Thúc đẩy báo chí giải pháp

Trí tuệ nhân tạo vừa tạo ra nhiều cơ hội, vừa đặt ra nhiều thách thức mà báo chí truyền thống cần giải quyết để có thích ứng linh hoạt, tiếp tục phát triển. Báo chí cần phải hướng đến giải pháp mang đến những phương pháp tiếp cận mới mẻ, tích cực để phát triển trước sự cạnh tranh mạnh mẽ về thông tin từ mạng xã hội. Tại Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề "Báo chí giải pháp - hướng đi cho báo chí truyền thống" do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, báo Nhà báo và Công luận tổ chức tại tỉnh Bình Thuận mới đây, nhiều ý kiến thiết thực đã được chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đưa ra giải pháp về báo chí xây dựng.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đưa ra giải pháp về báo chí xây dựng.

Cần rất nhiều nguồn lực

Theo nhà báo Nguyễn Bá, Tổng Biên tập báo VietNamNet, báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo cần xây dựng lòng tin và hình ảnh tích cực; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; định hướng dư luận một cách tích cực; đóng góp vào phát triển bền vững. Ở chiều ngược lại, việc chuyển đổi sang báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo đòi hỏi sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận và sản xuất nội dung.

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân cho rằng, báo chí giải pháp là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của báo chí. Báo chí thông tin và báo chí giải pháp phải đan xen, hòa quyện với nhau. Báo chí giải pháp hướng đến phạm vi cả tòa soạn. Tuy nhiên, báo chí giải pháp rất cần nguồn lực. Một tác phẩm báo chí giải pháp sẽ phải chi trả nhuận bút rất cao. Báo chí tồn tại được vẫn là nhờ vào cung cấp thông tin, tiếp theo đó thông tin phải có trách nhiệm, có tính Đảng, tính nhân dân.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập báo Thanh Niên đánh giá, thời gian qua, báo đều khai thác dữ liệu từ các nguồn khác nhau được công bố dưới dạng báo cáo công khai trên website, báo cáo, nghiên cứu, thống kê được công bố... Điều quan trọng trước hết là tư duy xác định đề tài báo chí dữ liệu, khi nào thì thực hiện bài dữ liệu. Báo chí dữ liệu và báo chí giải pháp đều hướng đến mục tiêu chung là cung cấp thông tin chính xác, khách quan và có giá trị cho công chúng, đồng thời thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong xã hội. Kết hợp báo chí dữ liệu và giải pháp sẽ cung cấp các bằng chứng cụ thể, số liệu thống kê và phân tích chi tiết giúp củng cố tính thuyết phục cho các giải pháp được đề xuất.

Cần cả hệ thống chung tay

Để sản xuất tác phẩm giải pháp, nhà báo Nguyễn Bá đề nghị, các báo cần tổ chức các khóa đào tạo cho phóng viên, biên tập viên về các phương pháp báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế; phát triển các chuyên mục, chương trình riêng về các giải pháp xã hội, môi trường, kinh tế; khuyến khích đối thoại cộng đồng nhằm thu hút sự quan tâm của độc giả và tạo ra kênh thông tin đáng tin cậy. Đồng thời, cần thiết lập các cơ chế đánh giá hiệu quả của báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo, bao gồm việc thu thập phản hồi từ độc giả và đánh giá tác động của các bài viết nhằm giúp các báo điều chỉnh và cải thiện nội dung theo thời gian.

Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, người đứng đầu trong việc ưu tiên chuyển đổi sang các nội dung có tính giải pháp quyết định đến việc thay đổi tư duy làm việc của tòa soạn, từng thành viên ban biên tập. Người lãnh đạo một khi đã nắm vững xu thế, nhuần nhuyễn yêu cầu của những sản phẩm báo chí giải pháp sẽ là người chuyển đổi nhanh nhất tư duy làm báo của cả đơn vị. Yếu tố quan trọng nữa là trình độ của phóng viên, biên tập viên và những người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất nội dung. Tiếp đó, nguồn lực tài chính, công nghệ. Cuối cùng là chính sách, vấn đề bản quyền.

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, hiện nay, tin tức thật giả lẫn lộn, người dùng không đủ sức để xử lý, họ cần cơ quan báo chí để chọn lọc. Do đó, người dùng mong muốn được các cơ quan báo chí chính thống định hướng. Lúc này, các cơ quan báo chí như ngọn hải đăng để chỉ dẫn cho người dùng trong các vấn đề về công việc cũng như cuộc sống. Cái làm báo chí khác biệt chính là sự sâu sắc, chuyên sâu. Các cơ quan báo chí cần dành nguồn lực cho báo chí chuyên sâu để tạo ra những câu chuyện tích cực, mang tính xây dựng và giải pháp, tạo thế cân bằng, đa chiều trong tin tức để tạo sự khác biệt của báo chí.

Theo Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, để phát triển báo chí giải pháp cần quan tâm nhất là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Do đó, các cơ quan báo chí cần tìm giải pháp cho chính mình trước. Các cơ quan báo chí cần nhìn thấy những vấn đề để phát huy thế mạnh, khắc phục những tồn tại. Báo chí Việt Nam là nền báo chí cách mạng và nếu như có một vấn đề gì đó để cần định hướng xã hội, cần tập hợp lực lượng để làm những việc lớn, việc tốt cho đất nước thì lúc đó hệ thống chính quyền, người dân luôn tìm đến báo chí và tìm thấy mình trong báo chí.