Kịch hát quan họ kể chuyện Trương Chi

Sau hơn hai tháng tập luyện, trung tuần tháng 12 này, Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh sẽ công diễn vở kịch hát quan họ “Trương Chi”.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở diễn.
Cảnh trong vở diễn.

Quan họ có các yếu tố cần có để đưa vào kịch hát nhưng cũng có những “yếu thế” do chủ yếu nói về tình yêu đôi lứa, lao động sản xuất mà không có kịch tính trong nội dung ca hát. Chính vì thế, dựng kịch hát quan họ “Trương Chi” là một thách thức.

Theo NSƯT Khánh Toàn, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, tác giả kịch bản và đạo diễn kịch hát quan họ “Trương Chi”, trong tác phẩm này, làn điệu quan họ được đưa vào các phân đoạn, các tình huống rất ngọt và tự nhiên, mỗi làn điệu cất lên đều rất hợp cảnh, hợp tình, hợp mạch cảm xúc. Có đến 16 làn điệu quan họ cổ được đưa vào, trong đó mỗi làn điệu dùng 1-2 trổ hát, như: “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Đêm qua nhớ bạn”, “Nhớ mãi khôn nguôi”, “Bạn tình ơi”, “Tưởng đến gần xa”, “Trúc xinh”, “Phùng quan tế hội”… Đặc biệt, làn điệu “Tương phùng tương ngộ” ai oán cất lên trong phân đoạn chàng Trương Chi gieo mình xuống dòng sông được coi là điểm nhấn của vở.

Thực hiện vở diễn, Nhà hát đã huy động gần như toàn bộ diễn viên, trong đó có bảy vai chính là Trương Chi, Mị Nương, vợ chồng quan đại thần, ông cả Quốc - người hầu quan đại thần, ông già - người hầu gái của Mị Nương. NSƯT Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh cho biết, mỗi tháng NSƯT Khánh Toàn về hướng dẫn các nghệ sĩ 1-2 lần, mỗi lần từ 2-3 ngày. Anh em nghệ sĩ vốn quen với hát nay phải diễn kịch cũng có đôi chút khó khăn nhưng ai nấy đều nhiệt tình, trách nhiệm. Cũng có người kêu khó nhưng khi thầy dựng hình thành rồi lại thấy dễ. “Khi đã thuộc lời, hát được rồi thì ai cũng cảm thấy say, diễn rất vào. Anh em nghệ sĩ tập ngày, tập đêm nên vừa rồi cả đoàn ốm gần hết”, NSƯT Trung Kiên kể. Nghệ sĩ Thanh Quý, Phó Giám đốc Nhà hát cho rằng, việc đưa quan họ vào kịch hát khiến nghệ sĩ trở nên đa năng nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng. Để vở diễn đạt đến chất lượng nghệ thuật cao hơn nữa đòi hỏi cần trau chuốt thêm ở nhiều khâu, nhiều công đoạn. Tất cả mới là sự khởi đầu nhưng tin rằng, khán giả sẽ dần chấp nhận cách làm mới này.

Giám đốc Nhà hát Lê Mạnh Thắng cho biết, từ lâu Nhà hát đã mong muốn làm thành show diễn “Tinh hoa Kinh Bắc” để không chỉ đưa quan họ vào kịch hát mà còn thông qua hình thức thực cảnh sống động, tái hiện được nhiều lớp trong đời sống văn hóa tinh thần, lao động sản xuất của người Kinh Bắc, kể cả đưa rối nước Đồng Ngư, ca trù, những làng nghề truyền thống… vào sân khấu hóa trên cốt lõi trình diễn của quan họ. Nhưng để đầu tư cho ý tưởng đó thành hiện thực còn khá xa bởi nguồn lực dành cho nó tương đối lớn, vì vậy vở diễn lần này chính là sự khởi đầu cho hướng đi tìm tòi mới mẻ trong nghệ thuật trình diễn quan họ.