Lợi ích doanh nghiệp và trách nhiệm sẻ chia

Thể hiện trách nhiệm với xã hội và cộng đồng đang trở thành một nét văn hóa trong kinh doanh, là triết lý, là sức mạnh mềm để doanh nghiệp phát triển và thành công trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Ðó là không kinh doanh trên sự tổn hại của môi trường, không vì mục tiêu lợi nhuận tối đa mà quên đi việc bảo đảm đời sống cho người lao động và đứng ngoài những biến cố của cộng đồng - một xu hướng kinh doanh nhân bản và nhân văn.

Lễ ra mắt Quỹ vắc-xin phòng Covid-19.
Lễ ra mắt Quỹ vắc-xin phòng Covid-19.

Là một khái niệm từng được đưa ra từ những năm 60 của thế kỷ trước, dù có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng chung quy, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được hiểu là một cam kết kinh doanh nhằm cư xử một cách có đạo đức, góp phần vào sự phát triển kinh tế cùng với nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động và gia đình của họ, cũng như chất lượng cuộc sống của cộng đồng và xã hội nói chung.

Được xác định là lực lượng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với khoảng 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, hình thành nên những thương hiệu uy tín trong khu vực và bước đầu vươn ra thế giới.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước phát triển và hội nhập, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chính là sự tự giác thực hiện các cam kết phát triển kinh tế bền vững, trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong nước và quốc tế, bảo đảm hài hòa lợi ích cốt lõi của doanh nghiệp với nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước; tuân thủ các chuẩn mực về bảo vệ môi trường, an toàn lao động, bình đẳng giới, công bằng trong việc sử dụng và trả lương cho người lao động, chú trọng đào tạo và phát triển nhân lực, phát triển cộng đồng.

Mặc dù gặp không ít khó khăn do dịch Covid-19 gây ra trong gần hai năm qua, nhưng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng hy sinh một phần lợi nhuận, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chung tay cùng Chính phủ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, sớm khôi phục nền kinh tế. Đó là đóng góp phần lớn tính đến ngày 6/12 với tổng số tiền 8.795,9 tỷ đồng cho Quỹ vắc-xin; mà nói như Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đó là quỹ của lòng nhân ái, sự kết nối trái tim với trái tim, là niềm tin, tinh thần đoàn kết để chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch.

Những cái tên Vingroup, T&T Group, Sun Group, Trungnam Group, TH, Vinamilk, BRG, Dầu khí... cùng hàng trăm doanh nghiệp lớn ủng hộ nhiều trang thiết bị vật tư y tế giá trị, lương thực thực phẩm giúp lực lượng phòng, chống dịch đã thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội cao cả của cộng đồng doanh nghiệp trước tác động của đại dịch Covid-19. Sự sẻ chia với người lao động khi chủ động, sáng tạo tổ chức sản xuất
"3 tại chỗ", duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho công nhân; Lòng nhân ái, trách nhiệm cộng đồng đã giúp nhiều doanh nghiệp giữ được người lao động, duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn thời đại dịch.

Tinh thần đó được CEO của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh nhấn mạnh: "Chúng ta không chọn chờ đại dịch đi qua, né tránh hay khiếp sợ, chỉ có một lựa chọn là bản lĩnh và chung sống". Với tinh thần ấy, cũng như hàng chục nghìn doanh nghiệp trong cả nước, Tân Hiệp Phát đã tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" với hơn 125 ngày cho hơn 1 nghìn lao động, mỗi người lao động là một chiến sĩ bảo vệ "vùng xanh", kết nối mọi người thành một khối vững chắc, vượt qua khó khăn của đại dịch để tiến về phía trước, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng và hỗ trợ cộng đồng, xã hội.

Hay như Tập đoàn T&T Group của doanh nhân Đỗ Quang Hiển, điển hình trong việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, T&T Group đã luôn tích cực đồng hành, hỗ trợ Chính phủ, các địa phương và đặc biệt là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch. Tính đến nay, T&T Group và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã ủng hộ, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch trong cả nước hơn 1.500 tỷ đồng. Đồng thời với tiềm lực vững mạnh, kinh nghiệm quản trị linh hoạt, T&T Group đã "vượt bão" Covid-19 thành công, ghi dấu ấn với hàng loạt dự án bất động sản được khởi công trên khắp cả nước; nhiều dự án điện mặt trời, điện gió khánh thành và hòa vào lưới điện quốc gia; thực hiện thành công nhiều thương vụ xuất khẩu, ký hợp tác với đối tác quốc tế lớn trong các lĩnh vực năng lượng, môi trường, giáo dục, và đặc biệt là lĩnh vực y tế...

Chia sẻ về vấn đề này, doanh nhân Đỗ Quang Hiển nhấn mạnh: "Để vượt qua đại dịch Covid-19, các doanh nhân, doanh nghiệp cần tự tin, chủ động, sáng tạo với các giải pháp phù hợp, linh hoạt duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại, ổn định đời sống người lao động".

Những chính sách như trợ cấp cho công nhân nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi và phụ nữ mang thai; cho vay tiêu dùng không tính lãi... của các công ty hoạt động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế ở Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng... đã giúp hàng triệu gia đình công nhân vượt qua khó khăn, gắn bó với doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp bắt tay vào phục hồi sản xuất ngay sau khi dịch được kiểm soát... Chính cách ứng xử văn hóa, triết lý kinh doanh nhân bản, nhân văn, sẻ chia lợi ích với cộng đồng đã giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững.

Lợi ích doanh nghiệp và trách nhiệm sẻ chia -0

Lợi ích doanh nghiệp và trách nhiệm sẻ chia -1

Công ty Tân Hiệp Phát đã tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" để vượt qua khó khăn của đại dịch. Ảnh trong bài | HƯƠNG TRÀ