Hết trồi lại sụt

Bạn đọc viết:

Nguyễn Phương Hoa (Quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội)

Một buổi trưa cuối tuần vừa qua, khu phố vốn yên bình ở ngõ 168 phố Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bỗng xôn xao sau một tiếng động chát chúa. Chiếc ô-tô loại 4 chỗ ngồi đang di chuyển trong ngõ thì gặp tai nạn dù trên đường… không có bất kỳ phương tiện nào khác tham gia giao thông. Hậu quả, chiếc xe “xấu số” bị hư hỏng nặng phần gầm, khiến dầu mỡ, nước mát chảy lênh láng ra đường. Nguyên nhân của vụ tai nạn hy hữu xuất phát từ việc một nắp cống thoát nước nhô rất cao so mặt đường.

Lâu nay, người dân sống tại đây đã không còn xa lạ với những tai nạn tương tự. Đã từ vài tháng trở lại đây, ngõ 168 phố Nguyễn Xiển đi vào sửa chữa, trải thảm nhựa nhưng mãi vẫn chưa hẹn ngày hoàn thiện. Không ít trường hợp người dân di chuyển bằng xe máy khi đi ngang qua đây đã gặp tai nạn do những chiếc nắp cống “tử thần” nằm trồi sụt khắp nơi. Có người chỉ xây xát tay chân, nhưng cũng có trường hợp bị thiệt hại nghiêm trọng về phương tiện, hoảng loạn tinh thần.

Thực tế, câu chuyện bi hài về những chiếc nắp cống “hết trồi lại sụt” đã trở thành chủ đề “khổ lắm nói mãi”. Chỉ cần dạo một vòng quanh các con phố, sẽ không khó để nhận ra hàng loạt “chướng ngại vật tự nhiên” như vậy. Mỗi khi mặt đường được cào bằng để chuẩn bị duy tu, thảm nhựa, các miệng cống thoát nước sẽ trồi lên như những “bùng binh mini” xếp dày đặc, tồn tại cho tới ngày mặt đường hoàn thiện.

Tuy nhiên, khi thảm nhựa xong, các miệng cống sẽ lập tức bị tụt xuống thấp hơn hẳn so mặt đường (!?). Người dân Hà Nội chắc chắn đã quá quen với việc đang di chuyển thì bỗng nhiên phải đánh lái gấp để tránh những hố sâu như vậy. Bởi có những nơi, độ cao giữa miệng cống và mặt đường lên tới xấp xỉ… 10 cm. Ai cũng hiểu rằng, đột ngột chuyển hướng trên đường là rất nguy hiểm cho cả bản thân và những người đang cùng tham gia giao thông, nhưng nếu không làm thì phương tiện chắc chắn sẽ hư hại ít nhiều. Thật là một quyết định khó khăn!