Gia tăng tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở trẻ

Tình trạng tật khúc xạ, đặc biệt là cận thị ở trẻ em, đang trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng báo động trong thời đại công nghệ số phát triển. Đáng lo ngại là độ tuổi mắc cận thị ngày càng giảm, thậm chí có những trẻ mới chỉ vài tuổi đã bắt đầu đeo kính.
Nhiều em nhỏ được trang bị kính để hỗ trợ thị lực. Ảnh: SONG ANH
Nhiều em nhỏ được trang bị kính để hỗ trợ thị lực. Ảnh: SONG ANH

1/Tật khúc xạ, bao gồm cận thị, viễn thị và loạn thị, không còn là vấn đề có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ học sinh, sinh viên đến người làm việc văn phòng. Đặc biệt, tình trạng này đang ngày càng phổ biến ở các thành phố lớn, nơi người dân tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử. Thống kê đáng báo động từ Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam hiện có 5 triệu trẻ em mắc các tật khúc xạ, chủ yếu là cận thị.

Báo cáo được đưa ra trong lễ mít-tinh hưởng ứng ngày thị giác thế giới 2024 với chủ đề “Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em” vừa qua cho thấy, trong số gần 15 triệu trẻ em từ 6 đến 15 tuổi tại Việt Nam - độ tuổi “vàng” để điều chỉnh tật khúc xạ, có đến khoảng 20% đang phải đối mặt với các vấn đề về mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị. Điều này đồng nghĩa với việc có khoảng 3 triệu em nhỏ cần được trang bị kính để hỗ trợ thị lực.

Theo số liệu khác từ Bệnh viện Mắt Hà Nội, trong tổng số 5.567 học sinh của 5 trường tiểu học tại Hà Nội được khảo sát năm 2023, phát hiện 1.680 học sinh có tật khúc xạ (chiếm 30,2%) và 1.233 học sinh bị cận thị (chiếm 22,1%). Điều này phản ánh tình trạng tật khúc xạ đang ngày càng phổ biến và xuất hiện ở lứa tuổi ngày càng trẻ.

2/Nguyên nhân dẫn đến tật khúc xạ chủ yếu ở trẻ em hiện nay là do thói quen sử dụng các thiết bị điện tử một cách liên tục trong khoảng cách gần. Một phần khác là do đọc sách, học tập và nhìn ở trong môi trường có ánh sáng kém, ánh sáng xanh (loại ánh sáng phát ra từ các thiết bị điện tử). Chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, thiếu vitamin A và yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tật khúc xạ ở trẻ em.

Lý giải cho số liệu trẻ em thành thị bị tật khúc xạ nhiều hơn so trẻ em nông thôn là do tốc độ đô thị hóa nhanh, không gian sống bị bao hẹp bởi ánh sáng đèn điện, tòa nhà cao tầng mà thiếu đi ánh sáng mặt trời - yếu tố kích thích giải phóng dopamin trong võng mạc giúp kiểm soát cận thị. Ngoài ra, trẻ em ở thành thị có nhiều điều kiện và cơ hội được tiếp xúc từ sớm với các thiết bị công nghệ, điện tử. Thậm chí, nhiều trẻ 6-7 tuổi đã có thể sử dụng thành thạo thiết bị di động, bị lệ thuộc khiến tần suất tiếp xúc ánh sáng xanh cao hơn nhiều so trung bình.

3/Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tật khúc xạ phổ biến: mờ mắt, không nhìn rõ các vật ở xa; đọc chữ hay bị nhảy hàng hoặc dò chữ khi đọc; hay bị đau đầu; mỏi mắt, chảy nước mắt; vùng nhìn bị chói hoặc bị quầng sáng. Các bậc phụ huynh có thể quan sát được một số biểu hiện rõ ràng như thường xuyên nheo mắt, vẹo cổ hoặc nghiêng đầu khi nhìn, không nhìn rõ chữ viết trên bảng, viết sai chữ hoặc ngồi học sát với mép vở. Trẻ mắc tật khúc xạ cũng sẽ hay chạy đến nhìn tivi, máy tính ở khoảng cách gần, có dấu hiệu đau đầu, mỏi mắt, thường xuyên chớp mắt, dụi mắt.

Theo bác sĩ chuyên khoa II, Trưởng khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt quốc tế DND Phạm Thị Hằng, nhiều trẻ em hiện nay sẽ có tâm lý trốn tránh, không nói với bố mẹ về những triệu chứng suy giảm thị lực do sợ bị giảm thời gian chơi các thiết bị điện tử hoặc miêu tả không đúng về những dấu hiệu mình gặp phải, do đó các bậc phụ huynh cần chủ động quan tâm để kịp thời nhận ra những biểu hiện đó. Việc phát hiện sớm tật khúc xạ sẽ giúp quá trình điều trị được hiệu quả hơn.

“Phụ huynh hãy nên coi khám mắt giống như khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần tại bệnh viện hoặc cơ sở chuyên khoa mắt để phát hiện tật sớm. Đối với các trường hợp đã mắc tật khúc xạ, việc kiểm soát để không tăng số quá nhiều là điều quan trọng thông qua việc đeo kính đúng số, cho mắt nghỉ ngơi bằng cách nhìn xa hoặc nhắm mắt lại”, bác sĩ Hằng cho biết: “Phụ huynh cũng nên chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ, bảo đảm cung cấp đủ dưỡng chất, đặc biệt là các loại vitamin A, C và E, giúp mắt luôn khỏe mạnh. Đồng thời, cần tạo thói quen cho trẻ học tập và sinh hoạt trong môi trường ánh sáng đầy đủ, tránh đọc sách hay sử dụng thiết bị điện tử trong điều kiện ánh sáng kém”.

Các tật khúc xạ, đặc biệt là cận thị, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ em, trong đó ảnh hưởng lớn nhất là đến quá trình học tập. Trẻ em bị cận thị thường gặp khó khăn khi nhìn rõ bảng, chữ viết trên sách vở, dẫn đến giảm khả năng tập trung, mỏi mắt, đau đầu và thậm chí là kết quả học tập kém. Ngoài ảnh hưởng đến học tập, các tật khúc xạ còn gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe cho trẻ em. Việc phải nheo mắt, dụi mắt thường xuyên để nhìn rõ có thể dẫn đến viêm kết mạc, mỏi cơ mắt và các bệnh về mắt khác.

Bên cạnh đó, tật khúc xạ không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như nhược thị, lác, thoái hóa điểm vàng, thậm chí là mù lòa.