1/Đó là một trong những nội dung của Thông báo số 101/TB-VPCP về việc xử lý sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam của Văn phòng Chính phủ ngày 28/3/2023. Thông báo còn nêu rõ: Thực hiện Kết luận thanh tra số 447/KL-TTCP ngày 30/3/2018 và số 1412/KL-TTCP ngày 23/8/2018 của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan đã tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra, tuy nhiên một số nội dung chưa được thực hiện dứt điểm.
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu cần rà soát kỹ các vi phạm liên quan đến quá trình cổ phần hóa và những vướng mắc trong thực hiện Kết luận thanh tra và kiến nghị biện pháp xử lý khả thi, đúng quy định của pháp luật, giải quyết dứt điểm.
2/Từ sau cổ phần hóa năm 2016, Hãng phim truyện Việt Nam đã không sản xuất thêm một bộ phim nào. Cơ sở vật chất của Hãng xuống cấp, hỏng hóc trầm trọng. Cán bộ, nghệ sĩ, nhân viên thuộc biên chế của Hãng bị cắt, giảm lương phải tìm mọi nghề kiếm sống. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2018, có nhiều sai phạm trong cổ phần hóa như: lựa chọn tổ chức tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa; quản lý sử dụng và thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai; quản lý tài sản, tiền vốn và hoạt động kinh doanh; việc xác định giá trị thương hiệu; chọn lựa và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược; lập danh sách, xây dựng phương án sử dụng lao động.
Trước tình hình đó, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) đã đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ sớm có ý kiến hướng dẫn về việc thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư chiến lược để giải quyết tận gốc những vấn đề vướng mắc, sớm ổn định tình hình, có cơ sở bảo đảm quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Thanh tra Chính phủ cũng đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ VHTT&DL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo quy định để cho nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Vận tải Thủy (Vivasco) xin rút vốn trước thời hạn. Về vấn đề nguồn tiền để mua lại cổ phần, Bộ Tài chính đã chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đề xuất lấy nguồn từ Quỹ hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp để hoàn trả lại cổ phần cho nhà đầu tư.
Tuy vậy, trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ VHTT&DL ngày 24/3, trả lời cho vấn đề này, bà Phan Linh Chi, Phó Vụ trưởng Kế hoạch tài chính (Bộ VHTT&DL) cho biết, Vivasco chưa đưa ra được những tính toán hợp lý, hợp lệ, tiến hành những thủ tục có liên quan và đề xuất cụ thể về số tiền nhận lại để hoàn trả cổ phần đã mua của Nhà nước tại Hãng phim truyện Việt Nam. Phản hồi ý kiến đó, đại diện Vivasco cũng nêu ý kiến đã muốn thoái vốn theo đúng quy định hiện hành từ năm 2018 nhưng do chưa tìm được tiếng nói chung do Bộ VHTT&DL đang thực hiện theo phương án “thu hồi cổ phần”. Bởi thoái vốn với thu hồi cổ phần là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau về bản chất.
3/Sự việc vướng mắc hy vọng gỡ được nút thắt khi trong thông báo mới nhất của Văn phòng Chính phủ ngày 28/3 vừa qua tiếp tục nêu rõ: Bộ VHTT&DL có phương án củng cố, sắp xếp Hãng phim truyện Việt Nam phù hợp tình hình và luật pháp hiện hành để thúc đẩy hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và giữ gìn, phát huy truyền thống Hãng phim truyện Việt Nam.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh quản lý các cơ sở nhà đất đã được thu hồi theo Kết luận thanh tra số 447/KL-TTCP ngày 30/3/2018 và số 1412/KL-TTCP ngày 23/8/2018 của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam tại địa chỉ số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội và số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh và xử lý dứt điểm những vấn đề liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, số phận của Hãng phim truyện Việt Nam sẽ sáng sủa hơn, giữ gìn và tiếp tục được phát triển đúng hướng với thương hiệu là “anh cả đỏ” nền điện ảnh Việt Nam.
Hãng phim truyện Việt Nam, tiền thân là Doanh nghiệp Quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập ngày 15/3/1953. Đến năm 1959, Hãng chính thức ra đời, đặt trụ sở tại số 4 Thụy Khuê, Hà Nội. Đây là nơi sản xuất bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam “Chung một dòng sông”, và sau đó là những tác phẩm xuất sắc như: “Chị Tư Hậu”, “Con chim vành khuyên”, “Nổi gió”, “Vĩ tuyến 17, ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Đến hẹn lại lên”, “Sao tháng 8”, “Bao giờ cho đến tháng mười”, “Chị Dậu”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Đời cát”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Giải phóng Sài Gòn”... Sau nhiều năm hoạt động thua lỗ, hãng đã tiến hành cổ phần hóa năm 2016.