Lên ngôi bằng bản sắc văn hóa

Khỏi cần nói ai cũng biết Nguyễn Phạm Thành Đạt cùng đoàn làm phim của mình đã vui như thế nào vì cả khán phòng Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô đều nghe tiếng hét sung sướng của vị đạo diễn trẻ này khi “Khu rừng của Páo” được xướng tên giải nhất ở hạng mục phim ngắn tại lễ bế mạc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ 6 (HANIFF VI) tối 12/11.
0:00 / 0:00
0:00
Đạo diễn trẻ Nguyễn Phạm Thành Đạt nhận giải phim ngắn xuất sắc nhất tại lễ bế mạc Haniff VI.
Đạo diễn trẻ Nguyễn Phạm Thành Đạt nhận giải phim ngắn xuất sắc nhất tại lễ bế mạc Haniff VI.

1/Dấu ấn của phim Việt tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ 6 (HANIFF VI) là những câu chuyện về bản sắc văn hóa dân tộc, được kể theo cách riêng nhưng hướng tới mẫu số chung của nhân loại là thân phận và tình yêu con người. Đó là “Chúa đất”, dự án phim của đạo diễn Đỗ Thanh Sơn được chấm giải nhất hoạt động Chợ Dự án phim; là “Khu rừng của Páo” của Nguyễn Phạm Thành Đạt - giải xuất sắc nhất cho phim ngắn. Các nhà làm phim Việt Nam đạt giải đã biết tận dụng lợi thế từ bản sắc văn hóa.

Nhiều năm trong đạo diễn TV show, phim dài tập, Đỗ Thanh Sơn thực hiện dự án điện ảnh đầu tay “Chúa đất” nhằm tái hiện không gian văn hóa miền núi phía bắc, khắc họa tình yêu tự do và tinh thần không chịu khuất phục. Kịch bản được phát triển từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Đây cũng là ý tưởng kịch bản duy nhất trong số sáu dự án thuộc thể loại lịch sử, khai thác một truyền thuyết của người dân tộc H’Mông.

Đặc biệt, câu chuyện của Giàng A Phá vai Páo trong “Khu rừng của Páo” đã vượt qua 19 phim từ các nước tham dự để thắng giải Phim ngắn xuất sắc nhất. Dài 17 phút, bộ phim quay đầu 2022 kể về Páo, một cậu bé H’Mông, kết hôn theo hủ tục năm 14 tuổi. Năm 18 tuổi, chàng trai Páo lần đầu biết yêu, cậu liên tục lạc giữa hai lựa chọn: tình yêu cá nhân và trách nhiệm gia đình. Nguyên mẫu chính là người đóng nhân vật chính Giàng A Phá - bạn thân của đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt. Đạo diễn chia sẻ, tôi rất vui khi phim đạt giải nhất, nhưng vui hơn vì có Phá ở đây, người bạn H’Mông đã truyền cảm hứng cho tôi làm bộ phim này. Theo tôi đây hoàn toàn là vấn đề cần được nói ra cho dù nó nhạy cảm. Nhiều phim nước ngoài tham gia liên hoan có cách thông điệp rất riêng và tôi nghĩ phim của mình cũng có cách truyền đạt mang đậm bản sắc Việt Nam.

Lên ngôi bằng bản sắc văn hóa ảnh 1

Đại diện đoàn làm phim “Paloma” (Brazil) trả lời báo chí sau khi đoạt giải Phim dài xuất sắc nhất.

2/NSND, đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm (thành viên BGK phim ngắn) đánh giá, mảng phim ngắn khá phong phú và nhiều màu sắc, thế nhưng thế mạnh của phim truyện ngắn át đi rất nhiều so mang phim tài liệu. Một số phim tài liệu của Việt Nam và nước ngoài có chất lượng tương đối tốt nhưng sức truyền cảm cũng như khả năng đột phá trong những vấn đề xã hội ở mảng phim truyện trội hơn hẳn. Đơn cử như phim “Khu rừng của Páo” đã chạm đến nhiều mẫu số chung của nhân loại ở góc độ lựa chọn cuộc sống của một con người, đây là điều luôn gây nhức nhối cho các nhà làm phim.

Nói về cơ hội của điện ảnh Việt tại các liên hoan phim quốc tế, NSND, đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm cho rằng, nếu chúng ta có cách nhìn sự việc trong xã hội theo mẫu số chung nhân loại, từ đó có cách kể chuyện riêng Việt Nam mới có thì đây sẽ là tiêu chí mẫu mực để một bộ phim Việt Nam có điều kiện và cơ hội trong các liên hoan phim. Các phim “Hành lang ký ức” và “Những bánh xe buýt” cũng đều chạm được đến cõi lòng của từng con người, đều kể được những câu chuyện mà chúng ta đã từng là, từng qua, từng trải và thậm chí là từng thấy trong từng giai đoạn của cuộc đời mỗi người.

HANIFF VI đã kết thúc tốt đẹp với những dấu ấn thành công trên phương diện tổ chức cũng như các tác phẩm điện ảnh đoạt giải. Từ đó mở ra nhiều hướng đi, cơ hội cũng như những thách thức mà điện ảnh Việt phải đối diện trong từng bước hội nhập thế giới.

Tại HANIFF VI đã công chiếu 11 phim dài; 20 phim ngắn; 7 phim trong chương trình “Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc”; 63 phim trong chương trình Toàn cảnh điện ảnh thế giới; 22 phim Việt Nam đương đại. Nước chủ nhà Việt Nam tham dự 1 phim truyện dài;10 phim ngắn (gồm một phim truyện ngắn, bốn phim tài liệu và năm phim hoạt hình).

Các giải thưởng của HANIFF lần VI gồm: Phim dài xuất sắc nhất: “Paloma” (Brazil); Phim ngắn xuất sắc nhất: “Khu rừng của Páo” (Việt Nam); Đạo diễn phim dài xuất sắc nhất: Hamid Reza Ghorbani - phim “Ghép tủy” (Iran); Nam diễn viên chính phim dài xuất sắc nhất: dàn diễn viên phim “Maariya - Angel of the Ocean” (Srilanka); Nữ diễn viên chính phim dài xuất sắc nhất: Kika Sena trong bộ phim “Paloma” (Brazil); Giải thưởng của BGK thể loại phim dài: phim “Người phụ nữ trên tầng áp mái” (Ba Lan và Thụy Điển); Đạo diễn phim ngắn xuất sắc: Surya Shahi - phim “Những bánh xe buýt” (Nepal); Giải đạo diễn trẻ triển vọng: Trương Thế Thiện - phim “Hành lang ký ức” (Liên bang Nga); Giải mạng lưới khuyến khích điện ảnh châu Á (NETPAC): phim “Ghép tủy” (Iran); “Kẻ phản diện” (Philippines).

(Hồng Gấm tổng hợp)