Có lẽ, phát minh vĩ đại nhất trong tiến hóa loài người là tạo ra lửa. Lửa phá vỡ nguyên lý khởi đầu và kết thúc. Bởi lửa là điểm khởi đầu cho các công nghệ khác của con người và "tiếp lửa" hành trình tiến hóa. Thuở xưa, con người dùng lửa để nấu nướng, sưởi ấm và chiếu sáng. Các tộc người ở Tây Nguyên cũng thế. Nhưng, ngọn lửa ở "bình nguyên trên cao" (diễn giải trong tác phẩm Rừng người Thượng của Henri Maitre) này có quyền năng thần bí, lửa quy tụ lũ làng, lửa khởi đầu của thế giới mơ tưởng.
Mùa này, bầu trời Tây Nguyên xanh thẳm, pơ lang bắt đầu khởi nụ, rẫy lúa đã gặt xong, lễ ăn cơm mới đã làm rồi... các buôn làng rậm rịch vào hội. Từ đỉnh cực bắc Ngọc Linh qua Chư Yang Sin, đến núi mẹ Lang Biang ở phía nam Tây Nguyên, tiếng cồng chiêng miên man luồn qua nhà rông, nhà sàn dài lên tận đỉnh núi; tiếng cười sảng khoái theo vòng xoang trở về nguồn cội... Tây Nguyên vào mùa ninh nơng, mùa hứng khởi nhất, mùa để vui chơi thỏa thích.
Trong âm giai Ngọn lửa cao nguyên của Trần Tiến: Cháy lên đi lửa thiêng cao nguyên/ Còn mãi trong ta tình yêu cao nguyên... tôi thung thăng băng núi đồi đến với buôn làng người Cơ Ho Lạch ở cao nguyên Lang Biang, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, khi chiều vừa tắt nắng. Nhiều người bảo, đây là "miền" rượu cần ngon nức tiếng.
Bên bếp lửa nhà dài người Mạ. Ảnh: Văn Bảo |
Trước ngôi nhà truyền thống, ngọn lửa hừng hực cháy, lũ làng đã xôm tụ. Cây nêu được dựng lên, rượu cần đã được bày biện, tiếng tù và khai hội của già làng K’Plin vang vọng: Này tôi mời gọi hỡi thần linh/ Khui rượu cần tôi mời nếm thử/ Rượu cần ngon tôi mời thần uống... Thủ tục xin phép thần linh vừa dứt, các điệu chiêng mừng khách quý, mừng ngày hội mùa tấu lên thổn thức.
Lửa bập bùng, chiêng ngân vang. Trong ánh lửa mới thấy sự tài tình của Trần Tiến khi viết: Cháy mãi cho bóng em hiện ra... Vít cong cần rượu, tôi hỏi già K’Plin về gốc gác rượu cần người Lạch? Ông bảo, có lẽ không ai biết được, trong sử thi đã có. Lúc đầu người ta không biết hút, chỉ vắt thứ nước trắng đục từ men rừng mà uống làm con người lâng lâng, bay bổng. Sau đó, thần Nhím mới bày cho cách uống bằng ống tre. Vì thế, người Tây Nguyên có tục lệ trước khi uống rượu cần đều mời Yàng, mời thần Nhím uống trước.
Để có ché rượu cần thơm nồng, dịu ngọt, uống vào lòng người nhẹ tênh cũng lắm công phu. Rilin bảo, phụ nữ ở đây phần đông đều biết làm rượu cần. Các loại gạo, nếp, bắp... đều làm được rượu. Nhưng, rượu cần thương hiệu Lang Biang có bí quyết riêng. Chính lúa rẫy và men rừng (từ một số loại lá, vỏ, rễ và cây đòng) đã tạo ra mùi hương đặc trưng. Những người già ở đây cho biết, ngày xưa làm rượu cần rất kỳ công. Trước khi làm rượu phải kiêng "chuyện vợ chồng", lúc nào thân thể khỏe mạnh, sạch sẽ mới làm. Người lạ không được vào nơi ủ rượu. Giờ thì công nghệ rồi, không còn cầu kỳ nữa.
Ở Tây Nguyên, uống rượu cần thường có lửa. Trong sinh hoạt cộng đồng, đã có lửa thì thường có rượu. Theo lẽ thường, lửa và rượu chỉ là những phương tiện, biểu trưng. Nhưng đối với người thiểu số miền thượng này, lửa và rượu là một triết lý sống, một thứ văn hóa. Khi ngọn lửa bùng lên và người ta cứ thế "vin cần uống núi rừng thiêng". Có thể nói, rượu của người thiểu số Tây Nguyên mang tính lễ nhiều hơn. Rượu là lễ vật, rượu mừng hội buôn làng, rượu hiện hữu trong lễ cưới và cả trong lúc tiễn đưa người chết. Tùy tính chất từng lễ nghi mà rượu lễ nhiều hay ít và ngon đến mức độ nào.
Lửa ở Tây Nguyên là lửa thiêng! Lửa mời gọi buôn làng tụ họp, lửa kết nối tình thân, lửa khai mở lễ hội buôn làng... Bởi thế, trong các ca khúc nổi tiếng của Krajan Plin, Krajan Dick, hay của Trần Tiến, Nguyễn Cường... thường có sự hiện diện của lửa, như Giữ ấm bếp hồng, Nồng nàn cao nguyên, Ngọn lửa cao nguyên, Ơi M’Đrắk...
Xưa, trong ngôi nhà sàn dài của người Mạ, Ê Đê ngọn lửa ở gian chính không bao giờ tắt. Đêm, sau bữa cơm tối, cả nhà quây quần chuyện trò bên bếp lửa chính, rồi những đêm khan. Ngọn lửa ấy ngoài chức năng sưởi ấm còn là vị thần chứng giám những điều giáo huấn mang tính dòng tộc, cộng đồng. Ngày mới, ngọn lửa theo con người lên rẫy. Lúc buôn làng có hội, lửa được thắp lên ở vị trí trung tâm để mọi người nhìn thấy và mang lễ vật đến chung vui cộng đồng. Lửa cứ thế theo con người đến lễ Pơ thi ở đằng Tây cánh rừng Yàng.
Già làng K’Diệp ở xứ Mạ Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng cho biết, trong các ngôi nhà dài truyền thống người Mạ, mỗi bếp lửa tượng trưng cho một gia đình. Nhà dài càng dài ra đồng nghĩa thêm nhiều bếp lửa. Còn nhà sàn truyền thống của người Cơ Ho, bếp chính được đặt xế bên trái cửa vào, gần với cây nêu rượu cần. Ngọn lửa bếp chính dùng để sưởi ấm cho khách và gia đình, đây cũng là không gian sinh hoạt, quây quần của đại gia đình. "Xưa, ở xứ Mạ có những ngôi nhà rất dài như những bức tường thành uốn lượn giữa thung lũng, bao bọc lấy buôn làng giữa đại ngàn hùng vĩ. Khi bếp lửa chính bùng cháy, lũ trẻ quây quần nghe kể khan, học đánh chiêng, chơi m’buốt, dindg kơrla... giờ thì hiếm rồi", già K’Diệp trầm ngâm.
Lửa mang lại văn minh cho mỗi gia đình và cộng đồng. Lửa là ánh sáng huyền thoại trong đêm sâu thẳm đại ngàn. Lửa giúp làm nên món xôi nếp nương, cà đắng da trâu, thịt nướng thơm lừng, ngọt hậu của buôn làng bản địa Tây Nguyên. Lửa kết nối những người không đồng tộc trong lễ "tơm bau" (cưới xin). Trong ánh lửa, em trao bầu rượu, em trao lời nói và những lời lảh lông, những câu yal yau thắm thiết.
Ở Tây Nguyên, nhất là vùng phía bắc, có các nhân vật đặc biệt gọi là Pơtao Apuih, Pơtao Ia và Pơtao Nhinh (vua lửa, vua nước và vua gió). Họ không phải là một thể chế pháp trị mà chỉ mang tính chất thần quyền, nhưng sự ảnh hưởng của họ trong đời sống tâm linh của những cư dân bản địa, với nền văn minh nương rẫy, lúa nước, văn minh thảo mộc khá lớn. Trải qua quá trình lịch sử, "vua nước" và "vua gió" giảm dần ảnh hưởng rồi mất hẳn, chỉ còn "vua lửa" còn ảnh hưởng tiềm tàng đến tận ngày nay. Các Pơtao Apuih vẫn được cư dân Tây Nguyên nhắc đến như những thần linh có sức mạnh huyền bí.
Lửa, rượu cần, cồng chiêng và xoang là những thực thể giao hòa trong không gian văn hóa đại ngàn Tây Nguyên. Tiếng chiêng ngân lên làm con nai rừng ngơ ngác, hương rượu cần mênh mang khiến lòng người rạo rực bên ngọn lửa thiêng. Nhà "Tây Nguyên học" người Pháp Jacques Dournes, bút danh Dam Bo, từng cắt nghĩa: Khi bếp lửa nhà sàn bùng cháy là khi người Tây Nguyên sống một đời sống khác. Đời sống sinh động của những câu chuyện khan, các huyền thoại... thế giới của mơ tưởng.
Mùa khô, Tây Nguyên khoe vẻ đẹp kỳ ảo. Đây là thời điểm diễn ra rất nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc nơi đây. Người Ba Na, Gia Rai, Xê Đăng, Ê Đê, M’Nông, Cơ Ho, Chu Ru... lấy mùa xuân làm mùa sum vầy, cầu mong cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Và ngọn lửa thiêng cứ thế thắp sáng mạch nguồn văn hóa theo hệ thống lễ, Tết của người bản địa xứ này. Từ lễ cúng đầu mùa, thần đập nước, lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa trổ bông đến lễ mang lúa về kho... Và khi lúa đã về đậu trong chòi, nắng bắt đầu vàng trên những đồi nương, lễ hội lớn nhất trong năm "mừng lúa mới" bắt đầu. Chia tay những buôn làng khi mặt trời đã ngã bên kia đỉnh núi lớn. Không còn cánh chim C’rao, chim Phí ngang qua bầu trời; chỉ có ánh lửa bập bùng khát cháy... Giữa mênh mông đại ngàn, chợt thổn thức âm giai Giữ ấm bếp hồng của Krajan Plin: Kìa trông vầng trăng trên cao, kìa trông ngàn sao lung linh/ Dẫu có bão giông, thác lũ thét gào, ta hãy cùng nhau giữ ấm bếp hồng...