Băng đĩa lậu đã là một căn bệnh trầm kha để lại nhiều hậu quả xấu. Mỗi năm các công ty phát hành băng đĩa 'chính danh' đã bị thiệt hại hàng tỷ đồng từ nạn sao chép băng đĩa bất hợp pháp. Cùng đó sự tràn lan đĩa nội dung xấu luôn là mối nguy hại, làm suy thoái đạo đức ở một số bộ phận thanh niên trẻ gây nhiều nhức nhối với cộng đồng.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh băng, đĩa trái phép tồn tại từ hàng chục năm nay mà chưa có 'phương thuốc' đặc trị. Băng, đĩa lậu tung hoành khắp nơi là chuyện cũ và cũng luôn là chuyện mới.
Cơ quan chức năng nhiều lần đã ra quân truy quét, tổ chức tiêu hủy số lượng lớn băng, đĩa lậu, nhưng tình hình chỉ như 'bắt cóc bỏ đĩa'. Băng, đĩa lậu xuất hiện rầm rộ nhất là vào dịp Tết, khi đó các đầu nậu huy động lực lượng in sao hàng loạt băng, đĩa lậu giao cho các cửa hàng bày bán đĩa ở nhiều đường phố, khu dân cư và các chợ quê; đáng kể là sự góp mặt của 'đại lý di động' tiêu thụ sản phẩm này ở khắp 'hang cùng, ngõ hẻm'. Ðó là đội quân bán băng, đĩa rong đông đảo và hầu hết là người xuất xứ lao động giản đơn, họ có mặt ở bến tàu, bến xe, quán bia... Bởi vậy ở nhiều thành phố, thị xã, thị trấn ta thường bắt gặp một số người tay xách chiếc khay nhỏ lượn lờ vòng quanh bến xe, công viên, vườn hoa, các quán cà-phê giới thiệu đĩa lậu. Ðể làm ra một cuốn băng, đĩa hoàn chỉnh, các nhà sản xuất, các nghệ sĩ tốn biết bao tiền của, công sức. Ðĩa lậu nay biến tướng với nhiều hình thức. Ðầu nậu có thể in sao trái phép nguyên nội dung hoặc cóp nhặt chương trình ở nhiều đĩa khác nhau rồi sao ra đĩa lậu và làm nhãn 'bắt mắt' để bán. Việc in sao, phát tán đĩa trái phép là hành vi vi phạm bản quyền trắng trợn. Ai cũng biết chất lượng đĩa lậu thua xa đĩa thật, nhưng giá rẻ, cho nên nó vẫn có sức hấp dẫn với người tiêu dùng.
Có nhiều nguyên nhân khiến vấn nạn sao chép băng đĩa tràn lan là vì sự phát triển của công nghệ, máy vi tính và internet, đặc biệt là việc buông lỏng các cơ sở sản xuất đĩa trắng (đĩa quang) và chuyện không kiểm soát được vật liệu sản xuất đĩa quang... Hiện đĩa quang được mua ở thị trường rất rẻ. Chỉ cần qua một đầu ghi đĩa và máy vi tính, các 'đầu nậu' đã có thể sao chép hàng loạt băng đĩa với giá thành rất rẻ (do không phải bỏ chi phí đầu tư, mua bản quyền...) nên đã 'đánh gục' các nhà sản xuất băng đĩa chân chính.
Trước vấn nạn băng đĩa lậu ở nhiều vùng, lãnh thổ và quốc gia như: Hồng Công, Ma Cao (Trung Quốc)... đã ban hành luật về đĩa quang để quản lý các đĩa gốc. Theo đó, đối với các nhà máy sản xuất đĩa trắng, bắt buộc phải có mã nhận dạng nguồn (mã SID) kể cả trên đĩa gốc lẫn đĩa nhân bản để quản lý xuất xứ của các 'đĩa trắng' từ đó dễ truy ra đối tượng sử dụng đĩa trắng sao chép lậu. Ðiều này giúp hạn chế nạn sao chép lậu có quy mô lớn từ đĩa trắng. Ở nước ta, theo pháp luật hiện hành, chỉ tập trung xử lý đĩa có nội dung, còn đối tượng 'đĩa trắng' thì chưa được luật điều chỉnh và chỉ xem đó là loại hàng hóa bình thường.
Việc sản xuất, xuất nhập khẩu các loại đĩa trắng ở nước ta thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại... cũng không nằm trong danh mục những hàng hóa đặc biệt hạn chế, hay đánh thuế đặc biệt. Bởi vậy ai cũng có thể dễ dàng mua được đĩa này với giá rẻ trên thị trường.
Trong cuộc chiến truy quét băng, đĩa lậu cơ quan chức năng như ngành văn hóa, quản lý thị trường cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền các địa phương. Ngoài việc tịch thu băng, đĩa lậu thì hình thức xử lý đối với người vi phạm cần nặng tay và nếu cần đưa ra truy tố trước pháp luật. Ðối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đĩa cũng cần tìm cách hạ giá thành sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin chống in sao, làm giả; đồng thời, tổ chức tốt mạng lưới phát hành rộng rãi tới người tiêu dùng.
Việc thanh kiểm tra, kiểm soát đĩa lậu hiện nay thực ra chỉ là giải pháp phần 'ngọn'. Vấn đề nằm ở việc quản lý xuất xứ của các đĩa trắng - thì chưa được quan tâm. Vì vậy Nhà nước nên sớm ban hành luật về đĩa quang để hạn chế tình trạng sao chép băng đĩa lậu đang hoành hành.