Luật sẽ "đẩy thuyền"

Không chạy theo tiến độ, Quốc hội đã quyết định không thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4 để có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Nhưng cũng không thể trì hoãn lâu hơn nữa trước những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: DUY LINH
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: DUY LINH

Rà soát cơ chế tự chủ

Tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đang diễn ra), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét điều kiện để trình Quốc hội thông qua dự án Luật này vào kỳ họp bất thường, dự kiến diễn ra từ ngày 5 đến ngày 10/1/2023.

"Trình sớm, được Quốc hội thông qua thì các cơ quan có thêm thời gian khoảng nửa năm so với dự kiến để hoàn thiện, ban hành các nghị định, các văn bản hướng dẫn", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.

Sau khi Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, một số vấn đề quan trọng trong dự thảo vẫn chưa đạt được đồng thuận cao. Đó là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường liên quan đến xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; cơ chế tự chủ tài chính của bệnh viện công; giá dịch vụ y tế… Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở y tế; Hội đồng Y khoa quốc gia; ứng dụng công nghệ thông tin; thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh... cũng là những vấn đề lớn cần được làm rõ.

Trong đó, cơ chế tự chủ tài chính của bệnh viện công được coi là một trong những vấn đề then chốt. Có chuyên gia đã ví von rằng, nếu coi bệnh viện được giao tự chủ như chiếc thuyền trên sông, thì hiện tại không ít thuyền đang "mắc cạn". Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 15/9/2019 của Chính phủ trao cơ chế thí điểm tự chủ toàn diện cho bốn bệnh viện thuộc Bộ Y tế gồm Bạch Mai, Việt Đức, K, Chợ Rẫy. Thực tế mới có hai bệnh viện thực hiện thí điểm là Bệnh viện K và Bạch Mai, nhưng đến tháng 8/2022, khi kết thúc thời gian thí điểm, cả hai bệnh viện này đều xin dừng tự chủ toàn diện mà chuyển sang tự chủ chi thường xuyên, thừa nhận sự thất bại trong tự chủ toàn diện. GS, TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cho biết, khi thực hiện tự chủ toàn diện ở bệnh viện này, cơ hội rất nhiều, song thách thức còn lớn hơn, bởi "có tới 18 thách thức chứ không phải ít". Nếu có cơ chế phù hợp thì cũng phải 3-5 năm nữa bệnh viện mới có thể chuyển sang hình thức tự chủ toàn diện.

Phát biểu thảo luận góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu đang công tác trong ngành Y tế, chia sẻ quan điểm cho rằng cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện phát huy hết tiềm năng, lợi thế vốn có của mình. Việc ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được kỳ vọng là "lực đẩy" quan trọng để giúp những chiếc thuyền đang "mắc cạn" tiếp tục hành trình một cách êm thuận, hiệu quả.

Công khai là sức mạnh lớn nhất

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Tờ trình mới nhất về dự án Luật được Chính phủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tổ chức triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là chủ trương nhất quán của Đảng. Các cơ chế, chính sách về tự chủ ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa. Tuy nhiên, đúng là quá trình này còn những khó khăn, vướng mắc.

Qua rà soát, Chính phủ đề xuất, trước mắt thiết kế một mục quy định về tài chính y tế trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để tháo gỡ một phần vướng mắc và làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai trong thực tế.

Về lâu dài, để có thể giải quyết một cách triệt để các khó khăn, vướng mắc thì cần nghiên cứu ban hành Luật Đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công nhằm tạo cơ sở pháp lý quy định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công (bao gồm cả công lập và ngoài công lập); giá, chất lượng dịch vụ; thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động của thị trường bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật về tổ chức, hoạt động tổ chức, đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cả công và ngoài công lập…

Cơ bản tán thành đề xuất của Chính phủ, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, trong đó khẳng định: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ; quy định về quyền và trách nhiệm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự chủ trong các hoạt động về tổ chức, nhân sự, tài chính, chuyên môn và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Bổ sung quy định về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và quy định hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể giá khám bệnh, chữa bệnh theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ nguyên tắc, thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cốt lõi của tự chủ là tự chủ về tài chính. Cốt lõi của tự chủ tài chính là bảo đảm sự minh bạch. Thẳng thắn nhận định rằng các quy định về các điều kiện bảo đảm về tài chính trong dự thảo Luật "còn lúng túng", Chủ tịch Quốc hội gợi ý chỉ nên quy định thuần túy về tự chủ tài chính. Những vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, thành lập thế nào… được quy định trong văn bản pháp luật khác. Còn nếu đã tự chủ hoàn toàn về tài chính (cả chi thường xuyên và chi đầu tư) thì được thực hiện các tự chủ khác về tổ chức bộ máy, nhân sự theo quy định của pháp luật...

Người đứng đầu Quốc hội cũng đề nghị quy định cả vấn đề kế toán và kiểm toán theo hướng đã tự chủ hoàn toàn về tài chính thì phải thực hiện kế toán, kiểm toán, công khai báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. "Công khai là sức mạnh lớn nhất, chi phí tính vào chi phí hoạt động. Đơn vị hoàn toàn của Nhà nước thì có Kiểm toán Nhà nước", đồng chí Vương Đình Huệ nêu rõ.

Tổng hợp các ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá dự thảo Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp gần nhất, song các cơ quan cần tiếp tục rà soát, giải quyết các vấn đề đã nêu, cả trong ngắn hạn và lâu dài.

Cùng với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), tại phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về tổng kết đánh giá thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất và đề xuất thêm một số cơ chế, chính sách về y tế, đặc biệt là về những cơ chế đặc thù, đặc cách và đặc biệt đối với phòng, chống dịch Covid-19 và vấn đề y tế trong điều kiện đó.