Làm gì để không còn tình trạng nói "không" với sinh viên tại chức, trường dân lập?

NDO - Tại kỳ thi công chức năm 2011 của tỉnh Nam Ðịnh diễn ra ngày 16, 17-10, Sở Nội vụ Nam Ðịnh đã tuyên bố "Người dự tuyển công chức phải có đủ các điều kiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, được đào tạo hệ chính quy tập trung dài hạn tại các trường công lập..." và ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Ðịnh cho biết: "Tỉnh Nam Ðịnh không chủ trương tuyển dụng công chức là những người tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục hay tại chức". 

Như vậy, theo chủ trương này thì sinh viên tốt nghiệp các trường đại học tư thục như Ha-vớt (Harvard) lẽ nào cũng không được làm tại Nam Ðịnh? Tôi rất ngạc nhiên trước thông tin này. Lãnh đạo Sở Nội vụ Nam Ðịnh và ông Chủ tịch UBND tỉnh Nam Ðịnh chắc chắn phải là những người nắm vững nội dung của Luật Giáo dục 2005 và Luật Giáo dục bổ sung (có hiệu lực từ ngày 1-7-2010) cũng như Luật Viên chức và Luật Cán bộ công chức 2008.

Vì sao dẫn đến hiện tượng này? Có thể thấy ngay là chất lượng giáo dục của ta đặc biệt là hệ thống giáo dục ngoài công lập, hệ tại chức thật sự đang có nhiều vấn đề mà công luận đã nhiều lần nói đến. Nghe nói có trường đại học mà thủ khoa đạt điểm 12 thì thật không sao hiểu nổi. Lại có trường thưởng máy tính cho sinh viên nhập học (?). Có trường lấy điểm chuẩn thấp đến mức thấp chưa từng có từ trước tới nay. Tại các nước phát triển đầu vào rất rộng rãi (trừ một số trường đặc biệt) nhưng việc xét duyệt chứng chỉ lên từng lớp là hết sức nghiêm túc. Ai học giỏi có thể bỏ qua một số niên học, ngược lại ai học kém thì nghỉ học hay kéo dài thời gian học thêm nhiều năm mới tốt nghiệp được. Không có nước nào ai vào đại học, cao đẳng đều tốt nghiệp hết như ở nước ta. Mặt khác chúng ta đã mở quá nhiều trường không đạt chuẩn như đã quy định. Nhẽ ra trường nào không đủ số giáo viên cơ hữu (thật sự chứ không phải trên giấy đăng ký) thì không được mở. Ngành nào không đủ chuyên gia và phòng thí nghiệm chuyên đề thì không được mở. Giảng viên nào không có giáo trình đã in (có thể của người khác) thì không được lên lớp. Ngành nào nhu cầu xã hội không có thì đừng đào tạo nhiều. Các ngành khoa học cơ bản là xương sống cho nền khoa học nước nhà không cần tuyển sinh nhiều nhưng phải tuyển các học sinh xuất sắc (muốn vậy phải có chế độ ưu đãi về học bổng, ký túc xá, điều kiện học tập, nghiên cứu và nơi công tác phù hợp sau khi tốt nghiệp, hoặc được đưa đi đào tạo thêm trong và ngoài nước). Tôi có dịp đi qua nhiều nước, trường tư thục thường danh giá hơn các trường công lập, vì có các phòng nghiên cứu hiện đại và có nhiều giáo sư giỏi. Ta chưa đạt được như vậy nhưng đâu phải trường tư thục nào cũng kém chất lượng?

Ông Trần Tất Tiệp, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Ðịnh cho rằng: "Tỉnh không tuyển sinh viên dân lập, liên thông vào đơn vị hành chính, còn đối với các đơn vị sự nghiệp thì các em vẫn được dự tuyển..." và "Ðơn vị hành chính của tỉnh rất ít so với các đơn vị sự nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan hành chính lại vô cùng quan trọng vì đóng vai trò tham mưu, thiết kế các chính sách cho lãnh đạo tỉnh, vì thế chủ trương của chúng tôi là phải đặc biệt nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác bộ máy hành chính. Dĩ nhiên, không phải tự dưng mà tỉnh ra quyết định đó. Chúng tôi đã có quá trình đánh giá sơ bộ về việc tuyển dụng sinh viên. Phải nói thẳng là sinh viên hệ dân lập có đầu vào rất thấp, không thể so với sinh viên các trường công lập. Với quyết định này, chúng tôi mong có sự đột phá trong việc nâng cao chất lượng bộ máy hành chính của tỉnh. Toàn bộ việc này tỉnh công khai, minh bạch và nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân".

Với lời phát biểu này thú thật tôi không tin sẽ có bất kỳ sự đột phá nào, vì sinh viên công lập cũng thiếu gì em dốt và lười, ngược lại sinh viên dân lập tuy nói chung có kém hơn nhưng không phải không có các em rất xuất sắc do có quyết tâm phấn đấu. Mặt khác có thể có em học khá nhưng ham chơi thì có tuyển vào cũng sẽ thua xa các em học chưa khá nhưng hiếu học, vượt khó để tiến bộ. Thi tuyển theo luật định là hợp lý nhưng nên có thời gian tập sự, ai không đủ năng lực hay thiếu phẩm chất tốt thì cơ quan có thể đào thải theo quy định của Luật Cán bộ, công chức. Mong rằng lãnh đạo tỉnh nên tiếp thu ý kiến của đông đảo công chúng để ngừng ngay lại những chủ trương vừa trái pháp luật vừa thiếu khách quan này.

Theo tôi, để tuyển được cán bộ giỏi, điều quan tâm đầu tiên và quan trọng nhất là tìm phương thức tuyển chọn chính xác, khách quan và không để xảy ra tình trạng chọn nhầm người vì vị nể, vì... bất cứ lý do gì.