Kỳ 1: Những cánh tay nối dài
Văn hóa, với sự đa dạng, hấp dẫn, gắn với sinh hoạt hằng ngày, gắn với nhu cầu thông tin, nhu cầu hiểu biết thường nhật của con người trong xã hội… đã cuốn hút nhiều người sản xuất nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.
1/Ngày nay, sự phát triển của thế giới hiện đại đang tạo ra nhiều cơ hội giúp các dân tộc củng cố, phát triển nội lực văn hóa; và khi “độc lập trong liên lập” đã trở thành nguyên tắc quan trọng chi phối các mối tương tác văn hóa nhân loại thì cũng đặt ra yêu cầu phải bảo đảm sự cân bằng giữa khẳng định, tiếp thu, phát triển văn hóa dân tộc, thỏa mãn nhu cầu văn hóa mọi mặt của công chúng… với việc đóng góp tích cực vào tiến trình văn hóa nhân loại. Xét từ góc độ này có thể thấy việc khơi dậy sức mạnh văn hóa dân tộc cần được kết hợp hài hòa với giao lưu, truyền bá, quảng bá văn hóa. Đó là hai mặt của một vấn đề. Bởi vì, nếu khơi dậy sức mạnh văn hóa là trực tiếp góp phần củng cố, xây dựng năng lực nội sinh của mỗi dân tộc thì giao lưu, quảng bá vừa trực tiếp đóng góp với văn hóa nhân loại vừa tạo dựng cầu nối giúp dân tộc này hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa của dân tộc khác. Từ đó khi cần và phù hợp thì có thể học hỏi, tiếp thu.
Về mặt xã hội, internet có hai đặc điểm nổi trội: một là tính đại chúng, vì chỉ với internet, máy tính hay điện thoại thông minh (smartphone) mọi người đều có thể “lên mạng”, và trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, X (trước đây là Twitter), Instagram… mỗi người có cơ hội tiếp xúc trên phạm vi rất rộng, có thể biểu lộ bản thân qua tâm sự, chia sẻ, đưa ý kiến về hiện tượng, sự kiện, vấn đề từ quá khứ đến hiện tại, từ trong nước đến ngoài nước, hoặc để quảng cáo, bán hàng online; hai là với internet, mỗi người đều có thể thành chủ thể sản xuất nội dung, có thể kiếm tiền nếu trang mạng có nhiều subscribe (đăng ký), chia sẻ, video được nhiều người truy cập, còn được chia sẻ doanh thu quảng cáo nếu đáp ứng yêu cầu của nhà mạng (như YouTube là: 1.000 subscribe, cộng 4 nghìn giờ xem công khai hợp lệ trong 12 tháng gần nhất, hoặc có 10 triệu lượt xem video ngắn công khai và hợp lệ 90 ngày gần nhất; TikTok trả tiền người sản xuất nội dung qua số lượt view - xem, video). Thiết nghĩ có thể coi đặc điểm thứ hai là cơ sở lý giải vì sao trên các nền tảng mạng xã hội, số TikToker (người chơi TikTok), YouTuber (người chơi YouTube)… gia tăng với tốc độ chóng mặt.
Từ đó, đẩy tới việc trong xã hội đã xuất hiện một số khái niệm như “nghề YouTube” (tạm định nghĩa: “Nghề dành cho người sản xuất video đăng tải lên nền tảng Youtube”?), “nghề TikTok” (tạm định nghĩa: “Nghề sử dụng TikTok đăng tải các video ngắn có nội dung về chủ đề nào đó”?).
2/Không chỉ cá nhân, hiện nhiều cơ quan báo chí, truyền thông từ trung ương đến tỉnh, thành phố cũng thích ứng bối cảnh mới bằng việc lập trang mạng xã hội riêng, kết hợp giữa thông tin đã đăng trên báo chí chính thức với thông tin, hình ảnh mới khai thác, và sự nhanh nhạy đã đem lại kết quả khả quan. Như đến nay trang YouTube ANTV có 7,05 triệu subscribe, VTV24 có 5,34 triệu subscribe, VTC Now 4,58 triệu subscribe... Từ lợi thế chuyên môn, điều kiện khai thác thông tin trên diện rộng, trình độ công nghệ… một số địa chỉ báo chí, truyền thông còn lập vài trang YouTube thông tin tổng hợp với đầy đủ chuyên mục về kinh tế, văn hóa, công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, quốc tế, bạn đọc, pháp luật…
Với văn hóa, không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ và trải rộng trên toàn cầu của các công cụ truyền tải thông tin, tri thức trên nền tảng internet đưa tới cơ hội cực kỳ thuận lợi cho quá trình giao lưu, truyền bá, quảng bá văn hóa giữa các dân tộc, giữa các quốc gia. Ở Việt Nam, thực tế cho thấy đã ra đời hàng chục nghìn trang mạng xã hội đăng tải vô số nội dung, việc hằng ngày truy cập internet để làm việc, hoặc tương tác, xem - nghe - đọc trên mạng xã hội đã trở thành hoạt động bình thường của hàng chục triệu người. Về cơ bản, các trang mạng xã hội thường do một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân thực hiện. Do điều kiện cơ sở vật chất, hoặc từ mục đích mà có trang còn sơ sài, có trang lại mang dáng dấp “kênh truyền hình” được đầu tư phương tiện hiện đại, có biên tập, MC, sưu tầm tư liệu minh họa, hình ảnh đẹp, sinh động, phát theo giờ.
Sơ bộ khảo sát ở đó có thể thấy sự phong phú, đa dạng liên quan mọi lĩnh vực của văn hóa như: lối sống, nếp sống, phong tục, tập quán, thần thoại, truyền thuyết, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật dân gian, văn học dân gian, kịch hát truyền thống, trò chơi, địa lý, lịch sử, dã sử, ngôn ngữ, giáo dục, hôn nhân và gia đình, gia đình và dòng họ, cơ cấu tổ chức làng xã và đô thị qua các thời kỳ lịch sử, bản sắc văn hóa mỗi dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc, văn học, nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, giá trị văn hóa cổ truyền và truyền thống, văn hóa quân sự, giá trị văn hóa du nhập qua quá trình tiếp biến với văn hóa khu vực hoặc thế giới, ẩm thực, lễ hội, du lịch, di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, thời trang, thị hiếu…
3/Ý thức nghiêm túc về vai trò văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển, là nguồn lực nội sinh của dân tộc từ quá khứ, hiện tại đến tương lai… nhiều YouTuber, Facebooker, TikToker… đã thể hiện tính tích cực xã hội trong nỗ lực khảo sát, tìm hiểu, chọn lọc, khái quát, sưu tầm tư liệu để sáng tạo nhiều video bao hàm hai mặt thống nhất: vừa cung cấp cho người đọc, người xem ở trong nước những tri thức, hiểu biết lành mạnh về tinh hoa văn hóa dân tộc, cổ vũ và biểu dương hành vi văn hóa xuất hiện trong cuộc sống, hướng đến sự phát triển; vừa chuyển tải tri thức, hiểu biết đó đến bạn bè quốc tế qua thuyết minh, phụ đề tiếng nước ngoài. Tiếp cận một cách khách quan, từ quan điểm lịch sử, một số người đã chỉ rõ hạn chế, lý giải nguyên nhân đẩy tới quan niệm, biểu hiện không còn phù hợp của văn hóa quá khứ, hoặc các hiện tượng tiêu cực mới nảy sinh, kêu gọi cộng đồng chung sức khắc phục. Không thu hút người xem bằng đề tài câu khách, nội dung giật gân, phản cảm, mà chỉ bằng việc làm có ý nghĩa hướng thiện, gắn liền cuộc sống giản dị đời thường, kết hợp nỗ lực tìm hiểu, khám phá, sáng tạo… nhiều trang YouTube vẫn được hàng triệu người đăng ký, được đánh giá cao như trang của Hoàng Nam (4,15 triệu subscribe), Quang Linh (3,82 triệu subscribe), Phạm Tân (2,9 triệu subscribe), Thế Nhân (1,21 triệu subscribe)… Dù chưa đạt con số trên, nhưng các trang có liên quan văn hóa của Thanh Tùng, Sỹ Ngọc, Văn Tú, Dube Nguyễn, Tất Thắng,… cũng được nhiều người ghi nhận vì đem đến một số hiểu biết và cảm xúc, ấn tượng lành mạnh.
Tuy nhiên, như đã trình bày, việc các nền tảng mạng xã hội lấy số lượng subscribe, số lượt view để trả tiền… đã khiến không ít người vì mục đích kiếm tiền mà tìm mọi cách tạo sự hấp dẫn, lấy hiếu kỳ, câu khách, giật gân, phản cảm, thậm chí dung tục, nhảm nhí, dối trá, bịa đặt… thay thế cho sự nghiêm túc, cẩn trọng, có trách nhiệm của người truyền bá thông tin, cá biệt có trường hợp còn bỏ qua lòng tự trọng, tự tôn dân tộc…
(Còn nữa)