Tiếp xúc với ca trù từ tấm bé, nghệ nhân Chu Chí Cang lớn lên trong tiếng trống, tiếng đàn đáy, tiếng hát. Với tình yêu ca trù và khát khao đem ca trù phổ biến rộng rãi trong công chúng, ông Cang đã tham gia nhiều hoạt động để ca trù có vị trí trong cộng đồng. Tuy vậy, những nỗ lực của riêng ông và một cộng đồng nhỏ mang tên Câu lạc bộ ca trù Ngãi Cầu mà ông là chủ nhiệm vẫn chưa thể đủ.
Nghệ nhân Xuân Cang dùng hai chữ “gay go” để nói về sự thiếu quan tâm của thế hệ trẻ với ca trù. Những năm đầu thành lập, câu lạc bộ còn xuất hiện những thành viên nhỏ tuổi tài năng, hay những bạn trẻ được các nghệ nhân dạy dỗ kỹ càng. Các bạn tham gia nhiều cuộc thi và giành nhiều giải thưởng. Tuy vậy, theo thời gian, ca trù vẫn phải xếp sau những nỗi lo khác. Và cứ dần dần như thế, một lớp trẻ từng gắn bó với ca trù đã tạm gác môn nghệ thuật này lại chăm lo cho cuộc sống của mình. Ông Cang tâm sự, việc truyền dạy ca trù cho thế hệ sau là điều ông vẫn luôn tha thiết. Dẫu vậy, ngày càng có ít những cô cậu thiếu niên tìm đến ông để hỏi về ca trù. Thậm chí, khó tìm thấy bóng dáng người trẻ đứng nghe ca trù mỗi dịp hội làng. Việc truyền môn nghệ thuật này cho thế hệ trẻ địa phương đang rất khó khăn.
Hiện tại, thời gian sinh hoạt của câu lạc bộ ca trù Ngãi Cầu không còn đều đặn, các thành viên cũng giảm dần theo từng lần họp mặt. Từ ban đầu với gần 30 thành viên, hiện tại, câu lạc bộ chỉ còn lại dưới 10 người. Dẫu được sự ủng hộ của các cơ quan ban,sư ngành, ca trù Ngãi Cầu chưa có những bước tiến tiếp theo. Nghệ nhân Xuân Cang bày tỏ hy vọng, chính quyền địa phương sẽ có những động thái mang tính thực chất để lưu giữ, bảo vệ di sản ca trù. Phải vực dậy và khiến ca trù Ngãi Cầu trở thành dấu ấn thu hút khách thập phương, để các thế hệ sau này còn có cơ hội trải nghiệm môn nghệ thuật đậm chất Việt này.