Tìm thêm chính sách hỗ trợ nữ công nhân

Đại diện công đoàn cơ sở nhiều công ty thuộc các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, các chính sách hỗ trợ việc chăm sóc và nuôi dạy con cho nữ công nhân hiện vẫn chưa thấm vào đâu so nhu cầu thực tế, gây khó giữ chân lao động nữ.
Nữ công nhân mong chờ nhiều chính sách hỗ trợ việc giữ trẻ mầm non.
Nữ công nhân mong chờ nhiều chính sách hỗ trợ việc giữ trẻ mầm non.

Thiếu chỗ gửi con

TP Hồ Chí Minh hiện có 1.543.648 công nhân viên chức lao động, trong đó lao động nữ chiếm tỷ lệ 54%. Thông tin từ đại diện nhiều công ty cho biết, vẫn còn tình trạng nữ công nhân phải nghỉ việc ở nhà giữ con hoặc gửi con về quê nhờ ông bà trông giúp do không đủ khả năng xoay xở. Có đến 30% công nhân lao động phải gửi con nhỏ về quê nhờ gia đình, người thân nuôi dạy. “Xa cha mẹ lâu ngày, các con thiếu thốn tình cảm. Đáng buồn là có cha mẹ còn phó thác trách nhiệm giữ trẻ cho ông bà hay mặc định việc giáo dục là của nhà trường, thầy cô mà không sát sao kiểm tra, hỗ trợ dẫn đến nhiều trường hợp không mong muốn xảy ra”, chị Trần Ngọc Phượng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Việt Nam Paiho (KCN Tân Tạo) chia sẻ.

Riêng Công đoàn các KCX-KCN TP Hồ Chí Minh đang quản lý 17 công đoàn KCX-KCN với 732 công đoàn cơ sở. Trong đó lao động nữ, chiếm gần 70%. Số lượng lao động nữ cao đồng nghĩa nhu cầu gửi trẻ của công nhân tại các KCX-KCN là rất lớn. Trong khi đó, các trường mầm non công lập chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu gửi trẻ, 85% còn lại phải dựa vào các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Học phí ở các trường mầm non ngoài công lập bảo đảm chất lượng sẽ cao gấp nhiều lần so trường công lập khiến không ít nữ công nhân lo lắng vì gửi trường tốt thì không đủ chi phí, gửi các điểm tự phát thì tiềm ẩn rủi ro. Ngoài ra, công nhân lao động tại các KCX-KCN thường xuyên làm việc đến 19 giờ, làm vào cuối tuần, chệch múi giờ so quy định hoạt động của các trường mầm non công lập.

Tại Công ty Daehan Motors (KCN Cơ khí ô-tô, huyện Củ Chi), tỷ lệ công nhân lao động gửi con tại các cơ sở ngoài công lập hoặc đưa về quê nhờ ông bà chăm lo vẫn khá cao. Vì điều kiện kinh tế, rất nhiều nữ công nhân chọn gửi con tại khu trọ hoặc người quen để tiện đưa đón, giá cả phải chăng. Thiếu chuyên môn và cơ sở vật chất, các điểm giữ trẻ tự phát thường khó bảo đảm tiêu chuẩn chăm sóc trẻ, chưa kể đến chuyện dạy dỗ, rèn luyện kỹ năng. Chị Phùng Diễm Tuyền, Chủ tịch Công đoàn Công ty Daehan Motors kể lại câu chuyện của chính mình kèm tiếng thở dài. Chị nhờ người hàng xóm trông giúp. Người hàng xóm thường xuyên cho con chị xem các chương trình trên điện thoại di động để bé đỡ di chuyển, khám phá chung quanh. Đến khi nhận ra con mình 4 tuổi mà vẫn chưa thể nói rõ, chị Tuyền đưa con đi bác sĩ khám thì phát hiện thêm nhiều vấn đề do trẻ không được tiếp xúc thường xuyên với bạn bè đồng trang lứa.

Vẫn mong chính sách

Cùng với các chương trình hỗ trợ định kỳ, nhằm tạo thêm “điểm tựa” cho lao động nữ trên địa bàn, cuối năm 2021, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết số 27 về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có KCN tại thành phố. Đến nay đã có 5.777 trẻ được trợ cấp với số tiền 4.359.680.000 đồng, 187 giáo viên được hưởng trợ cấp với số tiền 1.258.000.000 đồng. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện đã phát sinh cái khó khiến nhiều nữ công nhân đợi mãi vẫn chưa thấy tiền hỗ trợ. Việc nắm bắt thông tin người lao động thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 27 tại cơ sở chưa được đầy đủ khiến quá trình lên danh sách thụ hưởng cũng chậm hơn so kế hoạch.

Đại diện một cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại quận Bình Tân cho biết, muốn được hỗ trợ, phụ huynh phải được công ty cung cấp giấy xác nhận đang làm việc tại KCX-KCN. Nhưng việc tập hợp danh sách, trình ký tại các đơn vị tốn quá nhiều thời gian, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thụ hưởng chính sách của công nhân lao động. Đến khi giấy xác nhận được đưa đến trường thì đã trễ thời hạn tập trung hồ sơ đề xuất tiền hỗ trợ cho học sinh.

Bà Lê Thị Lệ Huyền, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề cấp thiết hiện nay là phát triển thêm hệ thống giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân ngoại tỉnh. Được biết, tại các KCX-KCN trên địa bàn thành phố, số lao động ngoại tỉnh chiếm gần 70%. Bà Huyền đề xuất cần rà soát lại quy hoạch phát triển KCX-KCN và bổ sung hạng mục công trình thiết yếu phục vụ nâng cao đời sống của công nhân lao động, cần quy hoạch xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo trong các KCX-KCN; thí điểm mô hình hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non phục vụ con em công nhân, người lao động theo hướng linh hoạt hơn như nhận trẻ ở nhiều độ tuổi, tổ chức giữ trẻ theo ca làm việc của bố mẹ và kéo dài thời gian giữ trẻ…

Tại một số nơi, tiền hỗ trợ cho học sinh của năm học này mãi đến năm sau mới có, phụ huynh mong ngóng quá lâu. Một số trẻ lớp Lá, tới khi có tiền hỗ trợ thì đã tốt nghiệp, sang học trường mới, việc liên hệ mời phụ huynh nhận tiền cũng gặp nhiều bất cập.