Lãi suất huy động tăng mạnh, người dân đua nhau gửi tiền

Những ngày gần đây các ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động một phần củng cố vốn cho ngân hàng nhưng mặt khác tăng nhằm giữ chân khách hàng để dòng tiền không bị chảy sang ngân hàng khác.
0:00 / 0:00
0:00
Giao dịch tại Ngân hàng Bảo Việt. Ảnh | Baovietbank
Giao dịch tại Ngân hàng Bảo Việt. Ảnh | Baovietbank

Nhiều khách hàng đánh giá trước kia tiền gửi tiết kiệm vốn đã là kênh đầu tư truyền thống được ưa thích cho khoản tiền nhàn rỗi, thì nay lại càng hấp dẫn hơn khi nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động trong khi các kênh đầu tư khác tiềm ẩn rủi ro.

Lãi suất huy động vào guồng tăng

Nếu như cùng thời điểm này năm trước, số ngân hàng huy động lãi suất tiết kiệm cao nhất trên 7%/năm chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì nay, đã có ngân hàng huy động trên 10%/năm trong một thời gian ngắn với các điều kiện kèm theo và một nửa số ngân hàng trong hệ thống niêm yết lãi suất cao nhất trên 8%/năm.

Nhiều ngân hàng đã ghi nhận mức lãi suất cao nhất lên tới 8,5%-8,7%/năm, điển hình là lãi suất niêm yết cao nhất vượt 8%/năm như Vietcapitalbank (8,9%), Nam A Bank (8,5%), MB và VPBank (8,6%), Techcombank (8,5%), SHB (8,4%), Sacombank (8,0%). Một số ngân hàng khác như BacABank, GPBank, ABBank, Kienlongbank cũng có mức lãi suất cao tương tự.

Đáng chú ý, trong số các ngân hàng này, SCB vừa công bố bảng lãi suất huy động mới với mức cao kỷ lục 9,3%/năm cho các kỳ hạn 15, 18, 24, 36 tháng (áp dụng cho hình thức gửi tiền trực tuyến, nhận lãi cuối kỳ). Đây cũng là mức lãi suất cao nhất thị trường hiện tại.

Không nằm ngoài cuộc, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước cũng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi thêm 1% trong đợt này, nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Kỳ hạn từ 6 tháng được niêm yết 6%, còn kỳ hạn 12 tháng là 7,4%/năm.

Tính trung bình lãi suất huy động nhiều kỳ hạn tại các ngân hàng đã tăng từ 1,5%-2%/năm so với hồi đầu năm.

Động thái tăng loạt lãi suất huy động của các ngân hàng do từ 25/10, Ngân hàng Nhà nước đã tăng trần lãi suất huy động tiền gửi lên 6%/năm, cùng với việc tăng một loạt lãi suất điều hành khác. Đây là lần tăng lãi suất thứ hai của nhà điều hành chỉ sau hơn 1 tháng.

Quyết định tăng lãi suất điều hành lần này của Ngân hàng Nhà nước là bước đi tiếp theo, sau khi cơ quan này nâng biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và USD. Theo nhiều chuyên gia, sự phối hợp đồng bộ giữa các công cụ chính sách tiền tệ sẽ góp phần đạt được hai mục tiêu quan trọng là bảo đảm giá trị đồng tiền và kiểm soát lạm phát.

Để tránh cho giá cả hàng hóa thực phẩm tăng cao, tăng lãi suất là một trong những biện pháp góp phần kiểm soát lạm phát. Có thể lấy thí dụ, đơn cử như khi lãi suất thấp, người tiêu dùng có thể sẽ có nhu cầu vay để mua hàng hóa, nhưng khi lãi suất tăng thì họ sẽ cần cân nhắc hơn. Vì vậy, nhu cầu vay tiêu dùng, nhu cầu vay đầu tư của các doanh nghiệp cũng sẽ giảm, qua đó, làm giảm sức ép đối với xu hướng tăng giá cả.

"Lãi suất tăng lên sẽ làm giảm nhu cầu đầu tư trong nền kinh tế, các doanh nghiệp phải cân nhắc hơn trong nhu cầu đầu tư, do vậy sẽ không tạo ra sức ép với tổng cầu trên phương diện là các doanh nghiệp phải tăng đầu vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh", GS, TS Trần Thọ Đạt, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết.

Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định khi lãi suất tăng, đồng nghĩa giá đồng tiền sẽ tăng lên. "Nếu không tăng lãi suất thì đồng nghĩa chúng ta tự phá giá đồng tiền của mình. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam, làm lạm phát tăng lên," ông Nghĩa nói.

Việc tăng lãi suất tiền đồng cũng được nhận định nhằm bảo đảm mức lãi suất thực dương cho người gửi tiền. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 8, người dân đang gửi hơn 5,63 triệu tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, tăng hơn 6,3% so với cuối năm 2021.

Lãi suất huy động tăng mạnh, người dân đua nhau gửi tiền ảnh 1

Lãi suất tiền gửi đang hấp dẫn. Nguồn | Vietnamnet

Dòng tiền đã có sự dịch chuyển

Việc các ngân hàng đang "đua" nhau tăng mạnh lãi suất đã khiến cho dòng tiền có sự dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.

Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại thừa nhận trong các ngày qua, do lãi suất giữa các ngân hàng chênh nhau nên dòng tiền có sự chuyển dịch liên tục từ nơi này đến nơi khác. Một số khách hàng đã rút tiền từ các ngân hàng lớn có lãi suất thấp để gửi vào các ngân hàng thương mại có lãi suất cao hơn. Bởi vậy, sẽ khó tránh được việc một số ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất huy động để cạnh tranh, thu hút nguồn vốn phục vụ cho nhu cầu cuối năm.

Chị Nguyễn Bích Hạnh (Long Biên, Hà Nội) cho biết tài khoản chứng khoán của chị đang lỗ trên 50% sau đợt thị trường liên tục giảm điểm trong khoảng gần hai tháng qua nhưng chị chưa có ý định nộp thêm tiền để mua trung bình giá hoặc bắt đáy cổ phiếu mà quyết định gửi tiết kiệm.

"Thấy lãi suất huy động tăng, cách đây hai tuần tôi chọn gửi tiết kiệm tại một ngân hàng có kỳ hạn sáu tháng với lãi suất là 6,8%. Tuy nhiên tôi đã hủy sổ để gửi tại ngân hàng khác để hưởng lãi suất 7,8%. Trong khi chứng khoán thời điểm này quá rủi ro. Xưa nay, tài sản đầu tư của tôi cũng luôn để 50% vào gửi tiết kiệm vì đây là kênh đầu tư an toàn", chị Huyền nói.

Ngược lại, cũng có khách hàng còn tỏ ra e ngại khi lãi suất tăng nhanh đột biến. Chị Hồng Liên (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Tuy có nhiều ngân hàng lãi suất cao hơn nơi tôi đang gửi tới 1%. Nhưng không biết liệu lãi suất cao như vậy thì có an toàn hay không. Hoặc khi cần rút tiền mặt gấp thì các ngân hàng nhỏ có đáp ứng kịp không. Vì thế tôi vẫn giữ nguyên khoản gửi ở ngân hàng lớn, dù lãi suất thấp hơn tương đối".

Lãnh đạo các ngân hàng khuyến cáo, người dân không nên rút tiền từ ngân hàng này chuyển sang ngân hàng khác như vậy sẽ dẫn đến khách hàng sẽ bị thiệt thòi vì không được hưởng lãi suất. Bên cạnh đó ngân hàng cũng sẽ khó cân đối được dòng tiền, gây khó khăn cho kế hoạch kinh doanh.

Dù vậy, các chuyên gia vẫn dự báo dòng tiền sẽ tiếp tục chảy vào ngân hàng nhiều hơn. Với mức lãi suất hiện nay sẽ hút lượng tiền gửi trước đây để ở tài khoản vãng lai, không kỳ hạn chuyển sang tiết kiệm. Thông thường đây cũng là dòng vốn lớn từ các tổ chức, doanh nghiệp. Khi đó, các ngân hàng cũng chủ động hơn trong việc sử dụng nguồn vốn.

Dù vậy, không khó để nhận thấy chi phí đầu vào của các ngân hàng tăng nhanh sẽ không tránh khỏi những áp lực lên lãi suất đầu ra.