Kỳ nhân thổi tiêu bằng mũi

Không chỉ có năng khiếu, mà còn là sự yêu nghề, tận hiến với nghề, đó là những gì người ta nói về NSƯT Kim Đan, một “kỳ nhân” của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng. Hơn 30 năm qua, biệt tài thổi tiêu bằng mũi của anh trở thành tiết mục độc đáo, mang đậm dấu ấn không chỉ trong đồng bào Khmer mà còn tạo tiếng vang tại các chương trình, liên hoan nghệ thuật toàn quốc.
0:00 / 0:00
0:00
NSƯT Kim Đan luyện tập thổi sáo bằng mũi.
NSƯT Kim Đan luyện tập thổi sáo bằng mũi.

Bén duyên với ống tiêu từ thuở nhỏ

Kim Đan ngồi lặng lẽ trong một góc sân khấu, tay phải là ống tiêu, tay trái cầm điếu thuốc, rít từng hơi nhè nhẹ. Thi thoảng, trên đôi môi nở một nụ cười, nụ cười khiến khuôn mặt ngăm đen trở nên đáng mến một cách kỳ lạ. Kim Đan ngồi đó, quan sát từng người trong đoàn tập luyện. Không khí náo nhiệt, bỗng lắng lại khi Kim Đan cất tiếng tiêu. Tiếng tiêu không phát ra từ miệng, mà từ mũi. Tiếng tiêu du dương, lơ lửng giữa không trung, như tiếng chim lảnh lót, chạm vào tâm hồn người nghe, đủ để cảm nhận được những gì sâu lắng nhất. Một lãnh đạo Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng ghé tai tôi: NSƯT Kim Đan là một trong những hạt nhân của đoàn. Một nghệ sĩ thành danh từ rất sớm và tạo dấu ấn trong nền âm nhạc Khmer.

Trò chuyện với Kim Đan, tôi cảm nhận ngay được sự hồn hậu nơi anh. Anh nói ít, cười nhiều. Nụ cười không giấu được sự mộc mạc, giản dị và khoáng đạt. Nói về nghề, về những ngày đầu lập nghiệp cho đến khi thành tài, Kim Đan kể một cách say sưa. Thi thoảng, đôi mắt anh hướng lên sân khấu, nơi các bạn trẻ chăm chú luyện tập và mỉm cười: “Nếu không theo âm nhạc, chắc cuộc đời tôi cũng đã rẽ sang hướng khác”. Kim Đan kể, anh sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm nghề nông ở huyện Trần Đề. Từ bé cho đến tuổi thanh niên, anh chỉ quanh quẩn với vườn tược, đồng áng. Cha của Kim Đan cũng là nông dân, nhưng có thêm nghề tay trái là nghệ sĩ kéo đàn cò cho ban nhạc của ấp, lúc nông nhàn lại đi biểu diễn tại các lễ hội, đám cưới. Cha đi diễn thường dẫn Kim Đan đi cùng giúp những việc lặt vặt. Lên 7, lên 8, khi nghe quen những giai điệu, Kim Đan xin cha học nhạc. Nhạc cụ anh lựa chọn là chiếc ống tiêu, bởi anh thích tiếng nhạc của nó. Được một người bạn hướng dẫn tận tình về kỹ thuật, cứ mỗi khi rảnh rỗi, dưới lũy tre sau nhà, Kim Đan lặng lẽ tập luyện. “Hàng tháng trời tập luyện, những âm thanh trầm bổng mới ngân lên được. Khi luyện thành thạo, tôi đam mê, coi chiếc ống tiêu là bạn để gửi gắm những niềm vui, nỗi buồn của mình”, NSƯT Kim Đan kể lại.

Kỳ nhân thổi tiêu bằng mũi ảnh 1

Không chỉ thổi tiêu, NSƯT Kim Đan (ngoài cùng bên phải) còn biết chơi nhiều loại nhạc cụ khác.

Những cuộc “kỳ ngộ”

Mặc dù là tay thổi tiêu “khét tiếng” trong làng, nhưng có lẽ, Kim Đan cũng sẽ chỉ dừng lại là một nhạc công nghiệp dư, thi thoảng biểu diễn ở các lễ hội. Ấy thế mà vì chữ “duyên”, vì những cuộc “kỳ ngộ”, cuộc đời anh rẽ sang một hướng khác, một hướng đi mà anh chưa bao giờ nghĩ đến, đó là trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Năm 1991, khi Kim Đan bước sang tuổi 19, một lần, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng về quê anh biểu diễn phục vụ lễ hội. Như bao trai làng, Kim Đan hòa vào dòng người đi xem hội, xem biểu diễn nghệ thuật. Trong giờ giải lao của đoàn, thấy không khí khá yên ắng, Kim Đan đưa ống tiêu lên thổi một vài giai điệu. Tiếng tiêu của anh vô tình lọt vào tai NSƯT, nhạc sĩ Lương Sơn, Trưởng đoàn nghệ thuật. Ông chạy ra ngoài xem thì thấy một chàng thanh niên Khmer đang say sưa thổi tiêu. Đến bên chàng trai trẻ, NSƯT Lương Sơn bảo: “Cháu thổi một bài cho chú nghe”. Chưa biết đó là ai, nhưng Kim Đan vẫn nhiệt tình biểu diễn. Thấy chàng trai này có tài, NSƯT Lương Sơn đã nhận Kim Đan vào đoàn làm nhạc công tập sự.

NSƯT Lương Sơn đã không nhìn lầm người. Chưa đầy một năm, dưới sự chỉ dạy tận tình của ông, từ cách lấy hơi, luyến láy..., Kim Đan trở thành nhạc công chính của đoàn. Không chỉ học thổi tiêu, Kim Đan còn tập hát và học chơi nhiều loại nhạc cụ. Anh có thể hát rất nhiều bài nhạc, trích đoạn cải lương và sử dụng thành thạo đàn gáo, đàn khum... Một lần, trong giờ giải lao rảnh rỗi, Kim Đan đưa ống tiêu lên mũi, thử thổi xem âm thanh sẽ như thế nào. “Ban đầu tôi chỉ định thổi cho vui, nhưng thấy âm thanh rất hay, vì thế, tôi đã trao đổi với thầy Lương Sơn và được thầy động viên luyện tập theo cách này để tạo dấu ấn.

Những ngày đầu tập thổi tiêu bằng mũi, Kim Đan gặp muôn vàn khó khăn. Đầu óc bỗng quay cuồng, đau nhức, nước mắt, nước mũi chảy giàn giụa là những hình ảnh thường thấy. Ấy thế mà, sau vài tháng khổ luyện, tôi đã thổi trọn vẹn được bài “Tiếng sáo đồng quê” của nhạc sĩ Lương Sơn”, Kim Đan chia sẻ.

Năm 1993, khi tham gia liên hoan nghệ thuật toàn quốc, Kim Đan có cuộc gặp gỡ mang tính bước ngoặt cho sự nghiệp. Cuộc gặp mà như anh nói, đã khiến anh thay đổi quan điểm từ “cống hiến” trở thành “tận hiến”. “Lúc đó, tôi coi việc chơi nhạc là một nghề, vừa có thể cống hiến, vừa tạo thu nhập ổn định. Nhưng rồi, cuộc gặp gỡ ấy đã thay đổi cách nhìn, đưa tôi đến với suy nghĩ cả cuộc đời sẽ tận hiến tất cả cho bộ môn nghệ thuật của đồng bào tôi. Lần đó, sau phần biểu diễn thổi tiêu bằng mũi, tôi ra phía cánh gà, thấy NSND Y Moan, thần tượng của tôi đứng đó. Chính Y Moan đã bắt chuyện, dành nhiều lời ngợi khen cho tiết mục của tôi. Một cuộc trao đổi không dài, Y Moan khuyên tôi tiếp tục hoàn thiện các kỹ năng. Ông nói nhiều về bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, về việc tôi phải luôn ý thức được việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Khmer. Lần gặp đó đã tạo cho tôi quyết tâm, động lực lớn và những lời căn dặn của Y Moan vẫn theo tôi cho đến ngày nay”, Kim Đan kể lại.

Người dân trong làng đến bây giờ vẫn nhắc lại hình ảnh thằng bé Kim Đan luôn có ống tiêu giắt sau lưng, rảnh rỗi lại ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi tiêu.

Đi tìm “truyền nhân”

Tận hiến với nghề, hy sinh cả hạnh phúc riêng cho nghệ thuật, chính vì thế, chẳng mất nhiều thời gian, Kim Đan đã trở thành nghệ sĩ nổi tiếng trong cộng đồng Khmer. Biệt tài thổi tiêu bằng mũi đã mang đến cho anh 9 huy chương vàng, 2 huy chương bạc tại các kỳ diễn, liên hoan toàn quốc. Năm 2015, anh vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Nghệ sĩ Thạch Hải Vinh (Đội phó ca nhạc, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: Với người nghệ sĩ, ẩn khuất đằng sau những danh hiệu, những giải thưởng, những tràng pháo tay của khán giả là một quá trình khổ luyện, hy sinh vất vả. Với Kim Đan cũng vậy, anh có tài năng trời cho, nhưng không mấy ai biết để đạt được trình độ như bây giờ là tinh thần làm việc không mệt mỏi. Không chỉ thổi tiêu, khi hát, Kim Đan cũng có cách phát âm rất chuẩn mà hiện nay, rất ít nghệ sĩ làm được. Đó không chỉ là năng khiếu, mà còn do khổ luyện. Điều đáng quý hơn, ngày nay, khi tuổi dần về chiều, anh mang những kinh nghiệm quý báu của mình truyền thụ cho thế hệ trẻ, cũng là tương lai của đoàn”.

Chia sẻ về Kim Đan, các nghệ sĩ trẻ của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng cho rằng, không chỉ những chỉ bảo về nghề, anh còn là người biết truyền cảm hứng. Anh luôn truyền được sự khát khao cống hiến, khát khao phục vụ khán giả. Ở anh toát lên vẻ đơn giản, hồn hậu, khiến học trò cảm thấy yêu đời hơn, yêu nghề hơn. Hiện nay, lúc rảnh rỗi, Kim Đan còn mở lớp dạy đàn, hát cho lớp trẻ đồng bào Khmer. Đó cũng là cách để anh bảo tồn và phát triển các bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình.

Tuy nhiên, hiện nay, anh vẫn có một niềm trăn trở, đó là chưa tìm được “truyền nhân” của bộ môn thổi tiêu bằng mũi trứ danh của mình. “Để thổi tiêu bằng mũi thì năng khiếu là chưa đủ mà phải có quyết tâm cực lớn. Ngày mới tập, tôi ôm chiếc ống tiêu cả lúc đi ngủ. Nhiều đêm, giật mình tỉnh giấc lại tập. Chỉ cần nản chí, mọi cố gắng từ trước đó đều trở nên vô nghĩa. Chính vì thế, tôi vẫn chưa tìm được một người học trò ưng ý để có thể truyền đạt tất cả những gì mình có”, Kim Đan chia sẻ.