Mâu thuẫn giữa Vũ Văn Sơn (Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh) và Nguyễn Xuân Nam (PVF - Công an nhân dân) xuất phát từ một việc rất nhỏ, 2 bên lời qua tiếng lại, rồi hẹn nhau ngoài cổng sân Thống Nhất để “giải quyết”. Hết trận, họ xô xát trong đường hầm sân.
Chiều 15/11, Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ra án phạt với những người liên quan vụ việc. Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn bị phạt mỗi cầu thủ 20 triệu đồng, cùng đình chỉ thi đấu 4 trận. Buồn thay, chuyện cầu thủ “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với bóng đá Việt Nam không hiếm. Mới cuối năm ngoái, cũng ở Giải hạng Nhất quốc gia, trận đấu giữa 2 CLB Đồng Nai và Phú Thọ chứng kiến tới 3 thẻ đỏ vì các thành viên quá khích tranh cãi, ẩu đả.
Họ đều là cầu thủ chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản từ các lứa trẻ. Xuân Nam năm nay đã 30 tuổi, từng được triệu tập lên đội tuyển quốc gia, không thiếu kinh nghiệm kiềm chế cảm xúc trong thi đấu. Nhưng sau hàng chục năm “lên chuyên”, dường như cầu thủ Việt Nam nói chung vẫn khá dễ dãi trong việc giữ gìn chuẩn mực đạo đức, hành vi. Các giải đấu, kể cả V.League bị kêu quá nhiều vì tình trạng “chém đinh chặt sắt”. Phía hậu trường, nhiều cầu thủ bị phát hiện dàn xếp tỷ số, sử dụng chất cấm...
Chúng ta nằm trong “vùng trũng” của bóng đá thế giới, đã tụt hậu rất xa so các nền bóng đá phát triển. Nỗ lực thu hẹp khoảng cách không chỉ là chuyện nâng cao chuyên môn trình độ, mà còn phải rèn giũa tính chuyên nghiệp, trong đó có chuẩn mực đạo đức, hành vi. Với vị thế của "môn thể thao vua", cầu thủ nổi tiếng chẳng khác nào ngôi sao điện ảnh, ca nhạc, hình ảnh của họ có sức gây ảnh hưởng lớn đến xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Có 2 vấn đề đã được chỉ ra từ lâu, nhưng vẫn rơi vào cảnh “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”: Thứ nhất, khâu giáo dục cầu thủ ở nhiều CLB chưa được coi trọng đúng mức; thứ hai, chế tài kỷ luật chưa đủ tính răn đe. Nếu không sớm cải thiện, những hành vi lệch chuẩn vẫn còn tái diễn, trở thành rào cản trên hành trình chuyên nghiệp của bóng đá nước nhà.