăn (xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, Hà Nội) lại trở nên đông đúc. Nơi đây có không gian thoáng đãng, rộng rãi nên rất nhiều người, đủ mọi lứa tuổi từ các xã lân cận tìm đến để đạp xe, đi bộ, tập thể dục quanh hồ. Có nhiều đoàn bày tiệc nướng ven bờ hồ nước để tận hưởng không gian thoáng mát của con đập. Bởi thế lượng rác thải do họ xả ra không phải là nhỏ, nếu không thu gom kịp thời thì rất dễ xảy ra ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, mỗi buổi sáng và chiều, người dân đến đây bơi lội tạo nên một không khí náo nhiệt. Chính quyền địa phương cũng đã có biển báo khuyến cáo người dân không nên bơi lội ở đây nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn và mỗi năm lại đông thêm. Nhiều người bất chấp biển cấm, không mặc áo phao và bơi ra rất xa, chủ quan vì cho rằng, mực nước hồ năm nay xuống thấp không có gì nguy hiểm. Mới đây, đáng tiếc vừa có một vụ đuối nước thương tâm - một em học sinh lớp 10 thiệt mạng, hầu như năm nào cũng có một trường hợp như vậy xảy ra.
Các địa phương cần nhân rộng mô hình xây mới, cải tạo, làm sạch các ao hồ sẵn có trên địa bàn mình thành các điểm bơi lội an toàn có người cứu hộ để cho tất cả mọi người có điều kiện rèn luyện kỹ năng bơi, được bơi lội giải nhiệt mà vẫn bảo đảm sức khỏe, hạn chế sự cố nguy hiểm xảy ra. Làm được điều này chắc chắn cần sự đồng thuận rất lớn từ chính quyền địa phương cũng như ý thức và sức người, sức của từ người dân. Đây rõ ràng là một vấn đề cần thiết phải được triển khai càng sớm càng tốt để không phải chứng kiến những câu chuyện đau lòng nữa.