Linh hoạt điều chuyển vốn cho các dự án giao thông

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ước đến hết tháng 5/2024, ngành giao thông đã giải ngân được khoảng 19.800 tỷ đồng, đạt khoảng 33%, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (đạt 29%). Kết quả này một phần nhờ linh hoạt trong việc điều chuyển vốn từ các dự án chậm sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn.
0:00 / 0:00
0:00
9.800 tỷ đồng đã được giải ngân cho các dự án giao thông trong 5 tháng đầu năm.
9.800 tỷ đồng đã được giải ngân cho các dự án giao thông trong 5 tháng đầu năm.

Bứt tốc trên công trường

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã vào cuộc kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc khi triển khai các dự án giao thông. Nhờ đó, 9 Dự án thành phần (DATP) đường cao tốc bắc - nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (gồm cầu Mỹ Thuận 2), đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Tuyên Quang - Phú Thọ đã được hoàn thành, nâng tổng chiều dài đường cao tốc lên gần 1.900 km. Các khó khăn, vướng mắc kéo dài tại một số dự án như nhà ga T3 Cảng Hàng không Quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất, CHKQT Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được tập trung xử lý. Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đã được đẩy nhanh, nhiều dự án đã hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư và khởi công. Đến nay, nhiều dự án đã vượt tiến độ giải ngân, chủ đầu tư phải xin thêm vốn để triển khai cho những tháng cuối năm.

Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết, tính đến ngày 16/5, giá trị giải ngân của đơn vị đạt hơn 1.639 tỷ đồng (35,5%), vượt gần 145 tỷ đồng so với kế hoạch đăng ký. Đơn cử như dự án đường cao tốc bắc - nam đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng hiện đã thi công được 34%, sản lượng giải ngân toàn dự án đạt 522 tỷ đồng, tương ứng gần 35% kế hoạch vốn được giao (gần 1.500 tỷ đồng), vượt hơn 52 tỷ đồng so đăng ký. Dự án đường Mai Dịch - Nam Thăng Long, giải ngân vượt hơn 34 tỷ đồng (nguồn vốn ODA); dự án đường cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi vượt gần 80 tỷ đồng.

Theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, dự kiến đến hết tháng 5, lũy kế giải ngân của Ban QLDA Mỹ Thuận đạt 2.552 tỷ đồng (gần 33,7% kế hoạch). Còn ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban QLDA 6 cho biết, trên tổng số hơn 9.100 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2024, hiện sản lượng giải ngân của đơn vị đã đạt hơn 3.400 tỷ đồng (gần 38%). Riêng Ban QLDA 7 mới đây còn xin bổ sung thêm 2.500 tỷ đồng vốn để giải ngân cho 3 dự án vượt tiến độ.

Kiên quyết chấn chỉnh nếu không đủ năng lực

Thực hiện Công điện số 24/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ và phân bổ giải ngân vốn đầu tư công, từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT đã hai lần điều hòa kế hoạch vốn, bảo đảm đủ nguồn vốn thực hiện các dự án. Đây được coi là công cụ hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân. Theo báo cáo của Bộ GTVT, ước đến hết tháng 5, ngành giao thông đã giải ngân khoảng 19.800 tỷ đồng, đạt khoảng 33%, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giải ngân đạt 29%).

Phân tích về những thách thức trong triển khai dự án giao thông giai đoạn hiện nay, đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, tiến độ đầu tư, giải ngân phần lớn các dự án hạ tầng giao thông phụ thuộc vào bốn yếu tố: Tiến độ mặt bằng; điều kiện cung cấp vật liệu; năng lực thực hiện của các chủ thể (chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu); khả năng đáp ứng vốn, thời điểm giao vốn. Hiện, những khó khăn liên quan đến năng lực các chủ thể và khả năng đáp ứng nguồn vốn không còn vướng mắc. Chỉ còn hai yếu tố có thể ảnh hưởng là tiến độ công tác giải phóng mặt bằng và nguồn cung cấp vật liệu.

Về mặt bằng, mặc dù các địa phương đã quyết liệt vào cuộc song ở nhiều nơi vẫn chậm hơn nhiều so chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Riêng vật liệu, đặc biệt là vật liệu cát vẫn là bài toán nan giải. Để giải quyết bài toán vật liệu cát, một trong những giải pháp được trông đợi nhiều nhất là sử dụng cát biển thay thế. Hiện những kết quả nghiên cứu bước đầu đã xác định khu B1 tỉnh Sóc Trăng có 145 triệu m3/680 triệu m3 cát biển có thể đáp ứng được nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các tuyến đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến trong tháng 5 này sẽ khai thác nguồn cát biển để phục vụ thi công các công trình giao thông trọng điểm.

Chỉ còn 1 năm rưỡi nữa, ngành giao thông phải hoàn thành giải ngân khoảng 150 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, đây là áp lực không hề nhỏ! Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án; kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các chủ đầu tư, nhà thầu không đáp ứng đủ năng lực, ảnh hưởng đến tiến độ. Đặc biệt, gắn trách nhiệm cho người đứng đầu.

Từ nay đến năm 2025, hàng loạt dự án đường cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đồng loạt triển khai với tổng nhu cầu 54 triệu m3 cát. Tuy nhiên, hiện nay tại một số dự án trong vùng chưa xác định được đủ nguồn cát đắp nền, công suất khai thác tại các mỏ cát đã cấp chưa đáp ứng tiến độ thi công.