Nhạc sĩ Ngô Sỹ Ngọc:

Làm chàng trai H’Mông hát quảng bá du lịch

Du lịch song hành cùng nghệ thuật là xu hướng thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách. Ở cao nguyên đá Hà Giang, nhạc sĩ Ngô Sỹ Ngọc (nghệ danh A Páo) đang sáng tác và đàn, hát để quảng bá và kêu gọi du khách đến với cao nguyên đá. Sở hữu kênh YouTube cá nhân với gần 300 nghìn lượt theo dõi. Ngọc vừa làm nghệ thuật, vừa làm du lịch, tạo ấn tượng tốt với du khách trong và ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Một kỷ niệm với du khách nước ngoài của nhạc sĩ Ngô Sỹ Ngọc.
Một kỷ niệm với du khách nước ngoài của nhạc sĩ Ngô Sỹ Ngọc.
Làm chàng trai H’Mông hát quảng bá du lịch ảnh 1

Phóng viên (PV): Là tác giả của ca khúc nổi tiếng “Tìm em câu ví sông Lam”, “Hà Tĩnh quê ơi” đạt hàng trăm triệu lượt nghe trên các nền tảng mạng xã hội, khán giả bất ngờ hơn khi thấy các bài hát của người con gốc xứ Nghệ lại vang lên trên cao nguyên đá Hà Giang như: “Về miền đá tìm em”, “Thết bạn”, “Trường vùng đá”… Tại sao anh chọn gắn bó với mảnh đất này?

Nhạc sĩ Ngô Sỹ Ngọc: Sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, tôi nhận được nhiều lời mời về các đoàn nghệ thuật làm việc, nhưng tôi chọn Hà Giang - đây là quê hương thứ hai của tôi. Khi sống ở Hà Giang, tôi được đắm chìm vào những không gian văn hóa đậm đà bản sắc cùng khung cảnh tuyệt đẹp. Đất và người nơi đây làm cho âm nhạc của tôi có “chất” riêng. Tôi sáng tác về cao nguyên đá như một nhu cầu hằng ngày, như chúng ta đói phải ăn, khát phải uống vậy.

PV: Ít người biết tên anh, họ gọi anh như người ở bản: A Páo. Một “chàng trai người H’Mông” tiếp đón, phục vụ du khách khắp mọi miền khi đến Hà Giang. Trong “vai” A Páo, anh muốn gửi thông điệp gì đến các du khách?

Nhạc sĩ Ngô Sỹ Ngọc: Ngay từ ngày đăng những video đầu tiên lên mạng xã hội (YouTube, Facebook), cái tên A Páo đã đem về nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh người cổ vũ, ủng hộ thì tôi nhận được không ít “gạch, đá” từ những người phản đối. Tôi là người kiên định, luôn bám sát vào mục tiêu của mình nên chỉ cười vui trước những lời lẽ khiếm nhã, quá khích. Quyết định sắm vai “A Páo” (Páo trong tiếng H’Mông khi dịch ra tiếng Việt là Ngọc) được tôi đưa ra sau một thời gian dài cân nhắc. Trong trang phục của người H’Mông, tôi muốn tiếp đón các du khách khắp nơi về với Hà Giang, kể cho du khách thấy rằng, người H’Mông thật dễ mến và đa tài với những tiếng khèn, điệu nhảy rộn vui, những tiếng sáo ngân vang tha thiết.

PV: Du lịch kết hợp với văn hóa, nghệ thuật là một xu hướng không mới nhưng chưa bao giờ lỗi thời. Du khách ấn tượng với anh nhất ở điều gì: khả năng sáng tác, chơi nhạc cụ, hay giọng hát?

Nhạc sĩ Ngô Sỹ Ngọc: Thời gian đầu tôi làm quán cà-phê trên đỉnh Mã Pì Lèng, du khách dừng lại nghỉ ngơi, uống nước rất ít, nhưng khi tôi mặc bộ trang phục người H’Mông sắm vai “A Páo” với tiếng sáo, tiếng khèn và hát lên, các đoàn khách đi qua đều dừng lại lắng nghe, thưởng thức, họ quay phim chụp ảnh và chia sẻ với tôi như những người bạn. Tất cả các tiết mục mỗi ngày tôi đều ghi hình lại và đăng lên YouTube. Chính sự mộc mạc giản dị cùng những nét riêng tạo nên hình ảnh một “nghệ sĩ” biểu diễn trên đỉnh Mã Pì Lèng đã thu hút rất nhiều khán giả. Phần lớn người xem các video trên kênh của tôi đều muốn lên thăm Hà Giang. Có nhiều người đã lên Hà Giang nhiều lần và lần nào cũng đến chỗ tôi chỉ để yêu cầu thổi cho họ nghe một bài sáo, hát cho họ nghe một ca khúc của tôi về cao nguyên đá.

PV: Được biết anh còn là một nhà thiện nguyện năng nổ. Đi làm từ thiện, những thuận lợi và khó khăn của anh là gì?

Nhạc sĩ Ngô Sỹ Ngọc: Khi kênh YouTube đã có một lượng lớn khán giả, nhiều người đề nghị tôi đi quay các bản làng cho họ xem. Trong quá trình thực hiện các video về làng bản, tôi đã ghi lại những nơi đi qua, những người đã gặp. Trong đó có nhiều cảnh đời quá khó khăn. Nhiều khán giả đã chủ động chuyển cho tôi tiền để nhờ tôi đi giúp đỡ họ. Mỗi chuyến đi tặng quà về tôi lại đăng video lên YouTube và cứ thế, số lượng ủng hộ của khán giả dành cho các hoàn cảnh khó khăn ngày càng nhiều hơn.

Khó khăn trên hành trình của tôi chủ yếu thuộc về đường sá. Ở nơi đá núi cheo leo, có nhiều bản không có đường cho xe đi vào. Tôi phải gửi xe và đi bộ theo những lối mòn, một bên vách núi, một bên là vực sâu. Trong quá trình làm từ thiện, có nhiều mảnh đời rất đáng thương, nhưng có lẽ tôi cảm động nhất là một em bé người H’Mông tên Dzi bị mù cả hai mắt nhưng em rất mê học thổi sáo. Tôi đã nhận em làm học trò, mua sáo tặng em và dạy em thổi. Giờ Dzi đã thổi sáo rất bài bản, tôi rất vui!

PV: Cảm ơn anh! Mong âm nhạc của anh ngày càng đến với nhiều khán giả và du khách.